+Aa-
    Zalo

    Điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2023

    (ĐS&PL) - Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.

    Về dự kiến phương hướng công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo, báo Đại Biểu Nhân Dân dẫn lời Bộ trưởng bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho hay, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.

    Bên cạnh đó, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật để hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo, cũng như các thí sinh trong quá trình xét tuyển.

    Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo và thực hiện nâng cấp và bổ sung thêm chức năng cần thiết khác của phần mềm, nâng cấp đường truyền Hệ thống, tăng cường các giải pháp để kiểm tra các thông tin thí sinh nhập lên hệ thống nhằm giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn có tính logic.

    Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ (không sử dụng) các phương thức không phù hợp, không hiệu quả, không đủ cơ sở khoa học, có thể gây nhiễu Hệ thống và gây khó khăn, vướng mắc cho thí sinh.

    Rà soát, cân nhắc để hoàn thiện quy trình tuyển sinh, trong đó có thể xem xét khuyến cáo các cơ sở đào tạo không thực hiện việc xét tuyển sớm như năm 2022, thay vào đó, tất cả các phương thức xét tuyển được tổ chức cùng thời điểm với đợt xét tuyển căn cứ kết quả thi tốt nghiệp THPT – tuyển sinh đợt 1.

    diem moi trong tuyen sinh dai hoc nam 2023
    Năm 2023 sẽ có nhiều điểm mới trong tuyển sinh đại học. Ảnh minh họa: Tiền Phong

    Liên quan đến chính sách ưu tiên đối tượng, khu vực trong tuyển sinh năm 2023, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ giảm tuyến tính từ mức điểm gây mất công bằng đối với tổng ba môn thi THPT để xét tuyển vào đại học, cao đẳng theo quy định tại Khoản 4 Điều 8 Quy chế quy định.

    Cụ thể, từ năm 2023, bộ GD&ĐT sẽ áp dụng quy định mức điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 điểm trở lên (trên tổng điểm 30 tối đa của mỗi tổ hợp 3 môn, tương đương 7,5 điểm trên thang điểm 10), sau đó sẽ giảm tuyến tính (tới 30 điểm thì mức điểm ưu tiên bằng 0).

    Việc này được kỳ vọng sẽ đem lại cơ hội và sự công bằng cho những thí sinh có năng lực nhưng vì không có điểm ưu tiên nên gần như khó đỗ vào các ngành hot của trường top trên, theo báo Đầu tư.

    Chuyên gia chỉ ra, với các trường top giữa, mức 0,25-0,75 điểm cộng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả nhưng với trường top trên, chỉ 0,01 điểm cũng có thể quyết định đậu hay trượt. Do đó, dù đã được điều chỉnh trong những năm qua, việc cộng điểm ưu tiên vẫn cần tiếp tục điều chỉnh vì quyền lợi, công bằng của thí sinh.

    Theo thống kê của bộ GD&ĐT, số thí sinh thuộc diện hưởng các ưu tiên khác nhau là rất lớn, chiếm tới 75% tổng số thí sinh tốt nghiệp THPT hàng năm. 

    Mục đích của việc áp dụng chính sách ưu tiên là giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế.

    Tuy áp dụng chính sách xã hội là việc cần thiết nhưng cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế.

    Đinh Kim (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-moi-trong-tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2023-a553548.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan