+Aa-
    Zalo

    Đổ xô hôi của khi xe tải bị lật, hốt hoảng vì "thứ quý báu" nhặt về toàn là độc Xyanua

    (ĐS&PL) - Chiếc xe tải bị lật trên đường cao tốc Nairobi-Nakuru, Kenya và hàng hóa chở phía sau đã bị người dân địa phương lấy đi ngay sau đó.

    Theo thông tin từ VTC News, một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra gần đây tại Nairobi, Kenya khiến một xe tải bị lật, hàng hóa trên xe bị người dân địa phương cướp sạch. Chính quyền đã phải đưa ra cảnh báo khẩn cấp, yêu cầu người dân trả lại những món hàng này vì chúng là Cyanide natri (Natri xyanua), một chất hóa học cực độc. Cơ quan chức năng lo ngại người dân có thể bị ngộ độc do không hiểu biết về hóa chất này.

    Theo truyền thông địa phương, chiếc xe tải bị lật trên đường cao tốc Nairobi-Nakuru, và hàng hóa chở phía sau đã bị người dân địa phương lấy đi ngay sau đó. Khi biết hàng hóa bị lấy cắp là natri xyanua, chính phủ Kenya lập tức đưa ra cảnh báo về khả năng rò rỉ chất này tại hiện trường vụ tai nạn. Họ không chỉ kêu gọi người dân tránh xa khu vực đó mà còn yêu cầu bất kỳ ai phát hiện hàng hóa này báo ngay cho đồn cảnh sát gần nhất.

    Bộ Y tế Kenya nhấn mạnh rằng chỉ những nhân viên được đào tạo bài bản và có trang bị bảo hộ thích hợp mới được phép xử lý Natri xyanua. Việc tiếp xúc với hóa chất này có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm tổn thương phổi, tim và thần kinh.

    Hàng hóa trong xe tải là những thùng hóa chất cực độc. Ảnh: Chinatimes.

    Hàng hóa trong xe tải là những thùng hóa chất cực độc. Ảnh: Chinatimes.

    Hơn nữa, Natri xyanua còn gây ra mối đe dọa lâu dài cho môi trường. Chất độc này có thể ngấm vào đất và nước ngầm, ảnh hưởng đến hệ sinh thái và chuỗi thức ăn. Nguy cơ tích tụ trong cơ thể động vật và con người cũng tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng.

    Theo báo Dân trí, Xyanua (hay Cyanide) là một hợp chất hóa học có chứa nhóm xyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử cacbon liên kết ba với một nguyên tử nitơ. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Xyanua có thể là khí không màu (như hydro xyanua - HCN, xyanua clorua - CNCl), hoặc ở dạng tinh thể (như natri xyanua - NaCN, kali xyanua - KCN).

    Đây là hóa chất cực độc, được liệt vào danh sách "độc nhất trong các chất độc". Chỉ cần khoảng 50-200mg Xyanua xâm nhập qua đường miệng, hoặc hít khoảng 0,2% dạng khí cũng đủ gây tử vong một người khỏe mạnh.

    Xyanua được hấp thu nhanh, ức chế rất mạnh với hô hấp tế bào. Nhiễm độc Xyanua khiến cơ thể không trao đổi oxy được, gây "nghẹt thở trên cạn". Bệnh nhân tử vong thường do suy hô hấp, co giật.

    Thông thường sau khi bị ngộ độc Xyanua, nạn nhân sẽ trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là kích động, khi nạn nhân có dấu hiệu lo lắng, kích động, thở nhanh và lú lẫn. Sau đó, người bị ngộ độc bắt đầu co giật, khó thở, tụt huyết áp và bị giảm thông khí. Cuối cùng là trạng thái giảm trương lực cơ và mất phản xạ, hạ oxy trong máu, trụy tim mạch và tử vong.

    Ngoài tử vong, có những trường hợp bị biến chứng nặng, gây tổn thương não vĩnh viễn, không hồi phục, sống thực vật, liệt hoàn toàn.

    Chất hoá học này có mùi đặc trưng giống hạt hạnh nhân, vị hơi đắng, người không quen khó có thể nhận biết. Đặc biệt, xyanua cho vào đồ uống càng khó nhận biết hơn.

    Trong tự nhiên, người ta tính toán hơn 2.000 loài thực vật chứa xyanua như măng, sắn và hạt của các loại quả táo, mơ, lê, mận, anh đào, đào. Xyanua liên kết với các phân tử đường dưới dạng glycoside cyanogen. Các glycoside cyanogen không độc hại, nhưng khi vào đường ruột, chúng được chuyển hóa thành hydro xyanua. Người chế biến cần loại bỏ xyanua trong thực phẩm bằng cách gọt vỏ, ngâm nước, luộc mở vung để hóa chất này bay hơi.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/o-xo-hoi-cua-khi-xe-tai-bi-lat-hot-hoang-vi-thu-quy-bau-nhat-ve-toan-la-oc-xyanua-a448651.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan