+Aa-
    Zalo

    Đề thi minh họa THPT quốc gia 2020 môn Địa lý, Ngữ Văn dễ hay khó?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đề thi minh họa kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 môn Ngữ văn được đánh giá không vượt ngoài nội dung chương trình đã được bộ GD&ĐT điều chỉnh.

    Đề thi minh họa kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 môn Ngữ văn được đánh giá không vượt ngoài nội dung chương trình đã được bộ GD&ĐT điều chỉnh. Trong khí đó, đề thi minh họa môn Địa lý năm nay được nhận định có “bất ngờ lớn” dành cho các thí sinh.

    Nhận xét về đề thi minh họa môn Địa lý năm nay, thầy giáo Đàm Thanh Tùng, tác giả cuốn sách “Xử lý nhanh trắc nghiệm Địa lý thi THPT Quốc gia” đánh giá: “Trước hết, về phần Kỹ năng biểu đồ và bảng số liệu, so sánh với đề thi chính thức kỳ thi THPT Quốc gia 2019, nhận thấy, phần Atlat tăng thêm một câu so với năm trước, phần biểu đồ và bảng số liệu vẫn như vậy. Trong đó, có hai câu thuộc phần kiến thức Địa lý lớp 11, bài Đông Nam Á.

    Về phần Lý thuyết, có một điểm khác biệt so với đề thi năm trước, đó là, câu hỏi vận dụng và vận dụng cao “phủ đều” các phần của kiến thức Địa lý Tự nhiên, Địa lý Dân cư, Địa lý Ngành kinh tế và Địa lý Vùng kinh tế. Điểm khác so với đề thi chính thức năm 2019 chính là, trong khi đề năm 2019, nội dung kiến thức thuộc phần Tự nhiên và Dân cư chỉ ở mức độ nhận biết và thông hiểu, thì năm nay, phần câu hỏi vận dụng, vận dụng cao lại trải đều ở tất các phần.

    Có thể do học kỳ II năm nay không được ổn định như năm trước, nên câu hỏi vận dụng và vận dụng cao phân bố cả ở nội dung kiến thức học kỳ I. Đề thi năm ngoài có 7 câu thuộc kiến thức học kỳ I, năm nay đã tăng lên 11 câu. Kiến thức học kỳ II năm nay giảm hơn, chiếm 13 câu. Cũng vì thế, nội dung kiến thức Ngành kinh tế và Vùng kinh tế trong đề thi năm nay nhẹ nhàng hơn.

    Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh hoạ kỳ thi THPT quốc gia 2020 - Ảnh minh họa

    Kiến thức Vùng kinh tế năm ngoái 9 câu thì chỉ còn 7 câu, do bộ GD&ĐT đã công bố chương trình giảm tải có nội dung của phần kiến thức Vùng kinh tế.

    Theo thầy Đàm Thanh Tùng, những câu hỏi thuộc nội dung chương trình học kỳ II lớp 12 đa số chỉ ở mức độ vận dụng thấp; còn nội dung học kỳ I thì chiếm khá nhiều.

    Theo đánh giá của thầy giáo trẻ, phần Tự nhiên, đề thi minh họa năm nay khó hơn đề thi chính thức năm ngoái; nhưng phần Vùng kinh tế và Ngành kinh tế, đề thi minh họa năm nay lại dễ hơn rất nhiều; linh hoạt giữa các phần. Nhìn chung, xét tổng thể giữa các phần, số lượng câu hỏi nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp chiếm nhiều hơn so với đề thi chính thức năm 2019.

    “Một điểm bất ngờ đối với các thí sinh, trong phần Lý thuyết, không có một câu hỏi nào thuộc chương trình lớp 11. Có 2 câu về biểu đồ, bảng số liệu. Phần thực hành năm nay tăng thêm 1 câu so với năm trước”, tác giả cuốn sách “Xử lý nhanh trắc nghiệm Địa lý thi THPT Quốc gia” bật mí.

    “Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhắn nhủ đến các em học sinh một lưu ý nhỏ, có những năm đề tham khảo chỉ mang tính chất tham khảo và định hướng chủ đề ôn tập; không có nghĩa là sẽ “đóng đinh” câu hỏi trong đề thi chính thức vào bài đó như trong đề thi tham khảo, cần có sự linh hoạt, tránh tình trạng “học tủ”, thầy Tùng nhấn mạnh.

    Bên cạnh đó, hệ thống giáo dục nổi tiếng cũng đưa ra nhận định cho đề thi minh hoạ Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia 2020.

    Theo đó, đề minh họa cho kỳ thi THPT quốc gia 2020 môn Ngữ văn nhìn chung không có thay đổi so với đề thi THPT quốc gia các năm trước. Các đơn vị kiến thức và kĩ năng được kiểm tra không vượt ra ngoài nội dung chương trình được điều chỉnh theo hướng tinh giản mà Bộ GD&ĐT mới công bố gần đây.

    Cấu trúc đề vẫn gồm hai phần, đó là phần Đọc hiểu (3 điểm) và Làm văn (7 điểm).

    Câu hỏi Đọc hiểu gồm ngữ liệu đọc hiểu nằm ngoài sách giáo khoa cùng 4 câu hỏi đọc hiểu theo các mức độ: nhận biết/ thông hiểu/ vận dụng và vận dụng cao. Đó là những dạng câu hỏi quen thuộc với học trò từ nhiều năm nay.

    Phần Làm văn, câu Nghị luận xã hội (2 điểm) với yêu cầu viết một đoạn văn khoảng 200 chữ, nội dung nghị luận là vấn đề có quan hệ hữu cơ với nội dung trong ngữ liệu đọc hiểu – đó cũng là kiểu dạng câu hỏi từ năm 2016.

    Câu nghị luận văn học yêu cầu nêu “Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị tromg đêm mùa xuân ở Hồng Ngài ( Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)” – thứ nhất, đây là phần kiến thức trong chương trình Học kì 2 lớp 12, không ra ngoài nội dung tinh giản của Bộ GD&ĐT; thứ hai, đây là đơn vị kiến thức nhỏ, phù hợp với dung lượng bài văn 5 điểm trong thời lượng đề thi 120’; cũng là kiểu dạng bài nghị luận quen thuộc với học trò mấy năm gần đây.

    Nhìn chung, nếu đề thi Ngữ văn trong kì thi THPTQG năm 2020 bám sát mô hình đề minh họa, học trò sẽ rất thuận lợi về tâm thế cũng như kiến thức, kĩ năng đã được ôn luyện. Tuy nhiên, cũng muốn nêu một đề xuất không nhỏ - đó là trong đề thi chính thức, đề nghị Ban ra đề lưu tâm việc diễn đạt chặt chẽ hơn các câu lệnh, tránh gây hoang mang cho học trò.

    Ví dụ câu Nghị luận xã hội trong đề thi minh họa, khi yêu cầu: “Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ( khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường”, học sinh sẽ băn khoăn trong quá trình triển khai hệ thống ý nghị luận, vì đây thực chất là yêu cầu nghị luận cho một bài văn, không phải cho đoạn văn.

    Các trò sẽ yên tâm hơn nếu đề bài xác định rõ là “…trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa/ hiệu ứng/ tầm quan trọng/ những hành động nhỏ làm nên người anh hùng giữa đời thường”…

    Cự Giải(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/de-thi-minh-hoa-thpt-quoc-gia-2020-mon-dia-ly-ngu-van-de-hay-kho-a318215.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan