+Aa-
    Zalo

    Bộ GD&ĐT đề xuất chi 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 tiến sĩ: Đâu là lý do?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tổng kinh phí thực hiện đề án đào tạo tiến sĩ mà Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến là 12.000 tỷ đồng.

    Tổng kinh phí thực hiện đề án đào tạo tiến sĩ mà Bộ Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến là 12.000 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước chiếm khoảng 94%.

    Bộ GD&ĐT vừa có dự thảo Đề án trình Chính phủ: "Nâng cao năng lực đội ngũ GV&CBQL các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025".

    Theo đó, Bộ dự kiến sẽ chi 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ.

    Cụ thể, trong số 9000 tiến sĩ cần đào tạo đó sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới. Từ 2017 đến 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.

    Sẽ chi 12.000 tỉ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ. Ảnh minh họa

    Sẽ có khoảng 500 tiến sĩ được đào tạo theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường ĐH Việt Nam và nước ngoài. Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người.

    Ngoài ra, cả nước sẽ đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường ĐH đã được kiểm định trong nước và dự kiến sẽ thu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ở các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường ĐH Việt Nam.

    Đề án cũng đưa ra mục tiêu bồi dưỡng cho 100% cán bộ quản lý và hội đồng, hiệu trưởng, viện trưởng các trường ĐH và bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho 100% giảng viên.

    Kinh phí dự trù cho đề án “khủng” này là khoảng 12.000 tỷ đồng. Trong đó, 10.200 tỷ đồng lấy từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH CĐ giai đoạn 2010 – 2020 đã được Chính phủ phê duyệt trước đó và 1.800 tỉ từ các cơ sở giáo dục ĐH, đối tượng thụ hưởng đề án.

    Dự thảo đề án cũng đưa ra 5 giải pháp để thực hiện bao gồm: Đào tạo trình độ tiến sĩ cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Thu hút tiến sĩ đến công tác đến làm việc tại các sơ sở giáo dục đại học; Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý; Bồi dưỡng đội ngũ giảng viên; Đổi mới cơ chế, chính sách.

    Thời gian thực hiện đề án từ năm 2018 đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

    Giải thích lý do đưa ra đề án này, Bộ GD ĐT cho rằng, mặc dù hiện nước ta đã có khoảng 24.300 tiến sỹ nhưng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ hiện công tác tại các cơ sở giáo dục ĐH còn thấp và chưa hợp lý về cơ cấu, độ tuổi, chưa cân đối giữa các ngành đào tạo. Hơn nữa, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp so với một số quốc gia trong khu vực.

    Không những chiếm tỷ lệ thấp mà chất lượng tiến sĩ ở nước ta vẫn còn nhiều tranh cãi. Bộ GD ĐT cũng thừa nhận, Việt Nam hiện có khoảng 9.000 giáo sư, phó giáo sư và trên 23.300 tiến sĩ nhưng kết quả nghiên cứu khoa học của nước ta lại thua xa với nhiều nước trong khu vực.

    Vì những lý do đó, Bộ GD-ĐT cho rằng việc đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, đặc biệt việc cử giảng viên đi đào tạo tại các trường ĐH có uy tín trên thế giới, là điều hết sức cần thiết.

    Trước đề án nêu trên của Bộ GD&ĐT, báo Dân Trí dẫn lời GS.TS Hà Huy Bằng cho rằng, nên có ràng buộc tiến sĩ sau khi bảo vệ trở lại cơ sở. Đồng thời phải có một chính sách đồng bộ, bao gồm cả chế độ đãi ngộ cán bộ khoa học và giảng viên, sử dụng đúng ngành nghề, khuyến khích và hỗ trợ phát triển chuyên môn...của cơ sở khoa học hay giáo dục.

    Hơn nữa, định hướng sắp xếp công việc cho nghiên cứu sinh sau khi đào tạo theo đúng ngành nghề, nguyện vọng của họ cũng là một vấn đề cần phải quan tâm.

    Cũng theo Dân Trí, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, hiện nay, tỷ lệ CBGD có trình độ tiến sĩ/giảng viên trong toàn ngành giáo dục đại học mới đạt khoảng 22%. Vì vậy, cần khẩn trương đào tạo đội ngũ TS để bổ sung nguồn nhân lực trình độ cao cho các trường đại học, viện nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo bậc đại học và sau đại học của Việt Nam là hết sức cần thiết.

    Việc đào tạo tiến sĩ cần chú trọng nhất vào chất lượng. Muốn vậy, phải đầu tư, tạo điều kiện làm việc và nghiên cứu khoa học cho đội ngũ cán bộ hướng dẫn và nghiên cứu sinh.

    Vi An (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/bo-gddt-de-xuat-chi-12000-ty-dong-dao-tao-9000-tien-si-dau-la-ly-do-a209184.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan