+Aa-
    Zalo

    Độc đáo “đêm trời cho” giữa đại ngàn để trai gái yêu thương

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bên cạnh cái Tết cổ truyền của dân tộc, đồng bào Ma Coong ở tỉnh Quảng Bình, đang tất bật sắm sửa, chuẩn bị cái Tết của tộc người mình, đó là lễ hội đập trống.

    Ở miền biên viễn xa xôi sát với nước bạn Lào, bên cạnh cái Tết cổ truyền của dân tộc, đồng bào Ma Coong ở tỉnh Quảng Bình, đang tất bật sắm sửa, chuẩn bị cái Tết của tộc người mình, đó là lễ hội đập trống. Hàng năm, dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn trăm bề, đồng bào Ma Coong vẫn chuẩn bị cho mình 3 cái Tết.

    Độc đáo lễ hội đập trống của đồng bào Ma Coong. Ảnh: Báo Dân Sinh

    Tết Nguyên đán giữa đại ngàn Trường Sơn

    Tộc người Ma Coong cư trú ở vùng đất nằm sâu trong những cánh rừng già phía Tây dãy Trường Sơn hùng vĩ, thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cuộc sống của họ gắn liền với núi rừng, muông thú nên vẫn còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Gần Tết Nguyên đán, dọc con đường dẫn vào các bản: Aki, Troi, Cờ Đỏ... của đồng bào Ma Coong đèo dốc quanh co nhưng đã thấy những cánh đào rừng hé nở, báo hiệu một mùa xuân mới đang về.

    Nếu ở miền xuôi, đây là khoảng thời gian nhộn nhịp mọi người đua nhau đi sắm Tết, thì ở khắp các bản làng, người Ma Coong vẫn gọi nhau lên rẫy làm nương. Bản làng nằm im ắng bên trong những dãy núi đá vôi hùng vĩ, thi thoảng mới có tiếng trẻ con í ới vang lên xa gần.

    Theo anh Đinh Tiến, Trưởng bản Aki, chỉ đến Tết thì người Macoong mới nghỉ ở nhà, còn lại hầu hết thời gian là lên rẫy làm nương. Theo tìm hiểu, đây vừa là thói quen, vừa là cách “lo xa” của người dân.

    “Ở trên này cuộc sống gần như tách biệt, đường đi khó khăn nên bà con phải lo cái ăn trước khi hưởng niềm vui đón năm mới”, Trưởng bản Aki giải thích. Trao đổi với PV, ông Phan Văn Bính, Bí thư xã Thượng Trạch, cho biết, 18 bản của người Ma Coong ở xã Thượng Trạch đều sống dựa vào nương rẫy, chủ yếu là trồng lúa, sắn, ngô.

    “Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nên mỗi độ Tết đến xuân về, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các nhà hảo tâm cũng gửi quà, bánh chưng cho đồng bào Ma Coong đón một cái tết đầy đủ, đầm ấm. Do phong tục tập quán, nên việc đón Tết Nguyên đán của người dân diễn ra cũng khá đơn giản và nhanh gọn”, ông Phan Văn Bính cho biết.

    Tết của người Ma Coong không cao lương mỹ vị, không quà cáp biếu xén, nhà nào cũng như nhà nào. Cứ gần Tết, dù thiếu thốn đến đâu, bà con vẫn chuẩn bị sẵn dăm ba hũ rượu cần để ở góc nhà. Đi săn được con thú thì lấy ít thịt gác lên bếp, thế là Tết đã có món ngon mời khách đến chơi. Cũng như người miền xuôi, những ngày Tết, người Ma Coong mời nhau uống rượu, nói chuyện và chúc nhau những gì tốt đẹp nhất trong năm mới.

    Tết Ma Coong cầu mùa và hạnh phúc

    Sau khi đón Tết cổ truyền xong, tộc người Ma Coong lại tất bật sửa soạn, chuẩn bị đón Tết của đồng bào mình, đó là Lễ hội đập trống. Với người Ma Coong, đây là cái Tết quan trọng nhất trong năm. Vào dịp này, người dân ở 18 bản làng, góp cá, rượu và tập trung về bản Cà Roòng, cùng nhau uống rượu, nhảy múa, thanh niên thi nhau đập trống với mong ước một năm mới mùa màng bội thu.

    Lễ hội Đập Trống của người Ma Coong diễn ra vào ngày 16 tháng giêng hàng năm. Bà Y Nhoong kể lại: "Lễ hội đập trống của người Ma Coong hình thành, phát triển nên từ một truyền thuyết. Theo truyền thuyết của người Ma Coong, ngày xưa vùng đất của người Ma Coong đang ở xuất hiện một con khỉ ác màu vàng, hằng đêm nó thường vào rẫy của bà con dân bản ăn ngô, phá lúa và cây trái của bà con. Từ khi có khỉ ác xuất hiện, người Ma Coong liên tục mất mùa đói kém, đau ốm triền miền. Người Ma Coong dùng nhiều cách đuổi khỉ ác nhưng vẫn bất lực.

    Đêm trước ngày rằm tháng Giêng, vị già bản nằm mơ thấy Giàng (thần trời) hiện về mách bảo, muốn đuổi khỉ thì hãy làm một chiếc trống tiếng thật vọng mang ra đánh vào đêm trăng sáng nhất, khi khỉ ác về phá mùa màng.

    Ngay hôm sau, đàn ông người Ma Coong khẩn trương hoàn thành ngay một chiếc trống đẹp, âm thanh to ấm, vang xa tận sâu trong lòng đại ngàn Trường Sơn. Chờ khỉ đến đúng giờ trăng sáng nhất đêm rằm 16, thanh niên mang trống ra thay nhau đánh, khỉ ác hoảng sợ bởi tiếng trống nên trốn khỏi vùng đất này, không bao giờ trở lại. Để tưởng nhớ vị già bản tiên tổ người Ma Coong, đền đáp công ơn của Giàng, những của ngon vật lạ trên vùng đất của người Ma Coong được lựa chọn, bày biện làm lễ cúng tế linh đình”.

    Ông Phạm Văn Bính, cho biết: “Tới tham dự lễ hội Đập Trống không chỉ có 18 bản của xã Thượng Trạch mà còn có các anh em bên Lào qua, và các xã lân cận tới tham dự”.

    Lễ hội đập trống của người Ma Coong còn có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng được bình yên, con người sống ấm no, hạnh phúc. Điều đặc biệt nữa, trong lễ hội này, người nào đánh vỡ được mặt trống là người may mắn nhất! Bởi theo quan niệm của bà con, người này sẽ được Giàng (ông trời) giúp đỡ có được nhiều sức khỏe và của cải.

    Từ lâu, Đinh Xòn là người được thừa kế quyền tổ chức đêm hội đập trống của người Ma Coong. Ông cho biết, theo tục lệ của người Ma Coong lễ vật cúng Giàng được đóng góp từ các gia đình của 18 thôn bản bao gồm: Gà thể hiện cho chăn nuôi bội phát; gạo nếp thể hiện sự được mùa; đọt mây, đọt đoác thể hiện sự kính trọng của người dân đối với núi rừng.

    Trong ngày lễ hội, 6 mâm lễ vật được chuẩn bị dâng tế là 18 hũ rượu cần, 18 con gà, 24 con cá, đọt mây, thân cây đoác. Sau phần lễ, Đinh Xon phát lễ đập trống. Lúc này tất cả thanh niên trai tráng trong làng thay nhau đập trống và hô to: “Roa lữ Giàng ơi. Roa lữ Giàng ơi”.

    Theo quan niệm của người Ma Coong năm nào trống càng được đánh vỡ sớm bao nhiêu thì năm ấy dân làng càng được nhiều tốt lành bấy nhiêu và mặt trống được đập thủng là thể hiện sức mạnh đoàn kết cộng đồng dân tộc, giúp họ gắn bó, chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ bản làng.

    Lễ hội đập trống cũng là dịp để trai, gái người Ma Coong chưa vợ, chưa chồng tình nguyện và chủ động tìm hiểu nhau, yêu nhau đắm say trong đêm trăng sao vằng vặc mà không bị bố mẹ, gia đình, người thân ngăn cấm. Đây được gọi là "đêm trời cho", mỗi năm chỉ có một lần của những đôi trai gái trước đó chưa hề quen biết, hoặc có quen biết nhưng chưa từng tìm hiểu, yêu đương nhau.

    NGÔ HUYỀN

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số Tết

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/doc-dao-dem-troi-cho-giua-dai-ngan-de-trai-gai-yeu-thuong-a260772.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Lễ hội Chùa Hương diễn ra khi nào?

    Lễ hội Chùa Hương diễn ra khi nào?

    Lễ hội chùa Hương là một nét văn hóa, tâm linh truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Mỗi dịp đầu năm mới, du khách thập phương lại nô nức đổ về chùa Hương để trẩy hội.