Báo cáo thẩm tra về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước được trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 sáng 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đánh giá trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm là những thành tựu nổi bật, tạo tiền đề cho quá trình phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ có đánh giá, phân tích về nguyên nhân, mức độ tác động của tăng trưởng tín dụng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và làm rõ việc các ngân hàng thương mại lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn.
Báo cáo dẫn chứng lợi nhuận sau thuế của một số ngân hàng trong năm 2023 như Vietcombank là 33.054 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2022; BIDV 22.027 tỷ đồng, tăng 20%; MB 21.053 tỷ đồng, tăng 16%; VietinBank 20.044 tỷ đồng, tăng 18%...
Báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện kinh tế - xã hội trong các tháng đầu năm 2024 cũng nêu ra thị trường tài chính, tiền tệ còn tiềm ẩn rủi ro, thách thức, nợ xấu tăng tiếp tục diễn ra. Báo cáo thẩm tra dẫn số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỉ lệ nợ xấu bình quân toàn hệ thống là 4,86%, dư nợ xấu (đã trừ Ngân hàng SCB) tăng 8,7% so với cuối năm 2023.
Theo khảo sát của PV, mặc dù báo lãi lớn trong năm 2023 song các nhà băng nêu trên đều ghi nhận mức tăng mạnh về nợ xấu sau 3 tháng đầu năm 2024.
Cụ thể, theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với tổng nợ xấu là 224.146 tỷ đồng, tăng đến hơn 14% cuối năm 2023. Trong đó, số dư nợ xấu của 26/28 nhà băng đã tăng so với cuối năm rồi.
Ngân hàng có số tăng nhiều nhất là MB Bank tăng 5.489 tỷ đồng, tăng 56% so với cuối năm 2023 và BIDV tăng 4.632 tỷ đồng hay tăng 20,7%. Theo báo cáo tài chính quý I/2024 của ngân hàng MB, về chất lượng tín dụng, tính đến cuối tháng 3/2024, tổng nợ xấu của MB là gần 15.300 tỷ đồng, tăng 56% so với đầu năm. Nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) là hơn 4.038 tỷ đồng; tăng 26%. Nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) là hơn 5.207 tỷ đồng, tăng 40,5%.
Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của MBBank đã tăng gấp 2,1 lần chỉ sau 3 tháng đầu năm 2024, lên mức 6.048 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ vay theo đó tăng từ 1,6% đầu năm lên 2,49%.
Trong số các ngân hàng thuộc nhóm “Big 4”, BIDV là nhà băng “ôm” nợ xấu nhiều nhất. So với cuối năm 2023, nợ xấu tại ngân hàng tăng mạnh lên khoảng 27.000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 20,7%.
Cụ thể, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của BIDV đạt mức 15.279 tỷ đồng, tăng 17% so với số đầu năm. Trong khi nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm nhẹ xuống còn 5.374 tỷ đồng thì nợ dưới tiêu chuẩn “vọt” tăng 66%, lên mức 6.345 tỷ đồng.
Đứng thứ hai trong nhóm các ngân hàng Big 4 “ôm” nợ xấu nhiều nhất là Vietinbank. Tính đến hết quý I/2024, nợ xấu của nhà băng này ghi nhận mức 20.400 tỷ đồng. Phân tích chất lượng tín dụng cho thấy nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) của Vietinbank đã tăng lên mức 6.685 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 167%. Nợ nghi ngờ tăng 17%, lên mức 5.538 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, nợ có khả năng mất vốn giảm 13%, xuống còn
Còn tại Vietcombank, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024, tính đến hết tháng 3, nợ xấu tại ngân hàng này ở mức 15.458 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 9.417 tỷ đồng; tăng 20%. Nợ nghi ngờ và nợ dưới tiêu chuẩn lần lượt tăng 21% và 47%, lên mức 3.484 tỷ đồng và 2.557 tỷ đồng.