PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đặt ra những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn để sau khi học xong các tiến sĩ này trở về nước.
Ngoài TS Nhĩ, các chuyên gia giáo dục đã đưa ra quan điểm của mình trước đề xuất chi 12.000 tỷ đào tạo 9.000 tiến sĩ của Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT).
Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo Đề án trình Chính phủ: "Nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQL các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025".
Đề xuất cho biết, Bộ dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Trong đó, kinh phí từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%. Thời gian thực hiện đề án từ năm 2018 đến năm 2025, tầm nhìn 2030.
Cụ thể, trong số 9000 tiến sĩ cần đào tạo đó sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.
Ảnh minh họa. |
Sẽ có khoảng 500 tiến sĩ được đào tạo theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người.
Ngoài ra, cả nước sẽ đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường ĐH đã được kiểm định trong nước và dự kiến sẽ thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường ĐH Việt Nam.
Đề án cũng đưa ra mục tiêu bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý và hội đồng, hiệu trưởng, viện trưởng các trường ĐH và bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho 100% giảng viên.
Dự thảo đề án đưa ra 5 giải pháp để thực hiện bao gồm: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Thu hút tiến sĩ đến công tác đến làm việc tại các sơ sở giáo dục đại học; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; Đổi mới cơ chế, chính sách.
Theo báo Đại đoàn kết, mặc dù đồng ý với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo ĐH nói chung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ĐH trong nước nói riêng của Bộ GD&ĐT, tuy nhiên, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) băn khoăn về căn cứ xác định thời gian thực hiện chỉ tiêu của Bộ.
Ông chia sẻ, trên thực tế đã có những đề án của Bộ GD&ĐT đặt ra mục tiêu lớn và thực hiện trong thời gian ngắn nhưng cuối cùng lại không thành công bởi các lý do khác nhau, trong đó quan trọng nhất là chưa tính đến sự phù hợp với thực tế đào tạo trong nước. Bởi những bài học nhãn tiền đó, lo ngại của dư luận là hợp lý.
Hơn nữa, các câu chuyện về những lò đào tạo tiến sĩ, đào tạo tiến sĩ siêu tốc, tiến sĩ “dỏm”... cả ở trong và ngoài nước là nguyên nhân khiến nhiều người mất niềm tin. Bởi vậy, muốn thực hiện tốt đề án này cần phải làm nghiêm túc tiến trình tuyển sinh đầu ra lẫn đầu vào, siết chặt việc đào tạo tiến sỹ.
Dẫn lời PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, Bộ GD&ĐT cần đặt ra những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn để sau khi học xong các tiến sĩ này trở về nước. Đồng thời cơ chế đãi ngộ, môi trường làm việc thu hút, coi trọng người tài cũng cần được triển khai.
Trong dư luận cũng có rất nhiều ý kiến trái chiều về đề án trên của Bộ GD&ĐT.
Ý kiến bạn đọc trên VnExpress về đề xuất đào tạo tiến sĩ của Bộ GD&ĐT. |
Nhiều người cho rằng, trong đào tạo giáo dục nên chú trọng chất lượng hơn là số lượng. Nhưng cũng có ý kiến chỉ ra rằng nhìn vào thực tế số lượng tiến sĩ của nước ta thì rất khó có được chất lượng. Hơn nữa, nếu như đã quyết tâm đào tạo thì nên có những chính sách, đãi ngộ hợp lý cho những nhân tuyển này.
Vi An (T/h)