(ĐSPL) - Phiêu lưu tình ái và cái chết bất minh đã làm nên huyền thoại về Mata Hari, một “hồng nhan, bạc mệnh” trong lịch sử tình báo thế giới.
|
Mata Hari: "Hồng nhan bạc mệnh" |
Mata Hari là nghệ danh của Margaretha Geertruida (1876 – 1917) - một vũ nữ người Hà Lan làm điệp viên cho cả Pháp lẫn Đức trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918).
Vẻ đẹp trời cho
Margaretha sinh ngày 7/8/1876 trong một gia đình buôn bán phát đạt ở thị trấn Leyvarden, miền bắc Hà Lan. Margaretha có nước da bánh mật, cặp môi dày gợi cảm và đôi mắt to đen láy trông giống như một thiếu nữ phương đông.
Năm 19 tuổi, Margaretha quen biết và kết hôn với Rudolf John MacLeod, một sĩ quan quân đội thuộc địa Hà Lan.. Hai người chuyển đến đến đảo Java thuộc Công ty Đông Ấn Hà Lan và có hai con là Norman-John và Jeanne-Louise. Nhưng cuộc hôn nhân này đã tan vỡ vì Rudolf John MacLeod nghiện rượu, công khai ngoại tình. Sau khi trở lại Hà Lan, vợ chồng Margaretha ly thân vào năm 1902 và ly dị vào năm 1906.
Chuyển đến Paris năm 1903, Margaretha Geertruida lấy nghệ danh Mata Hari và làm diễn viên biểu diễn cưỡi ngựa cho một rạp xiếc, sau đó chuyển sang diễn viên tạp kỹ. Nhờ vẻ đẹp phương đông huyền bí lại biết trình diễn những điệu múa hoang dã ở Java và Sumatra, Mata Hari đã được ông chủ rạp xiếc bố trí đi diễn ở những nơi sang trọng.
|
Những vũ điệu phương đông kết hợp với thoát y vũ của Mata Hari đã làm rung động cả Châu Âu. |
Trước Chiến tranh thế giới thứ I, những vũ điệu phương đông kết hợp với thoát y vũ của Mata Hari đã làm rung động cả Châu Âu khiến cô phất lên nhanh chóng. Đã có lúc, Mata Hari sở hữu liền một lúc mấy ngôi biệt thự… Nhưng rồi sau đó, mọi thứ lại "đội nón ra đi" và Mata Hari lại "nợ nần chồng chất".
Chính trong thời gian này, quan hệ rộng, nhan sắc trời cho và thông minh hiếm có…đã khiến Mata Hari « lọt vào mắt xanh » của các cơ quan tình báo.
Bước vào cuộc đời gián điệp
Cuộc đời sự nghiệp của một vũ nữ chuyên nghiệp thường rất ngắn, nhất là khi Mata Hari bắt đầu sự nghiệp khi cô đã gần 30 tuổi. Sau nhiều năm khuynh đảo “kinh đô ánh sáng” Paris, Mata Hari bắt đầu trượt dốc ở phía bên kia của đỉnh cao sự nghiệp.
Ngày 23/5/1914, tại một buổi biểu diễn ở Đức, Mata Hari đã khiến một sĩ quan cảnh sát tên là Griebel chết mê chết mệt. Tuy nhiên, Griebel chỉ là cầu nối giữa cô và Traugott von Jagow là cấp trên của Griebel. Vị thượng cấp này đã trở thành bạn trai của Mata Hari. Chính Traugott von Jagow đã đưa Mata Hari vào làm gián điệp cho Berlin và gửi cô theo học những kỹ năng gián điệp ở một trường của Đức ở Antwerp. Tại trường, Mata được cấp trên đặt cho mã số H.21 và mất 15 tuần ròng rã học các kỹ năng dành cho các điệp viên: từ mật mã, chụp ảnh đến “các kỹ năng mềm”…Nhờ thông minh thiên phú, Mata Hari đã hoàn thành xuất sắc tất cả những môn học.
Nhiệm vụ của H.21 là thu thập tin tức hoạt động quân sự của Pháp. Tuy nhiên chính Elsa Shragmuyller người phụ trách trực tiếp H.21 cho rằng toàn bộ những tin tức mà Mata Hari cung cấp không bao giờ được sử dụng vì chúng không có ý nghĩa gì về mặt kinh tế, chính trị và quân sự.
Khi chiến tranh Đức-Pháp nổ ra, Mata Hari tìm cách ra khỏi nước Đức. Sau nhiều lần thay đổi nơi ở, cuối cùng Mata Hari đã trở về Paris.
Trở lại Paris, Mata Hari bị phía Pháp nghi ngờ là gián điệp của Đức và “nhất cử, nhất động” của cô đều bị theo dõi.
Làm điệp viên hai mang vì tiền
Do tiêu xài hoang phí, Mata Hari luôn luôn thiếu tiền vì thế cô đã có một quyết định tai họa: xin làm tình báo cho Pháp mà không hề cho họ biết cô từng làm gián điệp cho Đức.
Tháng 8/1916, Mata Hari gặp đại úy Ladou, sĩ quan của Cục Phản gián Pháp và nhận lời hợp tác với cơ quan tình báo Pháp với nhiệm vụ là đến Brussels đang bị quân Đức chiếm đóng để thu thập tin tức.
Trên đường đến Vương quốc Bỉ, Mata Hari bị cảnh sát Anh bắt. Sau khi thẩm tra họ thả Mata Hari đồng thời báo cho Pháp biết cô là điệp viên của Đức. Ladou yêu cầu Mata Hari trở về Paris song cô lại đến Madrid. Ở Madrid, Mata Hari làm quen với hai tùy viên quân sự của Pháp và Đức đang hoạt động tại đây. Những thông tin mà Mata Hari khai thác được từ tùy viên quân sự Đức được thông báo cho tùy viên quân sự Pháp và ngược lại.
Để cho Mata Hari đi Tây Ban Nha, Ladou đã gần như chắc chắn có được mật mã mà tùy viên quân sự Đức dùng để liên lạc với Bộ Tổng tham mưu ở Berlin. Quả thật, ít hôm sau Ladou nhận được mật điện: “Điệp viên H.21 đã tới Madrid và bắt đầu làm việc cho Pháp. Xin chỉ thị và …kinh phí hoạt động”.
Đối với cuộc đời của Mata Hari, bức điện này đã trở thành mầm mống của tai họa - cơ quan phản gián của Pháp đã nhận được lời khẳng định rằng chính Mata Hari là điệp viên của Đức mang bí danh H.21.
Tuy nhiên, Mata Hari đã góp công lớn cho phản gián Pháp. Thông qua người tình là điệp viên Đức Hans von Kalle, cô biết rằng quân Đức đã biết về việc người Anh đổ quân bằng tàu ngầm lên cảng Marroco và Bộ chỉ huy Đức đang chuẩn bị đập tan số quân đó. Cô lập tức đem tin đó cho điệp viên Pháp ở Madrid, đại tá Danvil. Danvil đã mật báo về Paris.
|
Do tiêu xài hoang phí, Mata Hari luôn luôn thiếu tiền |
Vào dịp lễ Giáng Sinh năm 1916, từ Tây Ban Nha, Mata Hari quay về Paris trong bộ cánh sang trọng. Các bên đều mong chờ chuyến đi này của cô: Người Đức chờ những thông tin quan trọng của Pháp mà cô hứa hẹn sẽ gửi về, còn phản gián Pháp thì chờ Mata Hari “tự chui đầu vào rọ”. Bản thân Mata Hari thì hy vọng sẽ nhận được một khoản tiền mà người Pháp đã hứa trả cho những “thông tin quan trọng” mà cô đã cung cấp.
“Hình nhân thế mạng" cho quân đội Pháp
Đúng một tháng sau khi trở về, ngày 13/2/1917, Mata Hari bị cảnh sát Pháp bắt và bị buộc tội làm gián điệp cho Đức. Ngày 24/7/1917, vụ án được đưa ra xét xử và Mata Hari bị buộc tội để lộ thông tin khiến cho 17 tàu chiến của liên quân bị đánh chìm và gần một sư đoàn bị tiêu diệt. Dường như lời buộc tội đó là nhằm mục đích xoa dịu cơn phẫn nộ của dư luận vì thất bại của Chiến dịch “Nivel”. Trong chiến dịch này, quân đồng minh đã mất hơn 220.000 binh lính và sĩ quan.
Thất bại này không hẳn do sự phản bội của Mata Hari bởi vì cô đã bị bắt hai tháng trước khi diễn ra Chiến dịch “Nivel” và vì thế đã mất liên lạc với Bộ chỉ huy Đức. Rõ ràng, Mata Hari đã bị biến thành “hình nhân thế mạng” cho quân đội Pháp.
Ngoài tội tiết lộ bí mật, Mata Hari còn bị cáo buộc tội nhận tiền của Đức. Tòa án Pháp đã không chấp nhận lời bào chữa của Mata Hari và cô bị tuyên án tử hình.
Sáng sớm ngày 15/10/1917, Mata Hari bị đưa đến pháp trưởng. Cai đội Bounchardon thông báo rằng đơn xin giảm án của cô đã bị tổng thống từ chối và Mata Hari đã bị bắn trong khu rừng cạnh bãi tập Vensen. Mata Hari đối mặt với cái chết rất can đảm: ngẩng cao đầu và từ chối bịt mắt.
|
Nữ minh tinh màn bạc Greta Garbo trong vai Mata Hari |
Nhiều năm sau cái chết của Mata Hari, huyền thoại về cô vũ nữ xinh đẹp trở thành điệp viên được lan truyền khắp thế giới. Bên cạnh những cuốn sách viết về Mata Hari, số phận bi thảm của vũ nữ này còn đi vào lĩnh vực điện ảnh. Nhiều nghệ sĩ và nhà làm phim đã khắc họa cuộc đời điệp viên hai mang này như Greta Garbo, Marlene Dietrich, Sylvia Kristel và Jeanne Moreau.
Dù không chính thức, nhưng chính giới và văn đàn đã coi Mata Hari là “nữ điệp viên vĩ đại”. Thế nhưng, Mata Hari vẫn chỉ là một ngôi sao giải trí và người đời biết đến cô là một vũ công thoát y nhiều hơn là một “nữ điệp viên vĩ đại”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diep-vien-hai-mang-mata-hari-hong-nhan-bac-menh-a40486.html