+Aa-
    Zalo

    Đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy để quản lý bằng mã số định danh: "Quyền năng" sổ hộ khẩu sắp được thay áo mới?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Hiện nay, việc quản lý hộ khẩu đang được chuyển đổi từ phương thức cũ, truyền thống sang áp dụng các công nghệ tiến bộ (cấp mã số định danh).

    Hiện nay, việc quản lý hộ khẩu cũng đang được chuyển đổi từ phương thức cũ, truyền thống sang áp dụng các công nghệ tiến bộ (cấp mã số định danh) thì việc bỏ sổ hộ khẩu là điều tất yếu?

    Xu thế tất yếu

    Bộ Công an đang lấy ý kiến hoàn thiện Dự thảo lần 2 sửa đổi luật Cư trú, trong đó đề xuất bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú trên sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, thay thế bằng hình thức quản lý qua mã số định danh cá nhân và cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú (sổ hộ khẩu điện tử).

    Theo phương án này, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin địa điểm thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú. Đây đang được cho là "cú đấm thép" nhằm loại bỏ các nhóm lợi ích trục lợi từ sổ hộ khẩu hoặc các "quyền năng" không đáng có từ cuốn sổ gắn với người dân nhiều năm nay.

    Các đối tượng trục lợi từ sổ hộ khẩu có đủ chiêu trò để tìm cách nhập khẩu cho người có nhu cầu. Ví như nhập khẩu ghép vào nhà của người dân, sau đó tách sổ riêng cho người yêu cầu. Hoặc nhận làm người thân, quan hệ họ hàng để nhập khẩu...

    Thậm chí vì "quyền năng" của nó còn có tình trạng làm sổ hộ khẩu giả, tùy theo mức độ thực hiện mà có độ tinh vi khác nhau và nhiều sổ được làm giống như thật, mắt thường rất khó phân biệt để thực hiện các hành vi nhằm trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Trong Tờ trình do sở Xây dựng và Công an TP.HCM xây dựng về ban hành quy định diện tích sàn tối thiểu để nhập khẩu/người trước đây đã nhận định: "Trong thời gian vừa qua, có nhiều trường hợp lạm dụng quy định về hộ khẩu làm hạn chế quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, như: Cho người khác nhập hộ khẩu vào sổ hộ khẩu, chỗ ở của mình để trục lợi. Hoặc cho nhập hộ khẩu vào cùng một chỗ ở (trong đó có chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân), nhưng không đảm bảo diện tích sàn tối thiểu trên đầu người theo quy định".

    Đề xuất bỏ sổ hộ khẩu giấy để quản lý bằng mã số định danh. Ảnh minh họa

    Thống kê của Công an TP.HCM, đến năm 2018, người dân đứng tên giúp hoặc nhờ người khác để nhập hộ khẩu là rất lớn, với trên 43.000 người sống ở quận này nhưng đăng ký hộ khẩu thường trú ở chỗ thuê, mượn, ở nhờ tại quận khác. Bên cạnh đó, có khoảng 45.000 người từ các tỉnh thành khác đến đăng ký hộ khẩu vào chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ tại TP.HCM. Rồi từ trước đến nay, đã có hàng loạt đề xuất liên quan đến hộ khẩu nhằm áp vào quản lý hành chính – xã hội. Điển hình như tại TP.HCM, đã đưa ra đề xuất nâng diện tích sàn tối thiểu để nhập khẩu là 20m2 /người, trong đó, có mục tiêu là nhằm ngăn ngừa các hành vi trục lợi từ chỗ ở. Hay như, cách đây chưa lâu, tổng hội Xây dựng Việt Nam có đề xuất chỉ bán nhà ở khu vực nội đô Hà Nội cho người có hộ khẩu tại phường, quận có dự án. Điều này được lý giải là để nhằm hạn chế tăng dân số cơ học vào nội đô. Tuy nhiên đề xuất này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ dư luận cũng như những người có nhu cầu mua nhà, đặc biệt là ở các đô thị lớn trên cả nước. Thậm chí, một số ý kiến còn nhận định, việc lạm dụng quy định về hộ khẩu để hạn chế quyền và lợi ích hợp pháp của công dân là hành vi bị cấm và đi ngược lại xu thế của sự phát triển.

    Bàn về việc áp hộ khẩu vào quản lý hành chính, chuyên gia đô thị học Nguyễn Văn Thái cho rằng: "Thực chất, đây là biện pháp dùng công cụ hành chính can thiệp quá sâu nhưng lại không giải quyết được vấn đề, dẫn tới nhiêu khê và thủ tục hành chính rườm rà. Thậm chí còn kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực, tăng thêm quyền năng cho hộ khẩu giấy". Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc bám víu vào hộ khẩu để can thiệp vào việc quản lý hành chính đối với việc nhập cư và hạ tầng đô thị - kỹ thuật và các vấn đề dân sinh khác là đi ngược lại xu thế của sự phát triển.

    "Thực tế Việt Nam đang là một trong những quốc gia khởi động mạnh mẽ cuộc cách mạng công nghiệp số, trong đó, Chính phủ điện tử là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Do đó, hiện nay việc quản lý hộ khẩu cũng đang được chuyển đổi từ phương thức cũ, truyền thống sang áp dụng các công nghệ tiến bộ (cấp mã số định danh) thì việc bỏ sổ hộ khẩu là điều tất yếu", ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc một doanh nghiệp số tại TP.HCM nêu quan điểm.

    Tiếng nói "người trong cuộc"

    Ở góc độ người dân, rất nhiều ý kiến được hỏi đều đồng tình với việc bãi bỏ sổ hộ khẩu giấy. "Mong rằng, quy định này sớm đưa vào triển khai để giảm bớt các phiền hà về thủ tục hành chính, mang lại tiện ích nhanh chóng và sự thuận lợi cho người dân. Đó là điều ai cũng mong muốn, hơn nữa, nó phù hợp sự phát triển, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ số dần len lỏi vào đời sống hàng ngày của người dân Việt Nam", ông Trần Anh Tài, ngụ quận 2 (TP.HCM) chia sẻ.

    Từ đó, nhiều chuyên gia cho rằng, chừng nào bỏ hộ khẩu thì mới mong chấm dứt tình trạng "chạy", trục lợi từ hộ khẩu và trút bỏ gánh nặng cho xã hội. Song song đó, nó cũng mang lại những tiện lợi rất lớn cho người dân, giảm bớt chi phí và phù hợp với xu thế phát triển trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ số đang phát triển như vũ bão.

     "Tôi cho rằng, việc quản lý cư trú theo hướng bỏ hộ khẩu giấy, thay bằng hộ khẩu điện tử là đảm bảo được sự minh bạch, công khai, đặc biệt là đơn giản hóa giấy tờ, xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà. Đồng thời, nó sẽ tước bỏ được bao nhiêu gánh nặng cho người dân thời gian qua, nhất là góp phần hạn chế sự sách nhiễu, lạm quyền trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến sổ hộ khẩu", ông Thái nói thêm.

    Tương tự, TS. Nguyễn Văn Thắng, trường đại học Công nghệ TP.HCM cũng cho rằng: "Việc bỏ hộ khẩu giấy là cần thiết, giảm bớt gánh nặng cho xã hội. Thêm vào đó, việc xây dựng và tạo nên một cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân sẽ giúp cho Chính phủ và các cơ quan liên quan có được cơ sở dữ liệu đầy đủ. Từ đó, có thể thực hiện các công việc quản lý Nhà nước chính xác, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và đơn giản được các thủ tục liên quan đến công dân.

    Tôi lấy ví dụ rõ nhất là việc chúng ta phải đi điều tra, thống kê dân số thì ngày nay, việc cấp mã số định danh sẽ bỏ được công đoạn này, tốn rất nhiều nhân lực, chi phí. Không chỉ thế, từ đó, Chính phủ có thể đưa ra các dự báo, xây dựng các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với mật độ dân số, độ tuổi phù hợp và chính xác hơn".

    Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bộ Công an và các cơ quan liên quan cần phải có các phương án để đảm bảo sự an toàn và tính bảo mật thông tin của người dân. "Bởi, ai cũng biết an toàn, an ninh mạng đang là vấn đề thách thức toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Do đó, việc xây dựng sổ khẩu điện tử là phải tính đến sự an toàn và bảo mật thông tin cá nhân, để người dân yên tâm hơn. Vì tất cả thông tin cá nhân của người dân đều có từ sổ hộ khẩu điện tử, vì vậy, việc đảm bảo thông tin cá nhân được bảo mật là yêu cầu đặt ra rất lớn", ông Hiền khuyến nghị thêm.

    Chí Thanh
    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 32
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-xuat-bo-so-ho-khau-giay-de-quan-ly-bang-ma-so-dinh-danh-quyen-nang-so-ho-khau-sap-duoc-thay-ao-moi-a313453.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan