Cục Hàng không Việt Nam vừa có thông báo kết luận cuộc họp về kiến nghị của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với các hãng hàng không về tình hình nợ và trả nợ.
Cuộc họp do Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đỗ Hồng Cẩm chủ trì có sự tham gia của ACV, Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines và các đơn vị liên quan.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, hoạt động của ngành hàng không thời gian qua đã có những tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên những khó khăn vẫn là thách thức với sự phục hồi của toàn ngành. Đánh giá cao những sự cố gắng của các doanh nghiệp trong ngành, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn, chủ động phối hợp và hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu duy trì và phát triển hoạt động.
Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhận định các khoản công nợ giữa ACV và các hãng hàng không Việt Nam là vấn đề chịu sự điều chỉnh của các điều khoản hợp đồng và các quy định pháp luật về thương mại, dân sự hiện hành.
Trong bối cảnh tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, Cục Hàng không Việt Nam ghi nhận sự nỗ lực của các hãng hàng không Việt Nam trong việc thu xếp trả bớt nợ và tìm kiếm nguồn tài chính để thanh toán cho ACV trong thời gian qua, qua đó giảm bớt khoản nợ lũy kế của các hãng hàng không Việt Nam với ACV.
Để giải quyết những bất đồng và xử lý các nghĩa vụ thanh toán công nợ còn tồn đọng, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đề nghị ACV và các hãng hàng không Việt Nam tiếp tục chủ động và tích cực đàm phán, thỏa thuận để thống nhất phương án xử lý trên cơ sở chia sẻ rủi ro và lợi ích, bảo đảm hài hòa quyền lợi và nghĩa vụ của các bên có liên quan.
Trong đó, khuyến khích các bên thực hiện phương án khoanh nợ, giãn tiến độ trả nợ cũ và không làm phát sinh thêm nợ quá hạn mới. Đồng thời, ưu tiên thanh toán các khoản ACV thu hộ Nhà nước, bảo đảm đúng các quy định pháp luật.
Cục Hành không Việt Nam đề nghị ACV cân nhắc việc thực hiện các kiến nghị liên quan đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không trên tinh thần thiện chí, hợp tác giữa các doanh nghiệp, đồng hành, chia sẻ lợi ích cũng như các rủi ro, cùng tầm nhìn và cùng mục tiêu vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển.
Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam giao các phòng chức năng có liên quan tiếp tục chủ động, xử lý theo thẩm quyền, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, báo cáo Bộ GTVT, Chính phủ xem xét, ban hành các chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành hàng không.
Trước đó, cuối tháng 2/2024, ACV đã có văn bản gửi Bộ GTVT thông báo thông qua quy trình và các tiêu chí để khởi kiện, dừng dịch vụ với các hãng hàng không còn nợ đọng, chưa thanh toán các khoản thu hộ cho ACV.
Đến cuối năm 2023, ACV phải trích lập dự phòng khoản thu ngắn hạn khó đòi gần 3.600 tỷ đồng từ các hãng hàng không trong nước, chiếm 40% số tiền cho vay. Đáng chú ý, phần lớn khoản nợ từ các hãng hàng không phát sinh ở giai đoạn COVID-19.
Theo đó, các dịch vụ hàng không mà ACV đang cung cấp cho các hãng hàng không bao gồm dịch vụ cất hạ cánh; phục vụ hành khách; soi chiếu an ninh hành khách, hành lý; soi chiếu an ninh hàng hóa; cho thuê quầy làm thủ tục hành khách…
Mặc dù trong năm 2023, ACV đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ, tuy nhiên kế hoạch trả nợ của các hãng hàng không vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi đơn vị cung cấp dịch vụ phải áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để tiến tới thực hiện chế tài xử lý các hãng hàng không vi phạm hợp đồng.
Cụ thể, ACV cũng xây dựng 5 tiêu chí khởi kiện, dừng cung cấp dịch vụ đối với hãng bay vi phạm để xin ý kiến của các cơ quan quản lý có thẩm quyền gồm không có kế hoạch trả nợ cho ACV; không thực hiện đúng kế hoạch trả nợ đã cam kết; kết quả kinh doanh không bị lỗ nhưng không trả nợ; có phát sinh công nợ mới trong năm 2023; có số dư nợ lớn hơn các hãng hàng không khác.
Nguyễn Lâm