Ngày 1/3, bộ Giáo dục và đào tạo đã công bố đề thi tham khảo nhằm định hướng ôn tập cho học sinh chuẩn bị tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Đáp án, đề thi tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Địa lý tại đây
Đáp án, đề thi tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2023 môn Lịch sử tại đây
Đáp án, đề thi tham khảo thi tốt nghiệp THPT 2023 môn GDCD tại đây
Dưới đây là nhận định của Tổ Xã hội - Hệ thống giáo dục HOCMAI về đề thi tham khảo:
Môn Lịch sử
So với đề thi chính thức năm 2022, đề thi tham khảo năm 2023 có độ khó tương đương, nội dung đề thi không có nhiều biến động. 90% tổng số câu hỏi trong đề thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11 - tăng 1 câu so với đề thi tốt nghiệp năm 2022 bao gồm cả câu hỏi phần lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.
Đề thi có tỉ lệ câu hỏi Nhận biết, Thông hiểu so với Vận dụng, Vận dụng cao tương đương đề thi chính thức năm 2022. 80% câu hỏi Nhận biết, Thông hiểu thuộc những kiến thức cơ bản. Các phương án lựa chọn của câu hỏi nhận biết độ nhiễu không cao, học sinh dễ dàng chọn được đáp án đúng. Bên cạnh đó, đề thi vẫn xuất hiện dạng câu hỏi liên quan đến xác định vị trí của quốc gia, hoặc phong trào cách mạng (liên quan đến kiến thức Địa lí) ví dụ câu 12, câu 20.
20% câu hỏi thuộc phần Vận dụng – Vận dụng cao, rải đều ở các chuyên đề lịch sử Việt Nam từ 1919 đến 1975, không có câu hỏi thuộc phần lịch sử thế giới. Những câu hỏi chủ yếu xoay quanh dạng bài so sánh (câu 32, 35, 40), liên chuyên đề, liên hệ kiến thức lịch sử thế giới - lịch sử Việt Nam hoặc nhận xét, tổng kết cả giai đoạn lịch sử để tìm ra điểm đặc trưng hoặc bản chất sự kiện(câu 34).
Môn Địa lý
Đề thi nằm hoàn toàn trong chương trình lớp 12, không có câu hỏi lý thuyết thuộc nội dung kiến thức 11 nhưng có 2 câu thực hành kĩ năng bảng số liệu và biểu đồ lấy số liệu từ lớp 11. Tỉ lệ câu hỏi lý thuyết /thực hành là 52,5%/47,5%. Đề thi có cấu trúc và độ khó tương đương với đề thi tốt nghiệp năm 2022. Tỉ lệ câu hỏi Nhận biết, Thông hiểu/Vận dụng và Vận dụng cao là 75% - 25%. Trong phần câu hỏi Nhận biết, có 15 câu sử dụng Atlat. 25% câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng – Vận dụng cao tập trung ở các chuyên đề Địa lý tự nhiên, Địa lí các vùng kinh tế và Địa lý ngành kinh tế. Đối với phần thực hành kĩ năng Địa lý, điểm mới là những câu hỏi sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam năm nay đề bài không ghi rõ số trang mà ghi tên trang Atlat học sinh cần sử dụng, với điểm mới này, để khai thác tốt và nhanh tài liệu này học sinh cần nắm chắc mỗi trang Atlat thể hiện nội dung gì. Phần biểu đồ và bảng số liệu không có dạng bài mới, học sinh vẫn phải có kĩ năng tính toán cơ bản để nhận xét biểu đồ và bảng số liệu. Ngoài ra, thí sinh cần nắm vững đặc trưng của các dạng biểu đồ để nhận dạng và gọi tên chính xác biểu đồ.
Các câu 74, 75, 76, 78 là những câu hỏi khó do đi sâu khai thác một vấn đề nhỏ, các phương án có độ nhiễu cao dễ gây nhầm lẫn. Nhìn chung, mức độ câu hỏi tương đương đề thi chính thức năm 2022. Đề thi không xuất hiện dạng câu hỏi so sánh, không có câu hỏi mang tính thời sự.
Môn Giáo dục công dân
Đề thi có độ khó cao hơn so với đề thi tốt nghiệp năm 2022 do độ nhiễu của các phương án lựa chọn phức tạp hơn và tang tỉ lệ câu hỏi thông hiểu (tăng 10%). Đề thi không xuất hiện dạng bài hay nội dung kiến thức mới. Trong đề, 90% tổng số câu hỏi thuộc kiến thức lớp 12 và 10% câu hỏi thuộc lớp 11. 75% câu hỏi trong đề thuộc mức độ Nhận biết – Thông hiểu. Thí sinh chỉ cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa là có thể đạt điểm 7 – 8 điểm.
25% câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng và Vận dụng cao rải đều ở các chuyên đề lớp 12, đây là những câu hỏi liên hệ thực tế, dạng bài không có điểm mới so với đề thi năm 2022. Đặc biệt, các câu hỏi cực khó: 113, 114, 116, 120 là những câu hỏi tình huống phức tạp, nhiều tình tiết, nhiều nhân vật, yêu cầu kết hợp nhiều kiến thức, độ nhiễu cao. Thí sinh phải nắm chắc kiến thức lí thuyết và phân tích từng chi tiết của tình huống để tìm ra câu trả lời.
Mộc Miên