(ĐSPL) - Quân đội của Ukraine hiện chỉ còn là một chút tàn dư mờ nhạt của một nước từng sở hữu vũ khí hạt nhân nhiều thứ 3 trên thế giới.
Quân đội của Ukraine có thể được đặt trong tình trạng báo động cao, nhưng sức mạnh chiến đấu của nó lại rất đáng ngờ. Chính phủ mới ở Kiev có khoảng 130.000 lính chiến, giảm mạnh so với con số gần bằng 800.000 binh sĩ của Nga trong năm 1991.
Một đội quân "thiếu tiền mãn tính"
Không chỉ ít về quân số mà quân đội Ukraine còn là một đội quân nhà nghèo. Đây là một quân đội mắc căn bệnh "thiếu tiền mãn tính", tham nhũng, huấn luyện kém và trang bị tồi. Chế độ nghĩa vụ quân sự bị bãi bỏ trong năm 2013 đã khiến cho quân đội Ukraine bao gồm toàn quân nhân chuyên nghiệp. Trong nhiều năm qua, quân đội Ukraine khốn đốn vì thiếu ngân sách và buộc phải giảm quân số và bãi bỏ chế độ nghĩa vụ quân sự.
|
Quân đội Ukraine: Một đội quân "thiếu tiền mãn tính" |
Trong năm 2013, ngân sách quốc phòng của Ukraine chỉ vào khoảng 1,3 tỷ Euro (1,79 tỷ USD). Theo chuyên gia Valentin Badrak tại Trung tâm nghiên cứu quân đội, chuyển đổi và giải trừ quân bị có trụ sở tại Kiev, quân đội Ukraine cần ít nhất gấp 2-3 lần số tiền đó. Ngược lại, ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2013 là 52 tỷ Euro, gấp 50 lần ngân sách dành cho quân đội Ukraine.
Tình trạng yếu kém của quân đội Ukraine đã bộc lộ qua một loạt các vụ "tai nạn quân sự" trong hơn 15 năm qua . Năm 2000, một tên lửa được phóng trong một cuộc tập trận đã đâm trúng một tòa nhà gần thủ đô Kiev. Năm 2001, một tên lửa đặt trên đất liền đã "bắn trúng" một máy bay chở khách của Nga trên Biển Đen, giết chết tất cả những người trên máy bay, thay vì tấn công một mục tiêu giả. Năm 2002, tại một buổi trình diễn hàng không, một máy bay chiến đấu của Ukraine đã chúi đầu lao xuống... đám đông khán giả.
Theo chuyên gia quân sự Valentin Badrak, hầu hết vũ khí của Ukraine được sản xuất từ thời Liên Xô, lạc hậu "cả một thế hệ" so với các nước phát triển. Tình trạng thiếu phụ tùng thay thế đồng nghĩa với việc chỉ một số ít các máy bay chiến đấu từ thời Liên Xô có khả năng thực hiện nhiệm vụ đào tạo Hầu hết các phi công chỉ có lý thuyết suông và các máy bay còn hoạt động cũng chỉ được cấp một nửa số nhiên liệu so với thiết kế.
|
Máy bay chiến đấu "đắp chiếu" vì thiếu nhiên liệu |
Hải quân Ukraine cũng chẳng hơn gì. Nga sở hữu hầu hết các tàu chiến của Hạm đội Biển Đen của Liên Xô, khi hạm đội này được chia vào năm 1997. Hiện thời, Hải quân Ukraine chỉ còn một vài tàu hoạt động tốt và một tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel duy nhất.
Giống như các chính phủ tiền nhiệm, chính phủ của Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovich cũng không nghĩ gì đến quân đội.
Từ bỏ vũ khí hạt nhân
Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991 và một chục nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ tuyên bố độc lập, kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô đã được phân chia. Chỉ trong vòng có 1 đêm, Ukraine bỗng chốc trở thành một cường quốc hạt nhân mạnh thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga, mặc dù quyền tiêu hủy các loại vũ khí hạt nhân vẫn nằm trong tay Moscow.
Tuy nhiên, do không có tiền để duy trì vũ khi hạt nhân, Ukraine đã từ bỏ loại vũ khí giết người hàng loạt này, dưới áp lực của Nga và phương Tây. Loại tên lửa SS-18 (còn gọi là Satan) vốn là "khắc tinh" của phương Tây trong Chiến tranh Lạnh đã bị phá hủy hàng loạt. Các máy bay ném bom chiến lược siêu âm như Tupolev-160 hoặc bị loại bỏ hoặc bàn giao cho Nga.
Đổi lại, Ukraine đã nhận được viện trợ kinh tế và đảm bảo an ninh từ bốn cường quốc hạt nhân, trong đó có Liên bang Nga. Chính phủ lâm thời hiện nay ở KIev đã cáo buộc Moscow "bội ước", khi bao vây bán đảo Crimea.
Dựa vào các cựu chiến binh ở Afghanistan
Không giống như Nga, Các lực lượng vũ trang Ukraine hầu như không có kinh nghiệm chiến đấu. Các đơn vị quân đội Ukraine chỉ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình trong khu vực Balkan hoặc ở Châu Phi. Cũng có những cuộc tập trận chung với NATO hàng năm, nhưng Ukraine thường giữ vai trò "hậu vệ".
|
Xe tăng biến thành đống sắt vụn tại một nhà máy sửa chữa ở Kharkov |
Trong khi đó, quân đội Nga đã trải qua 2 cuộc chiến tranh ở Chechnya và 1 cuộc chiến "chớp nhoáng" ở Grudia, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.
Trong bối cảnh đó, chính phủ Ukraine hiện rất trông chờ vào các quân nhân dự bị, đặc biệt là các cựu chiến binh từng tham chiến ở Afghanistan, một cuộc chiến đã kết thúc vào năm 1989, cách đây tròn 1/4 thế kỷ.
Minh Đức (theo Deutsche Welle)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quan-doi-ukraine-manh-den-muc-nao-a24243.html