Hầu hết những dự báo của tình báo Mỹ trong hơn 2 năm qua về nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều... trật lất!
Khi ông Kim Jong-un mới thừa kế quyền lực vào cuối năm 2011, chính quyền Washington chắc mẩm nhà lãnh đạo trẻ sẽ bám dính lấy người chú dày dạn kinh nghiệm Jang Song-thaek. Kết quả: ông Jang cùng nhiều thuộc cấp đã bị xử tử cuối năm 2013.
|
Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un khiến cho tình báo Mỹ "đau đầu, nhức óc". |
Giới quan sát quốc tế đánh cược với thời gian học tập tại Thụy Sĩ, ông Kim sẽ coi trọng phát triển kinh tế thay vì o bế chương trình hạt nhân và tên lửa như người ông Kim Nhật Thành và người cha Kim Jong-il. Kết quả: Triều Tiên đang dọa thử hạt nhân lần thứ tư và đã một lần phóng tên lửa thành công sau nhiều năm thất bại.
Mỹ giờ đây phải thừa nhận tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên thực sự bắn đến được bờ biển nước này. Các bệ phóng tên lửa di động được di chuyển thường xuyên khiến vệ tinh Mỹ càng khó theo dấu.
“Chúng ta đã thất bại. Hơn 2 thập kỷ, chính sách của chúng ta là ngăn Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân. Bây giờ, rõ ràng là họ sẽ không ngừng lại, bất chấp cả trừng phạt lẫn thiện chí giúp đỡ”, cựu quan chức ngoại giao Mỹ Evans J. R. Revere thừa nhận.
Trong kịch bản chiến tranh mới nhất trên bán đảo Triều Tiên, giới chức Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng có thể tấn công bằng vũ khí hạt nhân thô, chuyên chở bằng xe tải hoặc thuyền. Theo tình báo Mỹ, Triều Tiên vẫn chưa đủ khả năng chế tạo đầu đạn hạt nhân đặt được trên tên lửa Nodong.
Kể từ khi Bình Nhưỡng pháo kích đảo tiền tiêu và bị cáo buộc đánh chìm tàu chiến Cheonan của Hàn Quốc 4 năm trước, các vụ đụng độ lẻ tẻ có khuynh hướng dễ xảy ra. Giới quân sự Hàn Quốc thường chê láng giềng nghèo đến mức phi công không có xăng để luyện tập lái máy bay. Nhưng theo nhận định của giới phân tích, ông Kim Jong-un đang tập trung vào những loại vũ khí rẻ tiền rất khó phát hiện. Điển hình là vụ máy bay không người lái thô sơ nghi của Triều Tiên bay vào Hàn Quốc dễ như không.
Cùng là kiềm chế phát triển vũ khí hạt nhân nhưng lâu nay, Washington trên thực tế tập trung vào Iran nhiều hơn Triều Tiên. Tuy nhiên, theo ông Robert Einhorn - người điều hành các chương trình trừng phạt nhằm vào cả 2 quốc gia tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho đến năm 2013 - thừa nhận: “Có thể siết chặt Iran và ngành công nghiệp dầu khí của họ nhưng ép Triều Tiên khó hơn nhiều”. Nguyên nhân vì sau lưng Bình Nhưỡng có sự hỗ trợ tài chính của Bắc Kinh.
Trong mấy tháng qua, Trung Quốc đang nỗ lực nối lại đàm phán 6 bên về giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Các quan chức Mỹ cũng lặng lẽ gặp gỡ phía Bình Nhưỡng. Nhưng hiệu quả không bao nhiêu! Chính quyền của ông Kim Jong-un nhiều lần nhấn mạnh thứ duy nhất mà họ không từ bỏ là kho vũ khí hạt nhân, đặc biệt sau khi chứng kiến cố Tổng thống Muammar Gaddafi bị lật đổ vì đã dừng chương trình hạt nhân của Libya vào năm 2003.
Ông Chun Yung-woo, cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, nói rõ: “Tôi tin rằng Triều Tiên thà sụp đổ cùng vũ khí hạt nhân còn hơn sống sót mà không có nó”.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tinh-bao-my-chao-thuakim-jong-un-a30864.html