Liên quan đến vụ đơn vị môi giới việc làm “mạo danh” công ty xin visa XKLĐ, luật sư đã có những quan điểm về sự việc này.
Thông tin hàng loạt người lao động ở Ả Rập Xê Út kêu cứu vì bị ngược đãi, nhóm PV đã tìm hiểu và được biết đơn vị tư vấn việc làm Tân Hoàng Minh tự ý sử dụng thông tin giấy phép của Công ty Cổ phần đầu tư và Hợp tác Quốc tế Nam Việt lên website.
Ông Lê Hồng Việt – GĐ Công ty Nam Việt đã lên tiếng khẳng định Tân Hoàng Minh có hành vi mạo danh và cho biết đã có công văn gửi phòng Hình sự PC45 Công an TPHCM.
Công văn gửi PC 45 của Nam Việt. |
Luật sư Lê Văn Kiên – Trưởng VP Ánh sáng Công lý cho rằng, theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, chỉ những doanh nghiệp được Bộ LĐ-TB&XH cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng mới được tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Điều 17, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định về nội dung của hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và Hợp đồng lao động như về địa điểm, điều kiện, môi trường, thời giờ làm việc, tiền công, tiền lương… các khoản về tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ… Khi có sự vi phạm các thảo thuận trong các hợp đồng trên thì sẽ giải quyết theo quy định tại Điều 73 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định về nội dung của hợp đồng.
Như vậy, khi người lao động xét thấy quyền và lợi ích của mình không được đảm bảo theo hợp đồng đã ký kết thì họ có thể giải quyết bằng các phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và khởi kiện là con đường cuối cùng để giải quyết tranh chấp.
Luật sư Lê Văn Kiên phân tích trách nhiệm của đơn vị "môi giới". |
Vị luật sư này cho biết thêm, đơn vị môi giới tự ý lấy giấy phép và chứng nhận của đơn vị khác thì sẽ bị xử lý vào Khoản 2, Điều 7 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định các hành vi bị nghiêm cấm.
“2. Sử dụng Giấy phép của doanh nghiệp khác hoặc cho người khác sử dụng Giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.”
Điều 74, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 quy định xử lý vi phạm.
“Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.” – Luật sư Kiên nói.
Theo luật sư Kiên, nếu phát sinh tranh chấp giữa người lao động và doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được giải quyết trên cơ sở hợp đồng ký giữa các bên và quy định của pháp luật Việt Nam. Người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
“Trong trường hợp công ty này mạo danh lợi dụng thông tin của công ty khác để đưa người lao động đi nước ngoài và nhận tiền của người lao động, đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề nghị các cơ quan điều tra cần xem xét hành vi trên.” – Luật sư Kiên nói.
Trước đó đã đưa tin, Công ty CP Đầu tư và Hợp tác quốc tế Nam Việt đã có công văn gửi Phòng PC 45 Công an TPHCM về việc điều tra theo đơn kêu cứu của người lao động và Công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh đã mạo danh để tổ chức tuyển chọn và đưa người lao động Nguyễn Thị Hòa đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể, lao động Nguyễn Thị Hòa ở Ả Rập Xê Út do công ty cổ phần Traenco (Bộ Giao thông Vận tải) là đơn vị đã tiếp nhận, đóng visa cho lao động Nguyễn Thị Hòa xuất cảnh nhưng lại không ký kết hợp đồng; công ty CP du lịch dịch vụ quốc tế Tân Hoàng Minh là công ty đưa người lao động đi xuất khẩu lao động nhưng trên giấy tờ lại dùng hợp đồng của công ty Nam Việt. |