Đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, ở các đơn vị sử dụng lao động (gọi chung là đơn vị) phá sản không đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội dẫn đến quyền lợi của người lao động không được giải quyết kịp thời.
Trước thực trạng hàng loạt doanh nghiệp phá sản còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa có hướng dẫn về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị này.
Cụ thể, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố thống nhất thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động đã đủ các điều kiện bao gồm cả điều kiện về thời gian đã thực đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội) tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản còn nợ tiền đóng.
Cụ thể, về chế độ thai sản đối với trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi, nếu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ ốm đau, thai sản, mà đủ 6 tháng trở lên theo quy định, bảo đảm căn cứ để xác định người lao động chưa hưởng chế độ này, thì cơ quan Bảo hiểm xã hội giải quyết trợ cấp thai sản.
Chế độ trợ cấp theo quy định tại thời điểm người lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi. Khi thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được đóng bổ sung và làm thay đổi mức trợ cấp, thì các bên liên quan sẽ điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách để chi trả bổ sung.
Đối với chế độ hưu trí, cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết hưởng lương hưu đối với người lao động đủ điều kiện về tuổi và thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội) theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu.
Về chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, đối với người hưởng theo quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014: Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội).
Khi thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được đóng đủ và người lao động có yêu cầu sẽ giải quyết hưởng bổ sung bảo hiểm xã hội một lần. Việc giải quyết hưởng bổ sung bảo hiểm xã hội một lần khi thời gian tham gia bảo hiểm xã hội được đóng đủ thực hiện theo hướng dẫn tại điểm đ khoản này.
Đối với người hưởng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 mà thời gian tham gia bảo hiểm xã hội nếu tính cả thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội vẫn chưa đủ 20 năm thì giải quyết như đối với trường hợp tại điểm a khoản này.
Đối với người hưởng theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội thì giải quyết như đối với trường hợp tại điểm a khoản này. Việc xác định người lao động sau một năm nghỉ việc để làm cơ sở xem xét điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo Nghị quyết số 93/2015/QH13, căn cứ vào thời điểm nghỉ việc cuối cùng trước khi người lao động đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
Về chế độ tử tuất, các cơ quan chức năng giải quyết trợ cấp mai táng đối với thân nhân khi người lao động có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên và bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 60 tháng trở lên theo quy định; đồng thời giải quyết hưởng trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân khi người lao động có từ đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trở lên (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội) theo quy định.
Không khuyến khích chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần
Trước những vướng mắc liên quan đến việc giải quyết chế độ của người lao động thuộc các doanh nghiệp phá sản, nợ đóng bảo hiểm xã hội tương tự tình trạng nêu trên, ông Phạm Minh Thành (Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai) cũng có nhiều chia sẻ.
Cụ thể, ông Phạm Minh Thành cho biết: “Theo thống kê, đến hết tháng 6/2021, toàn tỉnh Đồng Nai có 49 đơn vị giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn với tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên 28,8 tỷ đồng; khiến 2.769 người lao động bị ảnh hưởng.
Số lao động tại các doanh nghiệp phá sản nếu có yêu cầu giải quyết các chế độ đều được cơ quan Bảo hiểm xã hội tiếp nhận và giải quyết theo nguyên tắc “đóng đến đâu, hưởng đến đó”.
Để bảo đảm quyền lợi cho người lao động trong trường hợp này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành văn bản số 2802/BHXH-CSXH ngày 6/9/2021 hướng dẫn thống nhất thực hiện chế độ đối với người lao động đã đủ các điều kiện bao gồm cả điều kiện về thời gian thực đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (không bao gồm thời gian còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội) tại các đơn vị sử dụng lao động phá sản còn nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội”.
“Về chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thực hiện theo nguyên tắc giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Khi doanh nghiệp đóng đủ số tiền nợ bảo hiểm xã hội và người lao động có yêu cầu sẽ được giải quyết hưởng bổ sung bảo hiểm xã hội một lần.
Tuy nhiên, Bảo hiểm xã hội không khuyến khích người lao động nhận chế độ trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần vì để đảm bảo quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội lâu dài cho người lao động...
Riêng đối với các trường hợp vướng mắc khác về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động ở các doanh nghiệp phá sản, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiếp tục báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền để xử lý”, ông Phạm Minh Thành nhấn mạnh.
Thu Hà