(ĐSPL) - Chỉ tính riêng từ 11/2013 đến nay, cả nước đã ghi nhận 3.380 trường hợp mắc sởi, 25 ca đã tử vong. Tuy nhiên Bộ Y tế vẫn chưa công bố dịch và khẳng định không có bất thường, thời gian tới số lượng ca mắc sởi sẽ giảm khi Bộ quyết liệt tiêm vét vắc xin cho khoảng 710.000 trẻ.
Bệnh viện "kêu" quá tải
Theo thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương từ đầu năm 2014 đến nay, số bệnh nhi nhập viện khoảng 10.000, cao hơn hẳn so năm 2013 khoảng 7.000 bệnh nhi. Hiện bệnh viện có 1.200 giường bệnh nhưng số lượng bệnh nhân thường xuyên là 1.600 - 1.800 bệnh nhân. Số quá tải chủ yếu là bệnh nhi có liên quan đến bệnh về đường hô hấp.
Tuy nhiên năm nay có đặc điểm khác, nổi bật là số bệnh nhi mắc bệnh sởi tăng cao. Từ tháng 12/2013 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 1.000 trường hợp mắc sởi nhập viện. Đặc biệt các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng và rất nặng từ các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Riêng trong tháng Ba có tới 345 bệnh nhi nhập viện vì bệnh sởi.
|
Số bệnh nhi mắc bệnh sởi tăng cao. |
Chỉ tính riêng ngày 7/4, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận đến 200 ca, trong đó 10 ca phải hỗ trợ cấp cứu thở máy, 50 ca phải thở oxy... Mỗi ngày viện có từ 100 - 120 máy thở hoạt động liên tục. Nhân viên các khoa truyền nhiễm, cấp cứu, hồi sức phải làm việc liên tục gần như không được nghỉ ngơi.
Theo thông tin mới nhất, PGS.TS Lê Thanh Hải, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viện đã quyết định dành khu điều trị tự nguyện với hơn 20 giường bệnh để cấp cứu và điều trị cho các ca bị biến chứng sởi.
Việc "trưng dụng" thêm cơ sở vật chất, giường bệnh của Bệnh viện Nhi Trung ương nhằm cách ly và áp dụng phác đồ điều trị hiệu quả hơn với các ca bị biến chứng sởi nặng.
"Các bằng chứng xét nghiệm cho thấy các trường hợp này đồng nhiễm nhiều loại virus. Việc cứu chữa các ca bị biến chứng sởi nặng là cực kỳ khó khăn và tốn kém. Có trường hợp cứu sống phải mất đến cả nửa tỷ đồng. 25 ca tử vong vừa qua chủ yếu tập trung ở trẻ nhỏ chưa tiêm phòng" - PGS.TS Lê Thanh Hải chia sẻ.
Không chỉ riêng Bệnh viện Nhi Trung ương, Khoa nhi của hai Bệnh viện Xanh Pôn và Bạch Mai cũng thường xuyên phải tiếp nhận các ca mắc sởi. Tình trạng rơi vào quá tải cũng đang hiện hữu ở hai địa điểm này.
Theo TS. Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, tính đến thời điểm này tại Hà Nội đã ghi nhận 901 trường hợp mắc sởi phân bố rải rác ở 300 xã phường. Theo khảo sát điều tra 210 trường hợp trẻ không tiêm vắc xin ngừa sởi là do e ngại thời gian gần đây có những trường hợp tai biến. Trẻ hay ốm nên hoãn tiêm nhiều lần. Ngoài lý do trên, việc tiêm chủng dịch vụ cũng chưa đáp ứng nhu cầu người dân cũng là nguyên nhân khiến số ca mắc sởi gia tăng thời gian qua.
PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng viện Pasteur TP.HCM cho biết, trong tuần 13, 14 vừa qua số ca ghi nhận mắc sởi ở khu vực phía Nam là 250 trường hợp, riêng TP.HCM có 110 trường hợp mắc. Tuy nhiên, ở khu vực phía Nam không có trường hợp đáng tiếc nào mắc sởi bị tử vong. Số ca tử vong do sởi tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc.
Trước tình hình diễn biến của dịch sởi, một số chuyên gia y tế cho rằng, đã đến lúc cần phải công bố dịch sởi, để ngành y tế nhìn nhận đúng dịch bệnh và người dân cảnh giác trước một căn bệnh dễ lây lan, nguy hiểm. Năm nay, dịch sởi rất lạ, gây biến chứng viêm phổi nặng. Bệnh nhi nhập viện bình thường, điều trị ngay nhưng diễn biến nặng lên trông thấy và nhiều bệnh nhi đã tử vong.
Số ca mắc sởi đi ngang và có chiều hướng giảm?
Trao đổi với PV, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế Dự phòng, bộ Y tế cho biết, các chủng virus sởi gây bệnh tại Việt Nam trong thời điểm hiện nay chưa có sự thay đổi gì bất thường vẫn nằm trong týp H1, D8.
Bệnh sởi hiện nay không bất thường mà theo đúng chu kỳ 3-5 năm của dịch. Tỷ lệ tiêm chủng hiện nay mới chỉ đạt từ 90-99\% nên hàng năm có một lượng các trẻ chưa được tiêm chủng. Đa số bệnh nhân mắc sởi đều không được tiêm chủng hoặc không rõ về tình trạng tiêm chủng (87,6\%).
Chỉ có rất ít trẻ đã tiêm vắc xin đủ mũi bị mắc bệnh (4,2\%). Bên cạnh đó có những trẻ được tiêm chủng nhưng không có miễn dịch và số trẻ không có miễn dịch tích lũy và khoảng 4, 5 năm hình thành đợt dịch bùng phát. Số lượng mà chúng tôi nghiên cứu không cao hơn số mắc sởi năm 2009.
|
Chỉ tiêm phòng mới kiểm soát tốt. |
Cũng theo ông Phu, chỉ công bố dịch trên phạm vi toàn quốc khi có sự tăng cao bất thường so với hàng năm. Bên cạnh đó, tác nhân gây bệnh bị thay đổi không kiểm soát được. Đặc biệt các địa phương không kiểm soát được thì mới công bố dịch.
Việc thông báo tình hình dịch và công bố dịch là hai việc hoàn toàn khác nhau. Không phải tất cả 59 tỉnh thành có ca mắc sởi nhưng không phải 59 tỉnh thành có dịch sởi. Bởi vì có tỉnh mắc rải rác và số mắc không cao và không có sự gia tăng bất thường.
Nhận định về diễn biến của bệnh sởi trong thời gian tới, GS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia cho rằng, hiện nay, dịch mới ở mức độ nhỏ và trung bình ở một số tỉnh, tập trung ở một số tỉnh miền núi, Hà Nội, TP. HCM... Có hơn 50 tỉnh báo cáo có bệnh nhân mắc sởi nhưng số ca tản phát không tập hợp thành ổ dịch.
Những đối tượng miền núi, ở bản xa xôi khó tiếp cận nên bỏ sót không tiêm chủng được. Ngoài ra, ở thành phố, do dân cư biến động nên khó quản lý trong khi virus tấn công bất kỳ ai không có kháng thể.
Quy mô của bệnh năm 2013-2014 là nhỏ hơn rất nhiều so với đỉnh dịch của năm 2009-2010, chỉ bằng khoảng 1/3. Chính vì thế, dịch vẫn nằm trong tầm kiểm soát. 53 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm vét vắc xin sởi đạt tỷ lệ 44\%. Các tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành tiêm vét trong tháng Tư này.
Thời gian tới, nếu tiếp tục thực hiện tốt việc tiêm vét, số quần thể trẻ em có cảm thụ với virus sởi sẽ giảm đi rất nhiều. Dù virus này có lưu hành sẽ không có đích để gây bệnh nữa, dịch sẽ đi ngang và giảm xuống trong những tháng tới.
Tại Hội nghị trực tuyến về phòng chống dịch sởi chiều 8/4, Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Bộ Y tế đã nhận định tình hình bệnh sởi ngay từ cuối năm 2013 và đầu năm 2014. Bộ đã chỉ đạo quyết liệt việc tiêm cho trẻ em. Chính vì vậy chúng ta vẫn kiểm soát được bệnh. Nhờ có chiến dịch tiêm vét sởi cách đây một tháng mà sau đó tỷ lệ mắc bệnh đã giảm. Số giảm tương đối rõ rệt. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những nhận định trong giai đoạn hiện nay. Về lâu dài vẫn phải theo dõi sát sao…
Chỉ tiêm phòng mới kiểm soát tốt
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Chỉ khi chúng ta tiêm chủng tốt thì mới gọi là kiểm soát tốt. Cần tiêm tất cả các cháu và nâng độ tuổi lên 2 tuổi. Không nên thấy tình hình dịch có vẻ giảm mà không quyết liệt vì chỉ cần dừng tiêm, bệnh sẽ ồ ạt quay trở lại.
Bộ Y tế đã giao cho Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia thực hiện chiến dịch lớn, trong hai năm sẽ tiêm vắc xin sởi và vắc xin rubella cho tổng số khoảng 23 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi. Nếu làm như vậy toàn bộ nền miễn dịch của cộng đồng được nâng lên. Virus sởi sẽ không còn cơ hội để quay lại tấn công nữa".
Ngày 8/4, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng bộ Y tế đã chỉ đạo cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối chỉ đạo thực hiện quy định về chuyển tuyến hợp lý, quán triệt thực hiện vận chuyển bệnh nhân an toàn, cần có sự trao đổi liên hệ giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới trước khi chuyển bệnh nhân.
Nếu bệnh nhân yêu cầu chuyển lên tuyến trên phải có hướng dẫn và tư vấn hợp lý. Bộ Y tế chỉ đạo bệnh viện Nhi Trung ương tập huấn các bệnh viện tuyến dưới sớm về phác đồ chẩn đoán và điều trị các bệnh hô hấp, bệnh truyền nhiễm.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/25-tre-chet-vi-benh-soi-trong-5-thang-la-khong-bat-thuong-a28929.html