Thông tin trên Tri thức trực tuyến, mới đây, một tài khoản mạng xã hội đã đăng tải bài viết tố đề thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Theo đó, người này cho rằng đề thi năm nay có sự trùng lặp giữa các đợt, thậm chí chỉ thay đổi khoảng 30% số câu.
"Cụ thể, một bạn thi cả đợt 302 và 304 thì sẽ thấy đề văn khá giống hệt nhau, bài văn vẫn y hệt đề cũ, chỉ có thay đổi một vài câu hỏi ở dưới. Từ đó, một số trung tâm luyện thi biết được điều này nên đăng ký để nhân viên của mình đi thi. Nhân viên đi thi sẽ học thuộc đề và quay trở lại bày cho các học sinh của mình học thuộc đáp án để thi vào các đợt sau", bài viết chia sẻ.
Người này cho rằng đây là kỳ thi lớn của một đại học uy tín, kết quả thi dùng để xét tuyển đại học nhưng đề thi tương tự nhau sẽ thiệt thòi và thiếu công bằng cho các thí sinh thi thi đợt trước. Chính vì vậy, người này yêu cầu ban tổ chức xem xét lại đề thi, hạn chế tiêu cực xảy ra.
Liên quan đến vấn đề này, tối 26/4, VTC News dẫn lời GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm khảo thí (ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, những thông tin trên không chính xác. Mức độ lặp lại của các câu hỏi, dữ liệu qua các lần tổ chức thi đánh giá năng lực luôn dưới 0,5%, vì máy tính làm việc khách quan quét từ ngân hàng dữ liệu đề thi.
Ông cho biết, với gần 44.000 thí sinh dự thi trong 4 đợt đầu năm 2023 đến nay, tỷ lệ xác suất trùng lặp tuyệt đối dữ liệu câu hỏi là vô cùng thấp. Trừ các câu hỏi đã bị khóa không sử dụng, các câu hỏi chuẩn hóa đều được phân bố, sử dụng sao cho tỷ lệ lặp lại là thấp nhất có thể trong phạm vi sai số của khoa học đo lường.
Lãnh đạo Trung tâm khảo thí cho hay, qua xác minh thông tin tố cáo, nhà trường nhận thấy điểm chung của những phản ánh về đề thi đều là tài khoản Facebook ảo. Trong đó có một số nhóm luyện thi lập tài khoản ảo nhằm lôi kéo thí sinh, giả danh thí sinh vừa thi đạt 126/150 điểm. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm này Đại học Quốc gia Hà Nội không có thí sinh nào đạt điểm 126.
Ông Thảo cũng cho biết, đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những thông tin gây nhiễu loạn kỳ thi. Đơn vị từng phát hiện một số trường hợp giả làm thí sinh tham gia dự thi để sao chép, đưa đề thi ra ngoài ôn luyện hoặc đăng tải trên mạng xã hội. Ngay khi phát hiện, đơn vị đã yêu cầu công an xử lý, đồng thời rà soát, rút toàn bộ các câu hỏi có nội dung tương tự giống trên 50% bị tuồn ra ngoài.
Một số thí sinh từng đăng lên mạng xã hội đồn đoán về các câu hỏi nằm trong cùng một tác phẩm văn học… Thực chất những câu hỏi, dữ liệu này không nằm ngân hàng đề thi hiện nay. "Nếu thí sinh không tỉnh táo sẽ bị các tài khoản ảo này kéo vào ma trận luyện thi", ông Thảo nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thảo, một ngữ liệu tác phẩm văn học nào đó trong đề thi lặp lại không có nghĩa là câu hỏi lặp lại. Tác phẩm văn học chỉ là ngữ cảnh, chất liệu để xây dựng câu hỏi. Thí sinh có thể gặp lại một tác phẩm văn học, nhưng các câu hỏi sẽ là khác nhau.
Do vậy, khi thí sinh gặp lại một tác phẩm văn học tương tự lần thi trước, nhưng các câu hỏi sẽ là khác nhau. Điều này minh chứng cho kết quả nhiều thí sinh thi liên tiếp hai lần nhưng điểm bài thi vẫn không thay đổi, mặc dầu “cảm tưởng” là câu hỏi lặp lại nhưng thực chất là tác phẩm lặp lại mà thôi. Việc này không xuất hiện ở các phần câu hỏi thuộc lĩnh vực Toán học hay Khoa học.
Thủy Tiên (T/h)