Đề xuất áp thuế GTGT 5% với phân bón
Theo báo Vietnamnet, tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (VAT) đang lấy ý kiến, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất 5% với mặt hàng phân bón thay vì không chịu thuế như hiện tại.
Theo cơ quan này, phần lớn phân bón nhập vào Việt Nam được các nước xuất khẩu xếp vào diện chịu thuế VAT, nên doanh nghiệp của họ được hoàn thuế đầu vào và có điều kiện hạ giá bán.
"Điều này gây bất lợi khi cạnh tranh với phân bón nhập khẩu", Bộ Tài chính nêu.
Trong khi đó, Nhà nước mất nguồn thu ngân sách do không thu được thuế VAT ở khâu nhập khẩu trong khi thuế nhập khẩu vốn rất thấp hoặc đã về 0%. Còn nông dân phải mua giá cao do các nhà sản xuất trong nước đẩy một phần chi phí thuế vào giá thành.
Bộ này cho biết, các doanh nghiệp phân bón, Bộ Công Thương, Hiệp hội phân bón và đại biểu Quốc hội tại nhiều tỉnh, thành cũng phản ánh khó khăn trên và đề nghị chuyển mặt hàng này sang đối tượng chịu thuế VAT 5%.
Nếu đề xuất tại dự thảo lần này được thông qua, người tiêu dùng mua phân bón sẽ chịu thêm khoản thuế VAT 5%. Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, giá bán của các mặt hàng này được định giá theo cung - cầu thị trường, việc tính thuế ngược lại có thể giúp người tiêu dùng hưởng lợi.
Bộ phân tích, hàng hóa, dịch vụ mua vào không chịu thuế hoặc thuế suất 5-10%, nếu tính VAT đầu ra là 5% thì doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước không phải nộp thuế này. Tức là, số thuế đầu vào được khấu trừ với đầu ra, hoặc hoàn thuế. Do đó, giá thành sản xuất phân bón được giảm xuống, hàng hóa sản xuất trong nước có thêm điều kiện cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu, theo Bộ Tài chính.
Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng do được khấu trừ VAT, doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, có thêm nguồn lực mở rộng đầu tư, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá bán. Theo đó, người tiêu dùng chọn hàng hóa trong nước sẽ hưởng lợi từ chính sách này.
Mặt khác, Bộ Tài chính dẫn báo cáo tài chính của 5 công ty sản xuất phân bón lớn nhất cho biết, tổng doanh thu năm 2022 của các doanh nghiệp này gần 48.000 tỷ đồng. Nếu áp thuế suất 5%, số thuế VAT đầu ra gần 2.400 tỷ đồng.
Chẳng hạn, Công ty cổ phần DAP số 2 – Vinachem còn 200 tỷ đồng thuế VAT không được khấu trừ, sẽ phải nộp ngân sách. Với giả thiết các công ty khác cũng như DAP số 2 – Vinachem, số thu ngân sách nhà nước dự kiến sẽ tăng khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp dẫn lời TS Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, quy định áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 5% đối với phân bón sẽ tạo sân chơi công bằng giữa nhà sản xuất trong nước và nhập khẩu. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng bình đẳng hơn khi tham gia đấu thầu quốc tế. Mặt khác, điều chỉnh thuế sẽ giúp hạ giá phân bón, tạo điều kiện cho đầu tư vào các dự án chất lượng cao, thế hệ mới.
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Văn Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Phân đạm và hoá chất Hà Bắc nhận định, việc áp dụng thuế GTGT 5% sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, giúp giảm giá thành và tăng sức cạnh tranh của sản phẩm.
Ý kiến trái chiều
Tuy nhiên, theo báo Thanh niên, vẫn có một số cơ quan bày tỏ lo ngại việc áp dụng thuế VAT đối với phân bón tuy có lợi cho doanh nghiệp sản xuất nhưng sẽ có thể làm giá mặt hàng này tăng, gây khó cho người nông dân - đối tượng sử dụng sản phẩm.
Điển hình, TP.Cần Thơ đề nghị giữ nguyên quy định như hiện hành về việc phân bón không chịu thuế VAT. Theo đó, nếu đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế VAT, trước mắt sẽ giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón.
Ngược lại, những người trực tiếp làm nông nghiệp và sống bằng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp sẽ đối mặt với khó khăn, vì khi phân bón chịu thuế VAT thì giá thành của phân bón sẽ tăng, làm tăng chi phí, tăng giá thành, giảm lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng tới đời sống người nông dân.
Bộ Tài chính nhận định, việc đưa phân bón vào nhóm chịu thuế VAT sẽ giúp giảm giá thành phân bón do doanh nghiệp sản xuất được khấu trừ thuế VAT đầu vào. Nhưng theo TP.Cần Thơ, "đó là trên lý thuyết, thực tế ít có mặt hàng nào từ không chịu thuế VAT chuyển sang chịu thuế VAT (thuế suất 5%) mà giá bán trên thị trường không tăng".
Cùng cho ý kiến, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhận định, để giảm áp lực cho nông dân trong bối cảnh dịch bệnh và giá phân bón tăng cao, giá nông thủy sản thấp như thời gian qua, Bộ Tài chính cần đánh giá kỹ tác động với người nông dân và cân nhắc mức thuế suất VAT cho phù hợp.
Tương tự, TP.HCM cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính, nhưng cho rằng phân bón là đầu vào của hoạt động sản xuất nông nghiệp nên khi mặt hàng này chuyển sang chịu thuế VAT sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới giá tiêu thụ của sản phẩm nông nghiệp (đầu ra không chịu thuế VAT nên không được khấu trừ). Vì vậy, Bộ Tài chính cần cân nhắc nội dung này.
Vân Anh(T/h)