+Aa-
    Zalo

    Điểm lại những sự kiện nổi bật của ngành Giao thông năm 2016

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Chủ trương mua 164 tàu cũ từ Trung Quốc; Giảm phí BOT; Sập cầu Ghềnh; … là những sự kiện nổi bật của ngành giao thông năm 2016.

    (ĐSPL) - Chủ trương mua 164 tàu cũ từ Trung Quốc; Giảm phí BOT; Sập cầu Ghềnh; … là những sự kiện nổi bật của ngành Giao thông năm 2016.

    Chủ trương mua 164 tàu cũ từ Trung Quốc

    Từ năm 2014, Tổng Công ty ĐSVN đã xúc tiến chủ trương mua 164 toa tàu cũ của Cục Đường sắt Côn Minh - Trung Quốc khi chưa có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải.

    Thông tin từ Bộ GTVT cho hay, Thủ tướng đã có quyết định phê duyệt Kế hoạch phát triển Tổng công ty ĐSVN giai đoạn 2012-2015, Tổng công ty này đã tập trung nguồn lực để triển khai các dự án đóng mới, nâng cấp các toa xe đạt được kết quả, đã đưa vào khai thác phục vụ nhu cầu của hành khách.


    Tổng công ty ĐSVN đang phải thuê các toa hàng của đối tác để vận tải hàng hóa xuất, nhập khẩu qua biên giới nên có nhu cầu đầu tư thêm các toa hàng hóa. Doanh nghiệp đã khảo sát, nghiên cứu việc mua toa xe để phục vụ cho nhu cầu trên.

    Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết, trong quyết định của Thủ tướng, mục dự án đầu tư toa xe chỉ được đầu tư đóng mới, không có danh mục đầu tư toa xe đã qua sử dụng.

    Bộ Giao thông Vận tải đã ra quyết định cách chức và điều chuyển Tổng giám đốc Công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội vì đề xuất này, đồng thời yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty ĐSVN nghiêm túc tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của Hội đồng thành viên, Ban Lãnh đạo Tổng công ty và các cán bộ có liên quan.

    Giảm phí BOT

    Đầu tháng 8/2016, Chính phủ đã đồng ý giảm phí đường bộ đối với 4 nhóm xe. Trong đó, giảm 10-15% mức thu đối với các loại xe nhóm 4 (xe có trọng tải từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet) và nhóm 5 (xe tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng container 40 feet) tại 29 trạm đang thu theo mức khung tối đa tại Thông tư 159.

    Đồng thời, giảm 10-20% mức phí đối với các loại xe thuộc nhóm 1 (xe dưới 12 ghế ngồi, xe có tải trọng dưới 2 tấn, các loại xe buýt), và nhóm 2 (xe 12-30 ghế ngồi, xe tải từ 2 tấn đến dưới 4 tấn) tại 5 trạm có mức thu phí cao nhất để bảo đảm tương đồng với các trạm thu phí khác.


    Sau đó, Bộ GTVT đề nghị Bộ Tài chính ban hành thông tư giảm phí, chậm nhất có hiệu lực từ ngày 1 đến 15/9.

    Việc giảm phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vận tải khi các trạm thu phí BOT mọc lên dày đặc. Không những trạm thu dày đặc mà mức phí còn tăng liên tục, có những trạm tăng mức kịch trần và người dân, doanh nghiệp đi đường nào cũng phải đóng phí. Phí đường bộ tăng cao đã khiến chi phí vận tải của doanh nghiệp tăng kéo giá cả hàng hóa tăng theo.

    Sập cầu Ghềnh

    Khoảng 11h30 ngày 20/3, sà lan chở 800 tấn cát do hai tài công người miền Tây chưa có bằng lái điều khiển khi qua vùng nước xoáy đã đâm sập cầu Ghềnh. Tai nạn khiến 2 nhịp cầu đổ xuống sông, nhiều người thoát nạn bỏ xe bò lên bờ.

    Sự cố khiến tuyến đường sắt Bắc - Nam bị đứt mạch, tàu đến ga Biên Hòa sau đó khách được trung chuyển về Sài Gòn. Tuyến giao thông thủy qua khu vực cũng bị phong tỏa.


    Ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ có văn bản đồng ý giao Bộ Giao thông Vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện việc khôi phục cầu Ghềnh theo lệnh khẩn cấp, dự kiến hoàn thành ngày 15/7. Sau 3 tháng ngày đêm triển khai các hạng mục, cầu Ghềnh đã được hoàn thành trước dự tính và được khánh thành trở lại vào ngày 2/7.

    Sự cố sập cầu Ghềnh khiến sản lượng và doanh thu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam bị thiệt hại lên tới 535 tỷ đồng, khiến tuyến đường sắt Bắc-Nam bị tê liệt hoàn toàn đồng thời dẫn đến mục tiêu tăng trưởng 8% sản lượng và doanh thu của ngành đường sắt đưa ra không thể thực hiện được.

    Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam

    Bộ Giao thông Vận tải đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông đoạn Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 cần khoảng 229.829 tỷ đồng.

    Theo báo cáo của Bộ GTVT, trục Bắc-Nam kết nối trung tâm chính trị là thủ đô Hà Nội và trung tâm kinh tế TP.HCM đi qua địa phận 20 tỉnh/thành phố, tác động đến 45% dân số, đóng góp 57% tổng sản phẩm trong nước, ảnh hưởng đến 65% các cảng biển loại 1-2 (26 cảng biển) và 67% các khu kinh tế của cả nước...


    Tuyến cao tốc Bắc-Nam nhánh phía Đông có quy mô tối thiểu 4 làn xe, hiện cần tiếp tục đầu tư hoàn thành 1.372 km. Bộ GTVT dự kiến chia dự án này thành các gói nhỏ để phù hợp với quy mô, kinh phí đầu tư, nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn vốn, phương án tài chính và hiệu quả đầu tư.

    Cụ thể, Bộ dự kiến phân chia phương án kiến nghị thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án thành phần có thể đảm bảo các đoạn tuyến có thể khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí hợp lý (nhỏ hơn 25 năm).

    Hiện, đề xuất của Bộ GTVT đang chờ Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, phê duyệt.

    Đổi giấy phép lái xe

    Đầu tháng 12 năm nay, người dân cả nước chen chúc nhau đến Sở GTVT các tỉnh, thành phố để xin đổi Giấy phép lái xe (GPLX). Nguyên nhân là trong Điều 57, Thông tư 58 của Bộ GTVT quy định GPLX bằng giấy bìa phải được chuyển đổi sang GPLX mới bằng vật liệu PET theo lộ trình: GPLX ô tô và GPLX hạng A4 trước ngày 31/12/2016; GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) phải trước ngày 31/12/2020. Sau 6 tháng theo lộ trình chuyển đổi này mà người có GPLX bằng giấy bìa không chuyển đổi sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để được cấp lại GPLX.


    Do có quá nhiều bất cập, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), đã có văn bản “tuýt còi” và đề nghị Bộ GTVT tổ chức xem xét, xử lý bãi bỏ ngay nội dung quy định trái pháp luật tại điều 57 và rà soát quá trình thực hiện quy định này để có biện pháp khắc phục hậu quả do việc thực hiện các quy định trái pháp luật gây ra.

    Sau đó, Bộ GTVT đã phải tiếp thu và sửa đổi Thông tư 58 theo hướng bãi bỏ chế tài quy định buộc sát hạch lại lý thuyết đối với những người không đi đổi GPLX sang thẻ PET theo lộ trình.

    Tai nạn giao thông tiếp tục giảm

    Trong năm vừa qua, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

    Với sự chỉ đạo quyết liệt, liên tục và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, 11 tháng của năm 2016, cả nước có 7.907 người tử vong vì tai nạn giao thông và đây là năm thứ 4 liên tiếp, số người tử vong vì tai nạn giao thông giảm dưới 9.000 người và mức giảm này là thấp nhất trong vòng hơn 10 năm trở lại đây.

    Tổng hợp

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-lai-nhung-su-kien-noi-bat-cua-nganh-giao-thong-nam-2016-a175469.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan