(ĐSPL) – Thông tin có ít nhất 25 trẻ tử vong do bệnh sởi đã khiến các bà mẹ có con nhỏ lo lắng sợ hãi về việc con em mình cũng có thể mắc bệnh.
Tất cả các bệnh viện ở Hà Nội có khoa Nhi hay khoa truyền nhiễm đều quá tải nghiêm trọng do số bệnh nhân sởi quá đông. Bệnh viện Nhi TW không chỉ dành riêng khoa Truyền nhiễm, mà còn phải mượn cả phòng Phó trưởng khoa và khoa Đông y để điều trị bệnh nhân sởi.
Bệnh nhi nằm ghép 4 để điều trị sởi ở BV Nhi TW. Ảnh Vietnamnet. |
Ngoài ra ở các tỉnh gần Hà Nội hay ở TP.HCM, số lượng các bé mắc bệnh sởi nhập viện cũng khá đông. Điều này khiến các bà mẹ có con nhỏ sợ hãi và thai nhi tìm đọc các thông tin về dịch sởi được đưa rầm rộ trên mặt báo và mạng xã hội.
Hoang mang trước thông tin không xác thực về bệnh sởi trên mạng
Trước các thông tin được một số phụ nữ tự xưng là người nhà bệnh nhân sởi đang hoặc đã điều trị bệnh trên mạng, các mẹ đang hoang mang tột độ. Thông tin cho rằng, số trẻ chết vì sởi không phải chỉ 25 mà lớn hơn rất nhiều, rằng trong những ngày ở bệnh viện, họ đã tận mắt chứng kiến nhiều cái chết thương tâm vì sởi, thông tin từ Tinmoi cho hay.
Chị Nhung, một bác sĩ làm việc ở Hà Nội, tuy không chuyên về nhi hay bệnh truyền nhiễm, nhưng suốt mấy hôm nay bị “dội bom điện thoại” bởi những người quen biết muốn hỏi con họ có phải đang mắc sởi không.
“Ai cũng cuống lên như cháy nhà, cho rằng con mình chắc là bị sởi mất rồi. Có cháu ngoài sốt ra không có biểu hiện gì khác, có cháu không sốt, không có gì bất thường ngoài việc nổi một nốt như muỗi cắn ở tay…, tôi bảo đó không phải triệu chứng sởi nhưng họ cứ tỏ vẻ không tin, cứ vặn đi vặn lại. Một chị còn hỏi cứ cho uống kháng sinh cho chắc ăn có được không”, bác sĩ Nhung kể.
Chuyện “cứ chữa cho chắc ăn” hóa ra không phải quá hiếm. Chị Oanh (Tân Mai, Hà Nội) có con trai 3 tuổi bị nổi mẩn trên da, nghĩ đến dịch sởi đang bùng phát, sợ quá bế con đi khám. Bác sĩ khẳng định bé không mắc sởi, mà bị dị ứng. Nghe nói năm nay virus sởi “độc dữ” và bất thường hơn mọi năm, chị cẩn thận hỏi đi hỏi lại, có ý nghi con mình mắc bệnh này, khiến bác sĩ phát cáu.
Mặc cho bác sĩ phân tích các triệu chứng không liên quan đến bệnh sởi, chị Oanh cho là bác sĩ vô trách nhiệm trước tính mạng của trẻ và quyết định ra hiệu thuốc hỏi mua kháng sinh về bắt con uống để… phòng trước. Ông chú họ của chồng Oanh, cũng là bác sĩ, biết chuyện mắng cho một trận, vì kháng sinh không trị được virus sởi, mà chỉ dùng cho những trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn, trong khi thằng bé chẳng hề có tình trạng nhiễm trùng.
“Con tôi bị sốt, nổi mẩn… có phải nó bị sởi không?”, có vô số câu hỏi tương tự đang xuất hiện trên internet. Chỉ cần người mẹ thấy con mình có một dấu hiệu trùng với triệu chứng sởi là đặt câu hỏi trên facebook hoặc các mạng xã hội khác.
Bên cạnh những người vào tư vấn dựa trên những gì mình biết hoặc đọc được trên mạng về bệnh này, nhiều người lại bình luận theo hướng chia sẻ nỗi sợ hãi, hoặc thổi bùng thêm cơn hoảng loạn của các phụ huynh có con ốm bằng những câu chuyện mình nghe được hay chứng kiến.
“Nói mà buồn, chị cùng cơ quan mình có bé được 6 tháng, bị bệnh cho đi khám rồi vô tình nhiễm sởi mà ko biết, sau đó bệnh ăn vào lục phụ ngũ tạng, giờ bé đã mất. Buồn quá. Bệnh này độ này biến chứng và nguy hiểm hơn do thời tiết năm nay. Các mẹ chú ý giữ bé cẩn thận”. Hay: “Bé ở làng mình không bị mẩn đỏ, biểu hiện giống viêm phế quản, lúc đưa ra Viện Nhi thì virus sởi đã ăn trắng xóa phổi rồi, mỗi ngày tiêm 1 mũi 7 triệu đồng, đã hết 100 triệu rồi mà chẳng biết có cứu được không”.
Con số 25 người tử vong do bệnh sởi có chính xác?
Trong khi Bộ Y tế công bố 25 người tử vong do bệnh sởi thì một số người cho rằng con số thực tế lớn hơn gấp nhiều lần. Theo công bố của Bộ Y tế, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 2.452 trường hợp được chẩn đoán mắc bệnh sởi, trong đó có 25 ca tử vong.
Trái ngược với nhận định dịch bệnh đang giảm dần của cơ quan quản lý, tại các bệnh viện, bệnh nhân sởi vẫn ùn ùn nhập viện. Nhiều ca bệnh diễn biến vô cùng nguy kịch.
Do số lượng bệnh nhân sởi quá đông, bệnh viện Nhi TW không chỉ dành riêng khoa Truyền nhiễm, mà còn phải mượn cả khoa Đông y, phòng Phó trưởng khoa để điều trị bệnh nhân sởi. Tuy nhiên, không thể tránh được tình trạng nằm ghép 3-4 bệnh nhân do luôn có từ 200 - 250 bệnh nhân biến chứng nặng phải nằm viện. Trung bình mỗi ngày, khoa này tiếp nhận 30 trẻ mắc sởi. Ngày cao điểm, như ngày 10/4 đến rạng sáng 11/4 đã có 40 trẻ nhập viện trong đó có 3 ca phải hỗ trợ hô hấp bằng máy thở máy, 2 ca ngừng tuần hoàn do diễn biến bệnh nặng.
PGS.TS Phạm nhật An, Phó giám đốc BV Nhi Trung ương tỏ ra băn khoăn: “Năm nay, bệnh sởi rất đặc biệt, đó là gây biến chứng viêm phổi nặng. Hiện chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm lý do xem vì sao viêm phổi do sởi lại tiến triển nặng như vậy. Bệnh nhi nhập viện bình thường, điều trị ngay nhưng diễn biến nặng lên trông thấy và nhiều bệnh nhi đã tử vong”.
Em bé mắc bệnh sởi đang được điều trị. Ảnh Dân trí. |
Phó Giám đốc bệnh viện Nhi: Ngành y nên công nhận dịch sởi
PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng, ngành y tế nên công nhận có dịch sởi, VTC News đưa tin.
Tính đến ngày 13/4, cả khoa có 220 bệnh nhân bị sởi biến chứng nặng và 25 ca tử vong do sởi biến chứng, 8 ca đang phải thở máy. Trước con số này, PGS.TS Phạm Nhật An, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, không thể dừng lại ở con số 25 trẻ tử vong do sởi. Thời điểm này, ngành y tế nên công nhận có dịch sởi.
“Đã đến lúc ngành y cần phải công bố dịch sởi và nhìn nhận đúng dịch bệnh để người dân cảnh giác trước căn bệnh dễ lây lan, nguy hiểm”, PGS.TS. Phạm Nhật An nói.
Ông An cho biết, dịch sởi hiện nay vẫn chưa lắng xuống do tốc độ lây lan nhanh chóng. Mỗi ngày khoa Truyền nhiễm tiếp nhận gần 20 bệnh nhi bị sởi. Các bác sĩ đã phải di chuyển, nhường phòng cho bệnh nhân.
Chưa bao giờ, số lượng bệnh nhân nặng do biến chứng sởi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương đông như thời điểm hiện tại. Dù bệnh viện đã dành riêng khoa Truyền nhiễm cho điều trị bệnh nhân sởi nhưng số giường bệnh vẫn không xuể. Bệnh viện còn sử dụng thêm 15-20 giường ở Khoa Cấp cứu cho bệnh nhi mắc sởi.
PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết, tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nguy cơ lây nhiễm chéo bệnh trong bệnh viện có thể xảy ra. Tại khoa, người nhà bệnh nhân, bệnh nhân nằm tràn ra hành lang, trước phòng bác sĩ vì sợ lây sởi.
Năm nay, dịch sởi diễn biến khá đặc biệt, nhất là có nhiều ca sởi gây biến chứng viêm phổi rất nặng. Khi bệnh nhi vừa mới mọc ban, nhiều trẻ chưa xác định có bị sởi hay không đã biến chứng viêm phổi. Dù các bác sĩ đã dùng kháng sinh ngay từ đầu để điều trị cho trẻ mắc sởi nhưng bệnh nhi vẫn tử vong.
Để hạn chế bệnh lây lan, bác sỹ khuyến cáo nên hạn chế vào thăm người bệnh, nếu ra về cần khử trùng bằng cách tắm giặt sạch sẽ, thay quần áo mặc vào viện, nhỏ nước muối sinh lý vào họng, mũi,…để sát khuẩn. Virus sởi có thể sống trong môi trường bình thường từ 3-4 giờ.