Để giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc cho các em học sinh, trường THCS Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An đã xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa trong khuôn viên nhà trường. Điều đặc biệt hơn, trường này đã đặt tên cho các lớp học theo các quần đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa. Thậm chí, trường có cả đề án về giáo dục về chủ quyền biển đảo khiến cho các em học sinh cảm thấy rất thích thú.
Lớp học mang tên các quần đảo
Trong một lần đi công tác chúng tôi tình cờ đi ngang qua trường THCS Kim Liên. Điều chúng tôi thấy ngạc nhiên, trong ngôi trường nhỏ có một mô hình cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa hiện lên sừng sững. Nó như muốn nhắc nhở thế hệ trẻ luôn hướng về “núm ruột” ngoài khơi của Tổ quốc.
Thấy đặc biệt nên chúng tôi đã liên hệ với Hiệu trưởng của trường để tìm hiểu về mô hình đặc biệt này. Thầy Nguyễn Vương Linh, Hiệu trưởng nhà trường không ngần ngại chia sẻ về ý tưởng đặc biệt này. Thầy Linh cho biết, thầy muốn xây dựng mô hình này để nhằm giúp giáo dục về tình yêu quê hương, đất nước cho các học sinh không chỉ qua kiến thức sách vở mà còn bằng mô hình trực quan sinh động. Về vấn đề giáo dục chủ quyền biển đảo, nhà trường đã lên đề án cụ thể. Sau khi phác họa ý tưởng thầy đã xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền ở địa phương.
Các em rất hứng thú với cách giáo dục về chủ quyền biển đảo của nhà trường. |
Sau khi được các cấp có thẩm quyền đồng ý về chủ trương, ban giám hiệu nhà trường đã vận động các doanh nghiệp hỗ trợ và tổ chức quyên góp từ giáo viên, cựu học sinh toàn trường để xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa trong khuôn viên nhà trường.
“Đầu tiên chúng tôi vận động thầy cô giáo trong trường mỗi người đóng góp vài trăm nghìn. Tiếp đến là vận động các em học sinh bớt bữa ăn sáng 5.000 đồng. Sau đó chúng tôi vận động phụ huynh, các doanh nghiệp trên địa bàn. Chúng tôi đã kêu gọi được 40 triệu đồng để xây dựng cột mốc này. Để phác họa lên được cột mốc, chúng tôi lên mạng tìm hiểu về kích thước và nhờ một người kỹ sư ở địa phương làm giúp”, thầy Linh chia sẻ.
Năm học 2015-2016, cột mốc chủ quyền Trường Sa được khánh thành trong niềm hân hoan của thầy trò. Cũng từ năm học này, ban giám hiệu nhà trường đã quyết định đặt tên 20 lớp học theo tên các hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa ví dụ như: An Bang, Sơn Ca, Sinh Tồn, Tốc Tan, Cô Lin, Gạc Ma,... Sau đó nhà trường sẽ gắn bảng tên luôn ở lớp. Cột mốc chủ quyền Trường Sa cao 4,9m; có hình trụ 4 cạnh (mỗi cạnh 70cm) gắn sao vàng, có hình trống đồng, ghi rõ kinh độ và vĩ độ.
Sau khi đặt tên từng lớp, các bạn đội viên là phải tìm hiểu xem vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, ý nghĩa lịch sử, vị trí chiến lược đóng vai trò như thế nào đối với Tổ Quốc Việt Nam và dân số ở đó. Các em học sinh phải tự tìm hiểu từ đó các em có kiến thức về địa lý, lịch sử. Tiếp theo đó, trường mời các anh bộ đội ở các quần đảo, bớt chút thời gian về giao lưu, nói chuyện. Nhân chứng ở các đảo về kể lại những khó khăn gian lao vất vả, hạnh phúc và vinh dự ngoài đảo nên các em học sinh rất hào hứng.
Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các đợt viết thư, bày tỏ tình cảm sự yêu mến của các cháu học trò đối với các anh bộ đội; sưu tầm các bài hát về biển đảo. Ngoài ra, trường còn thành lập CLB “Em yêu biển đảo”. Thầy Linh mong muốn tuyên truyền cho các em học sinh trong nhà trường nhận thức, hiểu biết hơn về chủ quyền biển đảo; đặc biệt là hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đây là những vấn đề đang “nóng bỏng” và các thế hệ trẻ cần phải biết, giúp các em có thêm lý tưởng, ý thức để phấn đấu học tập tốt.
"Các tiết học môn xã hội và chương trình ngoại khóa được giáo viên lồng ghép nội dung biển đảo để giáo dục truyền thống, vun đắp tình yêu biển đảo, quê hương cho các em học sinh. Công trình là niềm tự hào rất lớn của giáo viên và học sinh", thầy Linh chia sẻ.
Có ý nghĩa rất đặc biệt
Theo quan điểm của thầy Linh, hiện nay lý tưởng về Tổ quốc trong một bộ phận giới trẻ có phần mai một. Chuẩn của thế hệ trẻ có xu hướng lệch lạc, cách giáo dục về đạo đức, cách mạng, lý tưởng của các nhà trường đang có nhiều vấn đề.
“Hơn cả việc nâng cao chất lượng chúng tôi tập trung vào việc giáo dục nhân cách, đạo đức lý tưởng cho học sinh. Trong đó giáo dục về ý thức biển đảo rất cần thiết. Vì tại thời điểm nhà trường quyết định xây cột mốc, Trường Sa và Hoàng Sa và Biển Đông có nhiều biến động. Trong đó có việc Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam theo Công ước về Luật Biển năm 1982. Nếu như thế hệ trẻ không biết đến chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, đặc biệt là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lỗi của người lớn. Mình cũng cần có những cách tuyên truyền cho thế hệ trẻ, giáo dục cho học sinh biết được chủ quyền”, thầy Linh chia sẻ thêm.
Thậm chí hàng năm, nhà trường còn mời một số đồng chí ở ngoài đảo về nói chuyện với học sinh. Khi học sinh biết mình có trách nhiệm với Tổ quốc, trách nhiệm với quê hương, với gia đình, bố mẹ và người thân thì học sinh học một cách tự giác sẽ hiệu quả hơn. Các em chưa thể cầm súng bảo vệ Tổ quốc nhưng cũng cần biết được hy sinh của các cha anh ở các quần đảo, biết được chủ quyền biển đảo của mình. Các lớp được phân công luân phiên bảo vệ, giữ cho cột mốc luôn sạch đẹp.
“Chúng tôi xây bia chủ quyền Trường Sa, lấy tên các hòn đảo đặt tên các lớp học và tổ chức lồng ghép nội dung biển đảo vào các chương trình ngoại khóa để giáo dục truyền thống, vun đắp tình yêu biển đảo quê hương cho các em học sinh. Việc này đã giúp các em không còn cảm thấy nhàm chán khi học môn Lịch sử”, ông Linh nói.
Em Hà Thị Thanh Liêm, học sinh lớp 6 của trường THCS cho biết, em rất hứng thú về các giờ học ngoại khóa về biển đảo. “Trước đó, em và các bạn chưa có nhiều hiểu biết về đảo Trường Sa lớn. Tuy nhiên, từ khi có đề án này các thành viên trong lớp đã có thể kể về lịch sử, vị trí địa lý của đảo và cả sự can trường của những người lính đảo đêm ngày chắc tay súng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nghe các anh bộ đội kể về cuộc sống ở ngoài đảo, những hy sinh cao cả, những khó khăn, những trận chiến, chúng em hiểu sâu hơn về chủ quyền biển đảo. Từ đó, chúng em thêm yêu Tổ quốc và quê hương mình nhiều hơn nữa”, em Liêm chia sẻ.
Trao đổi về đề án này, cô Nguyễn Thị Kim Thương, giáo viên dạy môn Lịch sử của trường cho biết cách làm của trường được học sinh trong trường cảm thấy thích thú và hưởng ứng nhiệt tình. Ngoài việc giao cho các lớp phải tìm hiểu kỹ về hòn đảo được đặt tên cho lớp của mình, các em còn có thể trao đổi và tìm hiểu về các hòn đảo khác thông qua các buổi học ngoại khóa của toàn trường. Thông qua những hoạt động trên, học sinh đã có thể nắm khá vững các kiến thức cơ bản về biển đảo, giúp các em yêu thích môn Lịch sử, hào hứng với những bài giảng trên lớp của các thầy cô.
Hà Hằng
Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 15+16+17+số 4(Tháng)