“Chưa chích ngừa thì 90% sẽ bị sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh”
Chia sẻ với PV ĐS&PL, TS.BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, hiện số ca mắc sởi nhâp viện tại Bệnh viện nhi đồng 1 không ngừng tăng thời gian qua. Hiện hơn 50 bệnh nhi nhập viện vì sởi đang được điều trị theo dõi tại bệnh viện Nhi đồng 1. Số ca nhập viện đa số có biến chứng, có ca thở máy, có ca thở oxy.
Đa số trẻ nhập viện vì sởi dưới 5 tuổi, có một số bệnh nhi 7 tuổi, 10 tuổi. Tất cả nhập viện do sởi và có biến chứng, người nhà cho biết các trường hợp này đều chưa chích sởi. Và, các trẻ này đều chuyển từ các bệnh viện ở các tỉnh lân cận đến TP.HCM nhập viện điều trị với biến chứng thường gặp như viêm phổi….
Để phòng ngừa tốt nhất, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chỉ có cách tiêm phòng cho bệnh nhi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi về sởi. Cho nên TP.HCM hiện đang có chiến dịch chích ngừa vắc xin sởi miễn phí cho trẻ, đối với trẻ chưa chích tại các địa phương, trường học.
Dù dịch sởi bùng phát, nhưng theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nếu trẻ đủ miễn dịch thì như đi chơi, còn trẻ chưa đủ miễn dịch thì nguy cơ mắc sởi rất cao.
Để phòng chống sởi tốt nhất hiện nay, Thành phố nên có chiến dịch truyền thông đến trường học, đến phòng trọ, và điều này cũng cần áp dụng cho tất cả các tỉnh lân cận.
TP.HCM là địa phương có khả năng cung cấp miễn phí vắc xin về sởi nhanh. Nếu không có vắc xin chắc chắn trẻ sẽ bị sởi và những biến chứng nguy hiểm kèm theo, sợ nhất là suy dinh dưỡng, còi cọc, suy giảm miễn dịch, dễ bệnh vặt.
Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính từ đầu năm 2024, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã tiếp nhận và điều trị cho 368 bệnh nhi mắc bệnh sởi. Trong đó, gần 2/3 trường hợp đến từ các tỉnh phía Nam, 24,5% có bệnh nền và hơn 50% dưới 12 tháng. Đặc biệt, có 42 bệnh nhi (11,4%) có biến chứng nặng phải nằm hồi sức và 84,6% bệnh nhi nặng chưa được tiêm vắc xin sởi.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 chia sẻ những dấu hiệu cảnh bảo biến chứng từ sởi. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu sởi, phụ huynh không cần nhất thiết phải đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng tại TP.HCM điều trị. Vì hiện nay, ở địa phương vẫn điều trị các biến chứng từ sởi.
Hiện, những bệnh nhi bị sởi chuyển từ các tỉnh lên thì hầu hết phải nhập viện, trong đó đa phần biến chứng chuyển thành viêm phổi.
Trong bệnh viện có nhiều ca biến chứng, như sốt cao, viêm phổi nặng. Vì vậy, trẻ phải nhập viện điều trị tốn kém về thời gian, chi phí điều trị, hệ lụy suy dinh dưỡng. Giải pháp tốt nhất là phải chích vắc-xin cho trẻ, đồng thời phát động chiến dịch chống sởi để toàn dân hưởng ứng.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui khuyến cáo: "Điều đáng chú ý là sởi có thể có mức lây lan cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm. Hệ số lây lan bệnh ở COVID-19 chỉ có thể từ 2 đến 5 người. Trong khi đó, 1 người bị bệnh sở có thể lây 12-18 người, chỉ cần bệnh nhi tiếp xúc là có thể lây. Nếu bản thân chưa chích ngừa thì 90% sẽ bị sởi nếu tiếp xúc với nguồn bệnh".
Thành phố chủ động phòng chống dịch sởi
Chia sẻ với PV ĐS&PL, đại diện Sở Y tế TP.HCM cho biết, những ngày nghỉ lễ hoạt động tiêm chủng vắc xin sởi vẫn được duy trì tổ chức với tổng cộng 306 bàn tiêm tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức và 6 bệnh viện tuyến thành phố, quận huyện.
Sở Y tế TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Viện Pasteur TP.HCM, Trung tâm cấp cứu 115 đã tổ chức các đoàn giám sát chiến dịch tiêm vaccine tại các quận, huyện có nhiều dân nhập cư, biến động dân cư lớn như quận Bình Tân, Tân Phú và huyện Bình Chánh...
Ngay khi phát hiện ca sởi đầu tiên, ban chỉ đạo chống dịch của Bệnh viện Nhi đồng 1 đã đến tận giường bệnh để xem xét, đánh giá nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân ở cùng phòng, kiểm tra tình trạng tiêm chủng sởi và các vắc xin khác cho tất cả bệnh nhân đồng thời tổ chức tiêm ngừa vắc xin sởi cho những cháu chưa tiêm đủ vắc xin khuyến cáo theo từng lứa tuổi. Đặc biệt, Bệnh viện đã bảo vệ nhóm bệnh nhi mắc bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch, ung thư…
Các hoạt động chống dịch sởi đã diễn ra tại bệnh viện như khám sàng lọc, phân luồng, cách ly, phòng chống lây nhiễm chéo, tiêm vắc xin, IVIG… Bệnh viện còn hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện tuyến dưới và thường xuyên giao ban qua hệ thống Telehealth với gần 300 điểm cầu đã được triển khai từ nhiều năm nay. Nhờ vậy, Bệnh viện Nhi Đồng 1 đã kịp thời cập nhật tình hình dịch bệnh ở các tỉnh phía Nam, từ đó có kế hoạch hỗ trợ, ứng phó một cách chủ động và kịp thời.