+Aa-
    Zalo

    Đề xuất cấp phép trông giữ xe dưới gầm cầu cạn: Cần tính toán những phát sinh kèm theo

    (ĐS&PL) - Việc thiếu điểm trông giữ xe ô-tô trên địa bàn Hà Nội không phải là câu chuyện mới, đã có nhiều giải pháp được thực hiện nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu khi lượng phương tiện gia tăng nhanh chóng. Đề xuất sử dụng gầm cầu cạn để trông giữ phương tiện mới đây của Bộ GTVT cũng đang thu hút được sự quan tâm của dư luận.

    Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được lấy ý kiến nhân dân, Bộ GTVT đề xuất dùng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe tạm thời, trừ phương tiện chở nhiên liệu, chất gây cháy nổ. Cơ quan soạn thảo thống nhất, gầm cầu được chọn làm nơi đỗ xe phải đáp ứng yêu cầu về điều kiện kỹ thuật an toàn, cầu có kiểm định, thử tải thường xuyên, còn tuổi thọ sử dụng.

    Cùng với đó, cơ quan soạn thảo cũng đề xuất, khi dùng gầm cầu đỗ xe, cơ quan cấp phép là UBND tỉnh, thành phố phải thiết kế, có phương án tổ chức giao thông ở điểm ra xe ra, tránh gây cản trở, ùn tắc giao thông; có chứng nhận về phòng cháy, chữa cháy, bảo vệ môi trường.

    Với chủng loại phương tiện, cơ quan soạn thảo đề nghị, các điểm đỗ xe ở gầm cầu không trông giữ xe quá niên hạn sử dụng; xe chở nhiên liệu, chất gây cháy nổ, hóa chất ăn mòn kim loại, nguy hiểm. Các bãi trông giữ xe và đơn vị quản lý bãi xe phải rời đi nếu cơ quan nhà nước yêu cầu và không được bồi thường. Khi Luật được thông qua, Chính phủ sẽ là cơ quan quy định trình tự, thủ tục chấp thuận cho các tỉnh, thành phố được dùng gầm cầu làm nơi đỗ xe tạm thời.

    Khi sử dụng tạm thời gầm cầu cạn có thời hạn làm nơi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải bảo đảm các quy định sau: Phải bảo đảm an toàn công trình đường bộ, an toàn giao thông; Có thiết kế tổ chức giao thông đấu nối nơi trông giữ xe với đường bộ trong khu vực; Được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận về biện pháp phòng cháy chữa cháy; Bảo đảm quy định về bảo vệ môi trường.

    trong xe
    Điểm trông giữ phương tiện tại gầm cầu Vĩnh Tuy.

    Theo dự thảo, điểm cao nhất của phương tiện đặt dưới gầm cầu phải cách điểm thấp nhất của dầm cầu không nhỏ hơn 1,5 m; phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải cách mố, trụ cầu một khoảng đủ để thực hiện bảo trì công trình nhưng không nhỏ hơn 1,5 m; Phạm vi trông giữ phương tiện giao thông đường bộ phải được rào chắn, trừ các vị trí cho xe ra vào.

    Dự thảo cũng nêu rõ, đơn vị có nhu cầu sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ có văn bản đề nghị, gửi cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ để kiểm tra, chấp thuận khi đáp ứng các quy định trên.

    Cơ quan được giao quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan Công an trước khi chấp thuận việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện giao thông đường bộ.

    Đơn vị sử dụng tạm thời gầm cầu để trông giữ phương tiện giao thông phải di chuyển ra khỏi phạm vi gầm cầu khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chủ sở hữu hoặc tổ chức, cá nhân được giao quản lý, khai thác công trình đường bộ mà không được yêu cầu bồi thường.

    Trường hợp sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ phương tiện giao thông đường bộ có thu phí, giá thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục chấp thuận sử dụng tạm thời gầm cầu vào việc trông giữ phương tiện giao thông đường bộ.

    Theo cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đường bộ. Đây cũng là điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ hiện hành, quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt.

    nguyen van thanh 18 2053311
    Chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh.

    Trao đổi với PV ĐS&PL về vấn đề này, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng việc trông giữ xe dưới gầm cầu cạn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ và gây áp lực giao thông trên tuyến đường, nhất là giờ cao điểm.

    Ông Thanh cho biết: “Việc cấp phép trông giữ xe dưới gầm cầu sẽ phát sinh thêm nhiều vấn đề, ngoài việc bảo vệ kết cấu cầu thì bảo vệ phương tiện thế nào, bố trí phân luồng giao thông như nào cũng là vấn đề cơ quan soạn thảo phải quan tâm, làm rõ. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM thiếu chỗ đỗ xe, thay vì tận dụng gầm cầu, chính quyền thành phố cần quy hoạch, xây dựng bãi đỗ trên cao, dưới mặt đất để phục vụ người dân và sử dụng đúng mục đích công trình”.

    Có một thực tế là các đô thị nói chung và tại Hà Nội nói riêng đang có không ít dự án treo nhiều năm nay, chính quyền có thể thu hồi hoặc cấp phép để làm bãi xe tạm. Việc này vừa giải quyết nhu cầu đỗ xe của người dân, vừa tránh lãng phí.

    "Chính quyền có thể cho phép trông giữ xe tại một số gầm cầu cạn tại khu vực có nhu cầu lớn, đảm bảo an toàn, giao thông nhưng đây chỉ là trường hợp bất đắc dĩ, là phương án tạm thời, còn việc đưa nội dung này vào luật thì không phù hợp", ông Thanh nhấn mạnh.

    Còn nhớ trước đó, UBND TP.Hà Nội kiến nghị Bộ GTVT điều chỉnh một số điều của thông tư số 35, cho phép thành phố được tiếp tục tổ chức trông giữ phương tiện dưới gầm cầu trên địa bàn đến hết năm 2023.

    Theo Sở GTVT TP Hà Nội, 4 bãi trông giữ xe dưới gầm cầu Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng, Chương Dương và Mai Dịch đang đảm nhận hàng chục nghìn phương tiện mỗi ngày.

    Phản hồi lại đề xuất trên, Bộ GTVT cho rằng Luật Giao thông đường bộ quy định người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trên cầu, gầm cầu vượt.

    Nghị định 11 về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ cũng ghi rõ: Không được sử dụng đất dành cho đường bộ làm nơi ở, hoạt động kinh doanh dịch vụ.

    Do đó, Bộ GTVT cho rằng, việc tiếp tục cho phép sử dụng gầm cầu vượt để làm điểm trông giữ xe và sửa đổi một số điều của thông tư 35 theo đề nghị của UBND TP Hà Nội là không có cơ sở pháp lý.

    Nguyễn Lâm

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-cap-phep-trong-giu-xe-duoi-gam-cau-can-can-tinh-toan-nhung-phat-sinh-kem-theo-a583429.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Đề xuất mới về 4 trường hợp CSGT được dừng xe

    Đề xuất mới về 4 trường hợp CSGT được dừng xe

    Trong Dự thảo luật mới, những trường hợp Cảnh sát giao thông được dừng xe có nhiều điểm mới như việc dừng xe để phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống dịch bệnh; có “tố giác” về tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật;…