Điểm chuẩn ngành Ngôn ngữ Anh năm 2022 và 2023
Hiện tại, cả nước có 80 trường đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh. Bên cạnh các trường chuyên đào tạo ngoại ngữ, nhiều trường đại học khác như Kinh tế, Ngoại thương, Mở cũng tuyển sinh ngành này với tổ hợp xét tuyển chủ yếu là D00 (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh).
Theo VTC News, dưới đây là thông tin về điểm chuẩn của 20 trường đại học top đầu đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh trong năm 2022 và năm 2023. Thí sinh muốn theo học ngành này có thể tham khảo để nộp nguyện vọng xét tuyển phù hợp với nhu cầu và sức học của mình.
STT | Tên trường | Điểm chuẩn năm 2022 | Điểm chuẩn năm 2023 |
1 | Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) | 35,57 điểm | 35,55 điểm |
2 | Trường Đại học Hà Nội | 35,55 điểm | 35,38 điểm |
3 | Học viện Ngoại giao | 35,07 điểm | 35,99 điểm |
4 | Trường Đại học Ngoại thương | 36,4 điểm | 27,5 điểm |
5 | Trường Đại học Thương mại | 26,05 điểm | 25,8 điểm |
6 | Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội | 27,09 điểm | 24,3 điểm |
7 | Học viện Ngân hàng | 26 điểm | 24,9 điểm |
8 | Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế) | 16,5 điểm | 19,5 điểm |
9 | Trường Đại học Văn Hóa Hà Nội | 33,18 điểm | 32,93 điểm |
10 | Đại học Vinh | 23,75 điểm | |
11 | Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) | 22,74 điểm | 23,22 điểm |
12 | Trường Đại học Nha Trang | 21 điểm | 23 điểm |
13 | Trường Đại Học Ngoại Ngữ - Tin Học TP.HCM | 26 điểm | 21,5 điểm |
14 | Trường Đại học Sư phạm TP.HCM | 22,75 điểm | 25,03 điểm |
15 | Trường Đại học Kinh tế - Tài chính | 17 điểm | 18 điểm |
16 | Trường Đại học Mở TP.HCM | 24,9 - 24,9 điểm | 23,6 - 25 điểm |
17 | Trường Đại học Cần Thơ | 24,75 - 26 điểm | 23,5 - 25,25 điểm |
18 | Trường Đại học An Giang | 21,9 điểm | 20,02 điểm |
19 | Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) | 25,45 - 26,3 điểm | 26,05 điểm |
20 | Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM | 22,25 điểm | 22,5 điểm |
Học Ngôn ngữ Anh ra trường sẽ làm gì?
VnExpress dẫn thông tin từ các chuyên gia cho biết, ngành Ngôn ngữ Anh trở nên "hot" những năm qua vì một số lý do. Cụ thể, đây là ngôn ngữ quốc tế, được dùng rộng rãi trong công việc và học tập.
Người nước ngoài, dù tới từ quốc gia nào, khi đến Việt Nam làm việc, du lịch... cũng chủ yếu sử dụng tiếng Anh để giao tiếp.
Trong giáo dục, tiếng Anh là ngoại ngữ được ưu tiên học cả ở phổ thông và đại học. Đề án ngoại ngữ quốc gia hơn 10 năm nay nhằm nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh và sinh viên.
Theo ông Phan Thanh Tiến - Phó Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế cho hay, các yếu tố đó khiến tiếng Anh luôn được học nhiều nhất, dẫn tới ngành Ngôn ngữ Anh hấp dẫn với xã hội.
TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Đại học Hà Nội chia sẻ thêm, nguyên nhân chủ yếu do cơ hội việc làm và vị trí công việc mà sinh viên có thể đảm nhận sau khi tốt nghiệp khá đa dạng.
Theo TS Nguyễn Tiến Dũng, sinh viên tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh có thể làm ở ba nhóm công việc, bao gồm biên, phiên dịch viên/biên tập viên; giáo viên tiếng Anh/ nghiên cứu viên hoặc thư ký văn phòng/ trợ lý đối ngoại.
Cụ thể, sinh viên có thể gia nhập bộ phận đối ngoại của cơ quan quản lý nhà nước; bộ phận dịch thuật của nhà xuất bản hay tạp chí; công ty biên - phiên dịch, bảo tàng, công ty du lịch, tổ chức phi chính phủ, tổ chức nước ngoài hoặc cơ quan nghiên cứu ngôn ngữ - văn hóa trong và ngoài nước.
Ngoài ra, sinh viên còn có thể giảng dạy ở các trường THPT, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học (nếu sinh viên có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm).
"Xu hướng làm công việc tự do khá phát triển trong thời gian gần đây do thu nhập cao và chủ động thời gian hơn", ông Phan Thanh Tiến nói.
Thống kê cho thấy, tỷ lệ sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp tại Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.HCM là 100%, Học viện Ngoại giao là 96,5%, Đại học Hà Nội khoảng 95% và Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế là 91,88%.
Mức lương khởi điểm tùy thuộc vào vị trí việc làm và năng lực của từng sinh viên, trung bình dao động trong khoảng 7,3 - 25 triệu đồng.