+Aa-
    Zalo

    Độc đáo tục thờ "linh hồn người sống" của đồng bào Vân Kiều

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Từ lâu, người Vân Kiều ở bản Khe Ngát, thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã có tục thờ linh hồn người sống ngay khi họ mới sinh ra.

    (ĐSPL) - Từ lâu, người Vân Kiều ở bản Khe Ngát, thị trấn Nông Trường Việt Trung, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã có tục thờ linh hồn người sống ngay khi họ mới sinh ra. Mỗi linh hồn được thờ bằng một bát sứ đặt trên bàn thờ ở sát mái nhà. Khi gia đình có người đau ốm, họ liền nghĩ tới chuyện vị thần bổn mạng của người đó đang đòi hỏi được làm lễ cúng.

    Cúng hồn người sống từ khi sinh ra

    Từ thị trấn Nông Trường Việt Trung, vượt qua 5km đường đất gập ghềnh khó đi, chúng tôi đến với đồng bào Vân Kiều ở bản Khe Ngát. Điểm đặt chân đầu tiên trong chuyến hành trình là nhà anh Hồ Văn Phần (1970), Bí thư chi bộ bản. Hồ Phần là người Quảng Trị, anh đến bản Khe Ngát lập nghiệp rồi lấy vợ, sinh con nên nơi đây được anh xem như quê hương thứ hai của mình.

    Lần đầu tiên đến với bản Khe Ngát nên những gì chúng tôi được nghe, được quan sát đều mới mẻ và ngỡ ngàng. Trong đó, ngạc nhiên nhất là phong tục thờ linh hồn của những người còn sống của các gia đình Vân Kiều. Thấy chúng tôi có đôi chút tò mò, Hồ Phần liền giải thích: “Người Vân Kiều quan niệm, bản thân mỗi con người khi sinh ra đều có một linh hồn và một vị thần bổn mạng che chở. Để con người đó được sống một cách khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn, người ta phải thực hiện nghi thức cúng vị thần bổn mạng đó. Cho đến bây giờ, đồng bào không biết tục thờ linh hồn người sống có từ khi nào. Chỉ biết, mỗi khi ai đó được sinh ra, trong gia đình sẽ làm lễ thờ cúng linh hồn của người đó”.

    Bàn thờ linh hồn sống được các gia đình Vân Kiều đặt ở vị trí sát mái nhà.

    Theo quan niệm này, khi đứa trẻ sinh ra được ba ngày, những người trong gia đình sẽ chuẩn bị hai con gà. Sau đó, họ mời thầy cúng về làm lễ, trình bày với ông bà, tổ tiên rằng gia đình mới đón nhận thêm một thành viên mới, cầu mong ông bà, tổ tiên phù hộ cho đứa bé mạnh khỏe, khôn lớn. Khi đứa trẻ được một tháng, gia đình chuẩn bị thủ lợn để làm lễ chẵn tháng, tiếp tục trình bày với tổ tiên, ông bà để đặt tên cho đứa trẻ. Đến khi đứa trẻ được một tuổi, người nhà phải mua một con lợn để làm một “cái vía” của đứa trẻ. Cái vía đó được đựng trong một cái bát bên ngoài bọc bằng giỏ tre, bắt đầu việc thờ cúng vị thần bổn mạng của đứa trẻ.

    Vì vậy, số lượng bát trên bàn thờ linh hồn người sống sẽ tương đương với số thành viên trong gia đình. “Nhà mình có sáu người, thì mình thờ sáu cái bát, tượng trưng cho sáu vị thần bổn mạng của những người còn sống trong gia đình”, mẹ Hồ Phằn chia sẻ.

    Linh hồn người sống biết đòi hỏi?

    Trong thực tế, tất cả người Vân Kiều đều có chung phong tục thờ linh hồn người sống nhưng tùy thuộc vào mỗi địa bàn mà phong tục đó được thực hiện theo nhiều cấp bậc khác nhau. Với người Vân Kiều sống ở phía Tây Quảng Trị, việc thờ linh hồn người sống được thực hiện theo ba cấp bậc. Nhưng với người Vân Kiều ở bản Khe Ngát, việc thờ linh hồn người sống lại được thực hiện theo hai cấp bậc.

    Cấp bậc một bắt đầu khi gia đình làm lễ cúng cho đứa trẻ tròn một tháng tuổi. Cấp bậc hai chỉ được thực hiện khi linh hồn người sống đòi hỏi. Tức là trong quá trình sinh sống, mỗi khi người sống có dấu hiệu mệt mỏi, ốm đau, người ta sẽ nghĩ tới chuyện linh hồn sống đang đòi hỏi được làm lễ cúng lần hai. Vì lẽ trên, không phải bất kỳ người nào từ khi sinh ra đến khi chết đi đều có hai cấp bậc. “Mình có ba người con đều đã trưởng thành. Nhưng chỉ hai người con đầu làm lễ bậc hai, người con út mặc dù đã lớn nhưng linh hồn nó chưa đòi hỏi làm bậc hai thì mình chưa làm”, Hồ Phần cho biết.

    Bà Hồ Thị Miền kể về nghi thức xin chuyển linh hồn sống của mình từ nhà mẹ đẻ sang gia đình nhà chồng.

    Bà Hồ Thị Miền, một người lớn tuổi trong bản Khe Ngát cho biết thêm: “Mỗi khi thấy trong người không khỏe, người Vân Kiều sẽ đến nhà thầy cúng, nếu thầy cúng phán nguyên nhân ốm đau do linh hồn đòi hỏi thì lập tức người đó sẽ về nhà chuẩn bị đồ cúng để cúng linh hồn. Nếu đúng thì ba ngày sau khi cúng sẽ khỏi. Sau đó, người ta phải chuẩn bị gà, lợn hoặc trâu tùy theo sự đòi hỏi của linh hồn để cảm tạ vị thần linh hồn đó”.

    Đối với những người phụ nữ Vân Kiều ở bản Khe Ngát, sau khi lấy chồng, họ phải thực hiện nghi thức xin chuyển linh hồn của mình từ nhà mẹ đẻ về nhà chồng để thờ cúng. Bà Hồ Miền nhớ lại: “Mình về nhà chồng sinh sống thì phải xin linh hồn của mình về nhà chồng, để lỡ có đau ốm còn dễ trình bày. Mình nhớ, ngày đó phải chuẩn bị một con gà để thưa với tổ tiên nhà mình. Sau đó, chuẩn bị một con lợn để cúng ở nhà chồng, thông báo với tổ tiên rằng linh hồn của mình đã về nhà chồng rồi”.

    Đến nay, mặc dù cuộc sống của người Vân Kiều đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng phong tục thờ linh hồn người sống vẫn được người dân ở đây duy trì. Thông thường, việc thờ linh hồn sống chỉ kết thúc khi người đó chết đi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-tuc-tho-linh-hon-nguoi-song-cua-dong-bao-van-kieu-a78147.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Kỳ lạ tục làm giỗ sống cho những đứa con

    Kỳ lạ tục làm giỗ sống cho những đứa con

    Người Bru-Vân Kiều sống hiền lành, phóng khoáng và có niềm tin rất mãnh liệt vào thế giới tâm linh. Trong một lần về thôn Pa Loang (xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị), tôi được nghe già làng Hồ Xuân Thoàng kể về tập tục “làm nhà ở cho linh hồn”..

    Kỳ lạ ngôi làng cấm đưa linh cữu người chết qua ngôi đình cổ

    Kỳ lạ ngôi làng cấm đưa linh cữu người chết qua ngôi đình cổ

    Đó là đình làng Phú Ốc, xưa kia thuộc thôn Phú Ốc, thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà, nay thuộc Tổ dân phố 3, phường Tứ Hạ, thị xã Hương Trà (Thừa Thiên- Huế). Theo tìm hiểu, chúng tôi được biết, tất cả người dân nơi đây đều khẳng định, từ xưa đến nay không một đám tang (còn gọi là đám ma) nào “đủ can đảm” để dám phá lệ đưa xác chết đi băng qua ngôi đình cổ “độc nhất vô nhị” này.