Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Theo đó, các Bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chào bán, giao dịch và cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu theo quy định tại nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
Theo Bộ Tài chính, thời gian qua các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đã phát hành trái phiếu với khối lượng tương đối lớn. Để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng hàng loạt các giải pháp, gồm:
Tăng cường quản lý thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững, minh bạch. Trong đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về tỷ lệ an toàn tài chính của doanh nghiệp BĐS sau khi cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án BĐS.
Phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các doanh nghiệp BĐS về rủi ro tăng trưởng nóng, qua đó hạn chế tình trạng doanh nghiệp BĐS phát hành trái phiếu bằng mọi giá với lãi suất cao.
Bộ Xây dựng phải thường xuyên cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính về tình hình của thị trường BĐS và các rủi ro để phối hợp trong công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 30/9/2022, có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng, và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng TMCP Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng trong tháng 9/2022.
Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng. Nhóm doanh nghiệp bất động sản đứng thứ hai về khối lượng phát hành.
Trong quý IV/2022, BĐS là nhóm ngành có lượng trái phiếu đáo hạn lớn nhất với tổng giá trị đạt hơn 20.000 tỷ đồng.
Bạch Hiền (t/h)