+Aa-
    Zalo

    Đi tìm chuyện tình như tiểu thuyết của cặp vợ chồng thi sĩ “vang bóng một thời"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Có thể nói, chuyện tình cặp đôi thi sĩ Đông Hồ- Mộng Tuyết là áng tình lãng mạn và đẹp nhất trong làng văn thơ miền Nam hồi đầu thế kỷ 20.

    (ĐSPL) - Có thể nói, chuyện tình cặp đôi thi sĩ Đông Hồ- Mộng Tuyết là áng tình lãng mạn và đẹp nhất trong làng văn thơ miền Nam hồi đầu thế kỷ 20. Với dáng người dong dỏng thư sinh, cặp kính gọng đen đặc trưng, Đông Hồ đã làm xao xuyến không biết bao nhiêu trái tim thiếu nữ lúc bấy giờ. Và trong số ấy có cô em gái vợ của Đông Hồ tên Mộng Tuyết. Điều đáng nói là khi vợ Đông Hồ mất đi, việc Mộng Tuyết đến với Đông Hồ lại được hai bên gia đình đồng ý.

    “Núi Mộng Gương Hồ”

    Xứ Hà Tiên phong cảnh hữu tình và được coi là mảnh đất huyền thoại. Mảnh đất cực tây của Tổ quốc là nơi sinh ra nhóm văn thơ Tao Đàn Chiêu Anh Các (1736). Hội văn chương từng được xem là văn đàn thứ 2 trong lịch sử Việt Nam, có đóng góp to lớn cho nền thơ văn Nam Bộ thời kỳ cận đại. Đó cũng là nền móng căn cơ để về sau ở xứ này tiếp tục sản sinh ra nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà viết sử lớn. Sang đầu thế kỷ 20, trong văn đàn miền Nam, cái tên Đông Hồ, Mộng Tuyết xuất hiện như những ngôi sao lung linh tỏa sáng. Đó là hai đại biểu xuất sắc cho trí thức đất Hà Tiên.

    Đối với Đông Hồ, người ta nói ông là người đa tài, có thể hoạt động nhiều lĩnh vực. Dù ở lĩnh vực nào ông cũng gặt hái được những thành công. Nói ông là nhà giáo, nhà báo, nhà thơ, nhà phê bình, khảo cứu văn học sử... đều đúng. Với một người tài năng như vậy, Đông Hồ trở thành thần tượng không biết bao nhiêu cô gái trẻ. Thế nhưng, đường tình của thi sĩ đa tài này không trơn tru như người ta tưởng. Sau khi vợ mất, ông có cảm tình với em vợ tên là Mộng Tuyết, một cô gái đa tình. Tình yêu chân chính đã đưa họ đến với nhau và được xem là “cặp đôi hoàn hảo” trong làng thơ văn đầu thế kỷ 20.

    Tuy nhiên, họ đến với nhau rồi ra đi một cách âm thầm. Bởi một lẽ, cả hai cùng ở tỉnh lẻ xa xôi của Nam Bộ, nơi mà không mấy ai đặt chân đến. Những bạn văn thơ của họ chỉ ở miền Bắc và nay cũng không còn ai nữa. Con cháu của thi sĩ Đông Hồ cũng đều ở nước ngoài và ít khi về nước. Bởi vậy, khi nói đến cặp đôi thi sĩ này, ít người biết tường tận. Vì sao một người đầy danh vọng như Đông Hồ lại chọn người em gái của vợ mình? Và lý do gì để một cô gái trinh trắng, tài năng lại chọn một người hơn mình đến một giáp (12 tuổi)? Để trả lời câu hỏi trên, chúng tôi đã trực tiếp về mảnh đất, nơi chôn nhau cắt rốn của họ để tìm hiểu.

    Điều thú vị, trong chuyến đi này, chúng tôi được gặp và trò chuyện với một nhân chứng sống, người gần như cùng thời với Đông Hồ. Đó chính là cụ Trương Minh Đạt, nhà Hà Tiên học bậc nhất đất Nam Bộ hiện nay. Ông là người am hiểu Hà Tiên hơn bất cứ ai. Đặc biệt, trước đây, người này thường xuyên trò chuyện với Đông Hồ. Nhà cụ Trương Minh Đạt nằm trên đường Mạc Tử Sanh (Đông Hồ, TP. Hà Tiên, Kiên Giang). Nơi cụ ở chỉ cách nhà lưu niệm Đông Hồ và nhà của Mộng Tuyết một quãng đi bộ. Cụ Đạt bảo rằng, cụ kém Đông Hồ đến 33 tuổi, nhưng cùng sinh ra trên một con phố, lại là chỗ tri thức tâm giao. Lớn lên, theo con đường nghiên cứu, cụ thường tham khảo ý kiến của Đông Hồ. Bởi về lĩnh vực văn hóa, Đông Hồ cũng là một cây đại thụ bậc nhất ở Hà Tiên.

    Cụ Đạt kể lại: “Người đời thấy Đông Hồ lấy em gái của vợ nên buông lời đàm tiếu, bảo trái lệ tục luân thường. Nhưng đó là mối tình đẹp. Họ đến với nhau từ sự cảm mến về tài năng. Vậy nên không phải ngẫu nhiên mà một người tài giỏi, nhiều cô gái theo lại đi lấy người em gái của vợ. Hơn nữa, một nữ sĩ tài giỏi xinh đẹp, trinh trắng lại chọn Đông Hồ và nguyện sống trọn cuộc đời không con cái. Kể cả sau khi Đông Hồ mất, bà vẫn ở giá đến trọn cuộc đời”. Trong lời cảm đề đầu cuốn “Hồi ký Núi Mộng Gương Hồ” của Mộng Tuyết, nhà thơ Huy Cận có viết: “Núi Mộng Gương Hồ – Đông Hồ – Mộng Tuyết là duyên văn tự, mà cũng là tình duyên, tình đời thấm đượm tình non nước”. Giới văn sĩ thường quan niệm, duyên văn tự và duyên lứa đôi là những mối kỳ duyên mà cuộc đời hiếm khi trao tặng cho con người cùng một lúc.

    Đông Hồ và Mộng Tuyết là hai nhà thơ, hai con người đã có được cái diễm phúc trở thành mối duyên của nhiều sự hợp duyên.


    Cụ Đạt cho chúng tôi biết, Đông Hồ là người rất tôn thờ tình yêu. Với một người lãng mạn như Đồng Hồ, ông muốn giữ lại những gì trinh nguyên nhất. Trong hồi ký lúc sinh thời, Mộng Tuyết có ghi lại: “Hình ảnh Đông Hồ hiện ra qua bóng dáng ông thầy Phác Lâm (tên thật của Đông Hồ) thư sinh, vác hoa sen đi mà cố gượng nhẹ cho đừng gãy”.Mối tình lãng mạn của làng văn

    Mộng Tuyết đã nhìn thấy và đi cùng với tâm hồn mỏng manh ấy tự bao giờ. Ký ức về Đông Hồ cũng đẹp như những cánh hoa sen chưa từng bị ngấn dập. Và như thế, họ cảm mến, yêu thương và trân trọng bằng sự ngưỡng mộ nhau. Trở về quá khứ, Đông Hồ vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, họ Lâm gốc Hoa. Từ nhiều đời trước, dòng họ này đã cư ngụ ở vùng đầm Đông Hồ ấn nguyệt (một danh thắng ở Hà Tiên ngày nay). Thi sĩ này tên thật là Lâm Tấn Phác. Ông có năng khiếu thiên bẩm về văn chương, thơ phú. Lớn lên, Đông Hồ làm nghề dạy văn ngay trên quê nhà. Đến năm 20 tuổi, ông chủ trương thành lập “Trí thức học xá” (ngôi trường đào tạo thơ) để gây dựng mầm thơ giai đoạn 1926-1934.

    Theo gia lệ nhà họ Lâm thì Đông Hồ phải lấy vợ sớm. Nhưng bất hạnh thay, người vợ đầu đoản mệnh để một trái tim cô quạnh. Cùng con phố cách nhà Lâm Tấn Phác không xa có cô gái họ Thái Nhàn Liên, cũng thuộc gia tộc gốc Hoa, có truyền thống Nho giáo. Nhàn Liên tính tình nết na, hiền dịu đã khiến trái tim chàng thi sĩ đa tình phải xốn xang. Thế rồi, cả hai kết duyên vợ chồng. Nhưng khi vừa sinh được người con gái thì người vợ thứ 2 này cũng qua đời. Lỡ thêm một lần đò, tiếng thơ của Đông Hồ càng thêm trầm buồn.

    Ngày ấy, người em gái của vợ Đông Hồ là Thái Thị Úc đang theo học ở “Trí thức học xá”. Cô là học trò ưu tú mà Đông Hồ rất kỳ vọng. Sự đồng cảm về thi ca và tình yêu của Mộng Tuyết đã được dịp bộc lộ với người thầy. Ít lâu sau, Mộng Tuyết đã trở thành người vợ thứ 3 của thi sĩ Đông Hồ. Bắt đầu từ đây, cái tên Mộng Tuyết được bay bổng với vần thơ lãng mạn và tạo nên một hiện tượng thơ ca vào những năm cuối của thập kỷ 30.

    Ngày đó, tiếng thơ của Mộng Tuyết vang đến nỗi tạo nên dư luận. Người ta còn đồn thổi, đây là một trang nam nhi đóng giả gái. Năm 1939, tập thơ "Phấn hương rừng" của Mộng Tuyết được giải của Tự Lực Văn Đoàn. Năm đó, nữ sĩ Mộng Tuyết vừa tròn 21 tuổi, nhà thơ Đông Hồ đúng tuổi 33. Sự sánh đôi của cặp vợ chồng, thầy trò và là bạn thơ được xem là cặp đôi đặc biệt nhất của làng văn đầu thế kỷ. Người ta bảo, nếu như phải chọn một trong hai tiếng thơ thì khó mà quyết định được. Và theo như nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt thì mối tình vợ chồng đó đã vươn lên khỏi những suy nghĩ xác thịt tầm thường.

    Ngày đó, Mộng Tuyết viết sách, làm báo và sáng tác, suốt bốn chục năm ròng rã. Trước khi đất nước chia cắt, Mộng Tuyết còn theo chồng ra Bắc để thăm những bạn văn như nhóm: Tự Lực Văn Đoàn, các nhà thơ lãng mạn lớn như: Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Thế Lữ. Trong đó, nhà văn Nguyễn Tuân coi hai vợ chồng Đông Hồ - Mộng Tuyết như anh em trong nhà.

    Nhưng thật đau buồn, mọi chuyện với bà bỗng trở nên hụt hẫng. Vào ngày 25/3/1969, khi Đông Hồ đang đứng trên bục giảng trường Đại học Văn khoa Sài Gòn đọc bài thơ “Trưng nữ Vương” của nữ sĩ Ngân Giang thì sự cố đã xảy ra. Do hưng phấn quá độ, ông đã đứt mạch máu não gục ngay trên bục giảng. Lúc đó Mộng Tuyết ở tuổi 55. Người chồng, người bạn thơ ra đi, trái tim nữ sĩ se lại từ đó. Mộng Tuyết rời Sài Gòn về Hà Tiên xây nhà lưu niệm trên nền “Trí thức học xá”, nơi từng đào tạo tiếng thơ của bà, rồi an dưỡng tuổi già cho đến năm 2007 thì bà qua đời.

    TRƯỜNG GIANG

    Xem thêm video:

    [mecloud]Y67UM4aucn[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/di-tim-chuyen-tinh-nhu-tieu-thuyet-cua-cap-vo-chong-thi-si-vang-bong-mot-thoi-a164788.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.