Ngày 20/8, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an TP.HCM kết thúc điều tra, chuyển Viện kiểm sát, đề nghị truy tố ông Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM) và 9 bị can - cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí” theo Điều 219 BLHS.
9 bị can bị đề nghị truy tố cùng ông Cang gồm: Trần Công Thiện (cựu tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và xây dựng Tân Thuận), Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐTV công ty Tân Thuận), Trần Tấn Hải (cựu Phó tổng giám đốc công ty Tân Thuận), Nguyễn Thị Ngọc Bích (cựu kế toán trưởng), Nguyễn Hoàng Việt (cựu kiểm soát viên) Nguyễn Xuân Tùng (cựu Trưởng phòng Kinh doanh tổng hợp) và Phạm Văn Thông (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy), Huỳnh Phước Long (cựu Trưởng phòng quản lý đầu tư kinh doanh vốn, Văn phòng Thành ủy), Phan Thanh Tân (cựu Phó chánh Văn phòng Thành ủy).
Các bị can bị đề nghị truy tố do liên quan tới sai phạm chuyển nhượng 32 ha đất ở xã Phước Kiển, Nhà Bè và 169.229m2 đất của Dự án khu dân cư Ven Sông Tân Phong, quận 7 từ Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận (Công ty Tân Thuận) cho Công ty Quốc Cường Gia Lai. Việc chuyển nhượng đất không qua đấu giá trái với quy định gây thất thoát số tiền rất lớn cho nhà nước.
Theo cơ quan điều tra, ngày 14/9/2018, Thanh tra TP.HCM ban hành kết luận về dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình đầu tư chuyển nhượng tại dự án khu dân cư Ven sông và khu dân cư Phước Kiển do công ty Tân Thuận làm chủ đầu tư.
Ngày 2/10/2018 Thanh tra có công văn chuyển hồ sơ và kết luận thanh tra cho công an để tiến hành điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Kết quả điều tra xác định Công ty Tân Thuận được thành lập từ việc sáp nhập hai doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là Công ty kho vận Nhà Bè và Công ty xây dựng phát triển nhà Nhà Bè, đổi tên thành Công ty đầu tư xây dựng Tân Thuận thuộc Ban Tài chính Quản trị Thành ủy TP.HCM nay là Văn phòng Thành ủy làm chủ sở hữu vốn 5 tỉ đồng.
Quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh đến năm 2001, Công ty Tân Thuận đã thực hiện nâng vốn điều lệ lên 10 tỉ, năm 2005 là 35 tỉ thông qua nguồn vốn tích lũy hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.
Đến năm 2006, Công ty xây dựng nhà Bình Thạnh cũng là doanh nghiệp nhà nước được sáp nhập vào Công ty Tân Thuận tăng vốn lên 63,65 tỉ. Năm 2011, chủ sở hữu (Văn phòng Thành uỷ) cho phép Công ty Tân Thuận sử dụng tài sản tại địa chỉ 360 Bến Vân Đồn quận 4 để nâng vốn điều lệ lên 126 tỉ đồng.
Qua các lần tăng vốn, tài sản của Công ty Tân Thuận đều có nguồn gốc là tài sản của Nhà nước.
Cơ quan điều tra xác định bị can Thiện, Tổng Giám đốc, Chủ tịch hội đồng xây dựng giá, đã có hành vi tổ chức và thực hiện không đúng quy định về xây dựng giá. Việc này dẫn đến giá trị chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại khu dân cư Phước Kiển chuyển nhượng 45% trong 55% vốn góp, hoán đổi 10% vốn góp còn lại tại dự án khu dân cư Ven sông không đảm bảo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch gây thất thoát hơn 248 tỉ đồng.
Bị can Tất Thành Cang đã có hành vi không báo cáo ban thường vụ Thành ủy mà tự ý cho chủ trương để cấp dưới thực hiện chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại khu dân cư Phước Kiển với giá được xây dựng không đúng quy định dẫn đến giá tị chuyển nhượng thấp gây thất thoát gần 168 tỉ đồng.
Hoàng Yên (T/h)