(ĐSPL) - Những tiểu thương này tiết lộ, họ thu mua thịt lợn sề thải loại ở các lò mổ với giá rất rẻ và yêu cầu giết mổ bằng cách chích điện chứ không chọc tiết như bình thường để thịt còn giữ được màu đỏ giống thịt bò.
Thịt lợn chích điện, pha mùi thành thịt bò Úc
Bằng cách thay đổi cách giết thịt lợn, pha phẩm màu và gia vị mùi, nhiều tiểu thương đã biến loại thịt lợn thải loại, tiềm ẩn nguy hiểm tới sức khỏe con người thành thịt bò Úc.
Thông tin trên báo Dân trí, những tiểu thương tiết lộ, họ thu mua thịt lợn sề thải loại ở các lò mổ với giá rất rẻ và yêu cầu giết mổ bằng cách chích điện chứ không chọc tiết như bình thường để thịt còn giữ được màu đỏ giống thịt bò.
Tiếp đến, cánh tiểu thương sẽ “pha thịt” bằng cách chọn những tảng lớn, lọc hết mỡ, bỏ hết những thớ gân trắng.
Qua điều tra cho thấy, thông thường các tiểu thương buôn bán lẻ thịt bò mua khoảng một phần ba lượng thịt bò xịn, còn lại họ mua thịt lợn sề (là loại lợn nái thải loại do đã sinh sản nhiều lứa-PV) rồi về trà trộn, bán cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, để người tiêu dùng khó phát hiện ra thịt bò giả, theo hướng dẫn của tiểu thương này, cần phải dùng thêm mỡ bò, huyết bò để tạo mùi hoặc dùng một loại hoá chất tạo mùi “hương bò”. Để minh chứng cho mánh lới của mình, tiểu thương này ngay lập tức bôi lên miếng thịt lợn sề một loại nước được gọi là hương bò đang được giấu dưới gầm phản thịt.
Nhiều tiểu thương cho biết, rất nhiều các quán phở ở Hà Nội và các hàng cơm bình dân hiện nay sử dụng thịt lợn sề để giả làm thịt bò. Đặc biệt, khi có khách hàng mua lẻ, tiểu thương này ngay lập tức thay đổi thái độ và khẳng định phản thịt toàn lợn sề của mình là “thịt bò Úc, bò lai”.
Bằng cách thay đổi cách giết thịt lợn, pha phẩm màu và gia vị mùi, nhiều tiểu thương đã biến loại thịt lợn thải loại, tiềm ẩn nguy hiểm tới sức khỏe con người thành thịt bò Úc. |
Một nghìn lẻ một… cách biến hóa thịt lợn sề thành thịt bò
Chuyện "phù phép" thịt lợn sề thành thịt bò đã không còn là chuyện mới, nhưng đến nay, vấn nạn này vẫn còn nhức nhối, các tiểu thương có nghìn lẻ cách để 'biến hóa" thứ thịt "ăn na ná" thịt bò này để thu lợi bất chính. Họ thường chọn thịt lợn sề để làm giả thịt bò vì thịt lợn sề bởi chúng có độ dai gần giống với thịt bò còn , thịt lợn thường chỉ có thể giống về hình thức, không dẻo và dai như thịt bò.
Để thịt lợn màu đỏ hồng chuyển sang màu đỏ sẫm như thịt bò, họ có thể dùng máu (tiết) bò trộn vào thịt lợn khi ướp để có mùi gây, hôi đặc trưng của thịt bò hoặc nhuộm màu cho thịt lợn bằng phẩm màu “hoa hiên”, chỉ cần pha một thìa cà phê bột hoa hiên hòa vào nước, quét lên bề mặt thị lợn, hoặc nhúng thịt lợn vào dung dịch này chừng 1 phút là thịt lợn đã có màu sắc giống như thịt bò tươi và không thể phân biệt được đâu là thịt bò, đâu là thịt lợn.
Tuy nhiên trong quá trình xào, nấu màu thịt sẽ không còn đỏ tươi như lúc nhuộm mà chuyển sang màu hơi trắng, đặc biệt là không có mùi vị của thịt bò thật. Nếu dùng bột hoa hiên có nguồn gốc tự nhiên, có thể việc “nhuộm màu” này là an toàn, tuy nhiên, với các loại bột công nghiệp, hoặc bột mua ngoài chợ, không rõ nguồn gốc, xuất sứ thì không thể khẳng định về chất lượng của loại bột này.
Về phần mùi vị, trước tiên, người làm thịt giả, họ dùng một loại gia vị phụ gia khác, gọi là maltol - một chất tạo màu có trong danh mục chất phụ gia thực phẩm được phép sử dụng đối với một số loại thực phẩm, để giảm mùi đặc trưng của thịt lợn. Sau đó tạo nên mùi và vị của bò bằng nhiều cách khác.
Đơn giản nhất là lấy xương bò tươi nấu chung với nước dùng, thịt lợn sề sau khi đã tẩm ướp cho ngấm gia vị và lên màu, cho vào trần trong nước dùng, nước từ tủy, xương bò sẽ ngấm vào thịt, tạo mùi bò đặc trưng.
Nhưng những cách này chỉ cửa hàng nhỏ mới dùng, những quán hàng đông khách sẽ phải có những cách chuyên nghiệp hơn, đó là sử dụng các loại phụ gia như: nước tinh bò; bột hương vị bò, viên gia vị bò… các loại phụ gia này sẽ giúp tô phở thịt có mùi thơm đặc trưng của thịt bò, khiến người ăn dù có tinh ý cũng khó phát hiện ra.
[mecloud]bxbZr9m20h[/mecloud]
Mối nguy hại khôn lường
Theo TS. Lương Hồng Nga, Giảng viên Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, thuộc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng, không có hóa chất nào có thể biến thịt lợn thành thịt bò mà chỉ là dùng phụ gia để tạo mùi và vị giống tương đối. Thịt lợn sề ướp các loại phụ gia này có thể có màu sắc, mùi như thịt bò, khi chế biến nhìn bằng mắt thường có thể không phát hiện ra nhưng chú ý kỹ khi ăn sẽ nhận ra ngay.
Tuy nhiên, nhận định về mối nguy hiểm của thịt bò giả, tiến sĩ Nga cho biết: việc ăn phải thịt lợn sề giả thành thịt bò này cũng rất nguy hiểm. Vì thông thường, người dân không bán những con lợn sề khỏe mạnh vì nó mang lại nguồn lợi nhờ việc đẻ lợn con. Chỉ khi lợn sề bị bệnh, phải tiêm, hoặc đã chết, người dân mới đem bán. Tức là, ngoài việc ăn phải rất nhiều loại phụ gia không rõ nguồn gốc, chất kháng sinh và có thể mang mầm bạn còn đối mặt với nguy cơ mang bệnh từ thịt lợn đó bệnh.
Theo kinh nghiệm dân gian, thịt lợn sề cũng không tốt cho bà đẻ hoặc người mới ốm dậy vì nó có thể dẫn đến mất sữa, hoặc bị hậu sản… Vì thế, nếu chúng ta cảm thấy bát phở bò đang ăn không giống thịt bò thật thì nên ngừng ăn, để tránh ăn phải các loại thịt bẩn, không rõ nguồn gốc, đặc biệt là với các bà mẹ mới sinh con.
Đánh giá về tác hại của các loại phụ gia biến thịt lợn sề thành thịt bò, tiến sỹ Nga nhận định: Không phải loại phụ gia thực phẩm hỗ trợ trong quá trình chế biến nào cũng độc hại, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng. Quan trọng là loại phụ gia thực phẩm đó có đảm bảo chất lượng không? Ngoài ra, việc nó có làm hại sức khỏe của bạn không còn tùy thuộc vào thời gian ngâm tẩm thực phẩm với phụ gia ngắn hay dài, nhiều hay ít phụ gia. Việc dùng phụ gia ở các quán biến thịt lợn sề thành thịt bò rất đáng lo vì có thể họ dùng phụ gia rẻ tiền, ngâm tẩm lâu.
Bát phở chế từ thịt bò giả. |
Mẹo phân biệt thịt lợn sề và thịt bò
Phân biệt bằng thị giác
- Thịt bò thật có màu đỏ au hoặc hồng đậm thịt lợn, thớ thịt nhỏ, mỡ vàng. Thịt lợn giả thịt bò sẽ có thớ thịt to và ngắn hơn, không mịn, phần mỡ màu trắng đục.
- Nếu là thịt trâu giả thịt bò sẽ có màu đen sậm, thớ thịt to, mỡ trắng.
Phân biệt bằng xúc giác
Khi mua thịt bò, nên dùng tay ấn nhẹ vào miếng thịt, thịt bò thật dẻo hơn, ít tính đàn hồi, cảm giác thịt dính theo tay. Nếu là thịt lợn giả thịt bò ấn vào sẽ thấy mềm bở, thịt không dính theo tay.
Ngoài ra, trong quá trình làm giả, người chế biến cần pha thêm phụ gia tạo màu để thịt lợn có màu sắc giống thịt bò nhất. Cẩn thận hơn cả, bạn nên dùng tay miết màu miếng thịt, nếu thấy có màu đỏ thôi ra tay thì chắc chắn miếng thịt đó là thịt giả.
Phân biệt bằng khứu giác
Thịt bò thật có mùi nồng rất đặc trưng, thịt làm giả dù qua công nghệ tinh vi cũng khó có được mùi hương như thịt bò thật.
Phân biệt bằng thành phẩm sau chế biến
Phương pháp này không giúp bạn tránh mua phải thịt giả lần đầu nhưng là cách giúp các bà nội trợ tránh mua hàng tại các quầy thịt giả những lần tiếp theo.
Thịt bò thật chứa dinh dưỡng cao, khi xào nấu hay chụng nước sôi vẫn giữ nguyên màu hồng sậm, vị ngọt đặc trưng. Thịt lợn nhuộm hóa chất giả làm thịt bò khi chế biến sẽ bị nhạt bớt, chuyển qua màu hồng lợt hoặc màu trắng. Màu sắc này có thể nhìn rõ nhất khi bạn chần thịt lâu.
Thịt lợn sề vốn mềm, sau khi chế biến thịt dễ bị bở, tơi hơn thịt bò.
Ngọc Anh(Tổng hợp)