Sóng gió liên tiếp ập đến với Eximbank khi xảy ra nhiều vụ mất tiền tỷ của khách hàng, 5 nhân viên bị khởi tố, 1 lãnh đạo cấp cao bị truy nã quốc tế... Tuy nhiên, cách xử lý từng vấn đề của HĐQT và ban điều hành Eximbank khá lúng túng. Phải chăng, đã đến lúc cần một "luồng gió mới" để vực dậy nhà băng này?!
Dồn dập "sóng gió"
Chiều 26/4, ngay trước ngày ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam Eximbank tiến hành tổ chức đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018, nữ đại gia Chu Thị Bình đã phát đi thông báo nêu "3 lý do yêu cầu Eximbank phải trả ngay 245 tỷ tiền gửi tiết kiệm".
Bà Bình là khách hàng VIP lâu năm của Eximbank nhưng đã bị Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc chi nhánh TPHCM của nhà băng này lừa đảo lấy 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm rồi bỏ trốn ra nước ngoài.
Bà Bình cho biết, từ thực tế diễn biến quan hệ gửi/rút tiền tiết kiệm và thông tin từ kết quả điều tra vụ án, Eximbank phải thanh toán ngay số tiền 245 tỷ đồng mà không phải chờ phán quyết của tòa án.
Ngoài việc nêu quan điểm đòi tiền "trước sau như một" của mình, bà Bình còn khẳng định, lãnh đạo Eximbank đã bất nhất, không tôn trọng khách hàng, nói và làm không đi đôi với nhau, tìm cách né tránh áp lực trước dư luận.
"Các cổ đông đòi hỏi xem xét trách nhiệm trực tiếp của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo Eximbank tại ĐHCĐ sắp tới", bà Bình nói.
Sóng gió liên tiếp ập đến với Eximbank khi xảy ra nhiều vụ mất tiền tỷ của khách hàng, 5 nhân viên bị khởi tố, 1 lãnh đạo cấp cao bị truy nã quốc tế... |
Trước đó, ngày 6/4, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ. Theo đó, Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với kiến nghị của bà Chu Thị Bình yêu cầu Eximbank có trách nhiệm trả ngay số tiền tiết kiệm trên 245 tỷ đồng tiết kiệm.
Không chỉ 245 tỷ đồng của đại gia Chu Thị Bình, gần đây, Eximbank cũng để xảy ra nhiều vụ mất tiền tỷ của khách hàng. Đáng chú ý là vụ 6 khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank chi nhánh Vinh và Đô Lương (Nghệ An) đã bị "bốc hơi" 50 tỷ đồng.
Mới đây, vụ án đã được tòa tạm hoãn một thời gian vô hạn định để Eximbank tập trung lo cho ĐHCĐ. Trong khi đó, khách hàng không chấp nhận sự trì hoãn này. Luật sư của nhóm khách hàng khẳng định Eximbank không có tinh thần hợp tác và việc trì hoãn này hoàn toàn trái ngược với lời hứa “Eximbank sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng VIP một cách nhanh nhất” theo như lời ông Lê Văn Quyết, TGĐ Eximbank thường phát biểu với báo chí.
"Lý do xin hoãn phiên tòa mà phía Eximbank đưa ra là không chính đáng. Thực tế, đại hội cổ đông và phiên tòa xử vụ án ở Nghệ An thực ra không ảnh hưởng gì nhau vì vụ án ở Nghệ An, Eximbank đã ủy quyền cho giám đốc Eximbank chi nhánh Nghệ An đại diện tại phiên xử. Và vị giám đốc chi nhánh này không hề có chân trong hội đồng quản trị của Eximbank", luật sư Nguyễn Hữu Liêm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm 6 khách hàng trên nói.
Hậu quả của việc quản lý lỏng lẻo, kiểm soát nội bộ kém của Eximbank đã khiến nhiều khách hàng... lao đao. Việc cơ quan công an khởi tố, phát lệnh truy nã quốc tế đối với Lê Nguyễn Hưng là tất yếu. Hệ lụy kéo theo là 5 nhân viên của Eximbank chi nhánh TPHCM bị khởi tố, bắt tạm giam do có liên quan vụ "bốc hơi" tiền tỷ càng khiến dư luận dậy sóng.
Ngày 5 nhân viên Eximbank bị khởi tố, tạm giam, cộng đồng mạng đã chỉ trích khá nặng nề ngân hàng này. Nhân viên bị bắt, nhưng ban lãnh đạo không có một tiếng nói trấn an, không có biện pháp bảo vệ hoặc hỗ trợ cần thiết nào khác ngoài sự im lặng đến lạnh lùng, vô cảm.
Đã đến lúc phải thay đổi
Từ vụ mất tiền tại Eximbank, nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý nhận định vai trò của thành viên HĐQT, ban kiểm soát... nhà băng này khá mờ nhạt, nhiều khi là "vật trang trí". Thậm chí, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank là người đại diện pháp lý của ngân hàng nhưng khi vụ việc xảy ra lại trả lời với truyền thông là "đợi ý kiến của HĐQT".
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vai trò thành viên HĐQT độc lập ở các ngân hàng Việt Nam khá mờ nhạt, không có tiếng nói. HĐQT hoạt động chưa thực chất, dân chủ.
Trở lại diễn biến của ĐHCĐ Eximbank diễn ra ngày 27/4, nhiều cổ đông tin rằng sẽ không có sự đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực như những lần trước. Đây là đại hội của sự thống nhất, phát triển, cùng giải quyết những tồn tại trong quá khứ và hướng đến những mục tiêu tươi sáng ở tương lai, lấy lại niềm tin cho cổ đông, khách hàng.
TS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính (Đại học Ngân hàng TPHCM) cho rằng, trước đây, Eximbank là một ngân hàng uy tín. Tuy nhiên, những năm qua, dường như HĐQT các thành viên không lo làm nghề nên mới xảy ra nhiều rủi ro, thất thoát, mất niềm tin khách hàng.
"Với Eximbank lúc này, sự thay đổi là cần thiết. Trước hết, phải tăng cường thành viên mới trong HĐQT. Nhân tố đó phải có kinh nghiệm trong nghề, tâm huyết, được sự tin tưởng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (SBV) và các cổ đông lớn để gầy dựng lại uy tín cho Eximbank", TS Bùi Quang Tín nói.
Theo Dân Trí