+Aa-
    Zalo

    Đầu năm gặp "đệ nhất cao thủ" diệt chuột xứ Huế

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau hơn 20 năm gắn bó với công việc diệt chuột bảo vệ lúa, lão nông Trần Văn Cạn vẫn được người dân trong làng nhớ đến và mệnh danh là “đệ nhất cao thủ” diệt chuột.

    Sau hơn 20 năm gắn bó với công việc diệt chuột bảo vệ lúa, hoa màu, dù tuổi đã già nhưng lão nông Trần Văn Cạn (SN 1954), trú ở thôn Nam Phù, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền (tỉnh Thừa Thiên-Huế) vẫn được người dân trong làng nhớ đến và mệnh danh là “đệ nhất cao thủ” diệt chuột xứ Cố đô.

    Từ “máu chiến” diệt chuột thời trẻ

    Băng qua những cánh đồng lúa đang mùa gieo sạ, thi thoảng cơn gió lạnh của buổi đầu đông rít liên hồi, táp vào mặt se lạnh, chúng tôi tìm về nhà ông Trần Văn Cạn, người được bà con làm nông trong vùng mệnh danh là “đệ nhất cao thủ” diệt chuột khi ánh chiều đã đổ. 

    Vừa bước vào đầu ngõ, thấy chúng tôi, hai chú chó giữ nhà đã lao ra sủa inh ỏi thể hiện những đặc tính của giống chó săn rõ rệt. Chỉ khi ông Cạn xuất hiện, huýt sáo, hai chú chó này mới im lặng lui ra nép mình bên bờ dậu nhưng vẫn không giấu được tiếng gầm gừ và ánh mắt dõi theo những vị khách lạ mặt. 

    Trò chuyện với PV, ông Cạn mở đầu câu chuyện với giọng buồn: “Giờ sức khỏe bắt đầu yếu rồi, không còn lanh lẹ như trước mà thường xuyên săn bẫy chuột nữa. Mà chỉ thỉnh thoảng một phần vì “máu chiến” trong người, một phần vì sự phá hoại của lũ chuột, lại ra đồng cùng 2 người bạn đồng hành là 2 chú chó săn lùng sục khắp các bờ đê, ruộng lúa”.

    Cánh đồng trước mặt nhà lão Cạn là nơi đàn chuột sinh sản con đàn cháu đống, cắn phá mùa màng.

    Nói về tính “máu chiến” diệt chuột trong người, ông Cạn chia sẻ, trước đây khi bắt đầu lập gia đình, vợ chồng ông có 5 sào lúa nhưng cứ mỗi lần đến mùa lúa đổ đồng hay vừa gieo sạ xong là lại bị lũ chuột cắn phá. Nhiều lần bỏ bao công sức cày bừa, gieo hạt, chứng kiến cảnh khi lúa trổ bông lại bị đổ rạp vì bị chuột phá hoại, người ông lại “sôi máu”. Bực tức vì bao công sức đổ sông đổ bể, ông lên báo đài nghe đọc rồi tự mày mò tìm cách tiêu diệt loài gắm nhấm phá hại này. 

    Trước đây, khi người dân chưa thường xuyên dùng thuốc diệt chuột thì ông Cạn và bà con thường dùng 2 cách: Đặt bẫy và đổ nước đào hang. Thời điểm lúc còn sung sức, với các kỹ nghệ săn bẫy tuyệt đỉnh, có ngày ông Cạn bắt được khoảng 700 con. Đó là vào năm 2012, thời tiết khô hạn khiến Thừa Thiên-Huế không có lũ lớn nên chuột tràn đồng ruộng, cắn phá khắp nơi. Thời điểm ấy, để khuyến khích bà con tham gia diệt loài gặm nhấm này, hợp tác xã sẽ tiến hành thu mua mỗi đuôi chuột giá 1.000 đồng. 

    Với các kỹ năng sẵn có, ngoài để diệt trừ loại động vật phá hại này, ông Cạn cùng 2 người con trai thường xuyên săn lùng diệt chuột ngày đêm để kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi ngày 3 cha con ông Cạn diệt được từ 400-500 con chuột bằng bẫy và cả bằng gậy gộc thu về gần nửa triệu đồng. Năm nay, Thừa Thiên-Huế không có lũ lớn. Trời khô hạn, con sông Bồ với nguồn nước tưới tiêu cho các cánh đồng lúa ở xã Quảng Phú cũng tích nước ở thượng nguồn để làm thủy điện. Và cũng đã lâu, bà con Quảng Phú chưa được thấy cảnh cánh đồng lúa mênh mông biển nước. Khi nước lũ không về, những bờ ruộng, gò đồi trơ đất, trở thành nơi đào hang để lũ chuột cư trú, sinh sôi nảy nở. Mỗi một lứa, chuột cái đẻ là từ 10-15 con. 

    Với hàng trăm, hàng nghìn con chuột đến mùa sinh đẻ thì một vụ mùa lúa chúng sản sinh ra cả một “vương quốc” với con đàn cháu đống. Mà muốn kìm hãm sự sinh sản này thì ngoài sự diệt trừ của con người thì một tác động rất lớn là đến từ những cơn lũ vào mùa mưa. Nhưng một khi tiết trời khô hạn, không có lũ lớn thì càng là điều kiện thuận lợi để loài gặm nhấm phá hoại này gia tăng lực lượng. 

    Sự cô đơn ở tuổi xế chiều 

    “Người dân làm ruộng bây giờ không còn như xưa nữa. Thế hệ chúng tôi còn chăm chỉ ra đồng diệt chuột còn lứa tuổi sau này vì tốn nhiều sức lực nên không còn mặn mà cách diệt chuột bằng bẫy, bằng chó săn nữa. Mà nay người dân họ chủ yếu sử dụng thuốc diệt chuột nhiều. Cậu ra đồng mà xem, dọc bờ ruộng, những hạt thóc, đỗ đậu tẩm thuốc diệt chuột rải khắp nơi...”, lão nông Trần Văn Cạn tâm sự. 

    “Đệ nhất cao thủ” diệt chuột một thời ở xã Quảng Phú này cho hay, thuốc diệt chuột đúng là cũng có tác dụng diệt loài này. Nhưng chỉ diệt được một thời gian ngắn ban đầu vì loài chuột rất tinh ranh, dần dần rồi chúng sẽ đánh hơi, phân biệt được những thực phẩm có dính bả chuột. “Chỉ có dùng sức người, chăm chỉ đặt bẫy, săn bắt mới chủ động tiêu diệt được tận gốc loài này”, ông Cạn nói. 

    Chia sẻ về kỹ nghệ săn bắt loài động vật phá hoại này, ông Cạn cho biết, cần phải huấn luyện một chú chó săn thông minh, nhanh nhạy làm bạn đồng hành. Khi đi săn, chính những chú chó này sẽ đánh hơi được hang nào có chuột, hang nào hang trống để đỡ sức người. Biết được hang có chuột, thợ săn sẽ múc nước đổ vào. Ở gàu nước đầu tiên sẽ như đổ vào hang không đáy vì mỗi “ngôi nhà” của mình, ngoài hang chính thì loài chuột còn đào thêm khoảng 5 hang phụ thông với hang chính để phòng chuyển mà có đường tẩu thoát. 

    Gàu nước đầu tiên đổ vào sẽ biết được các nhánh hang phụ ở đâu bởi dòng nước chảy ra. Nắm được các hang phụ, thợ săn sẽ dùng bùn đất bịt lại. Bịt xong, dồn sức đổ nước vào hang chính. Đổ đầy thì chuẩn bị gậy, vợt cùng chó săn chờ sẵn ở miệng hang. Chuột khi không giữ được hơi sẽ ngoi lên thì thợ săn dùng tổng lực bắt tay, dùng gậy đập chết hoặc dùng vợt bắt sống. 

    “Nhiều người khi đổ đầy nước miệng hang nhưng chuột không ngoi lên nên bỏ cuộc tìm hang khác. Với cha con tôi thì sẽ tìm cách khác, lúc ấy sẽ vừa đổ nước ở hang chính, vừa tháo một hang phụ để nước chảy ra. Chuột đang nín thở nhưng khi thấy dòng nước chảy thế nào cũng men theo mà ra ở hang phụ...”, lão Cạn nói tiếp.

    Chia sẻ về kỹ năng đặt bẫy, lão nông này cho hay, dạng bẫy hình bán nguyệt khi mua ở chợ về, tự tay lão sẽ chế tạo lắp thêm một bàn đạp bằng cao su. Chính bàn đạp bẫy này sẽ tạo thêm độ nhạy của bẫy, khiến lũ chuột dù chạy ngang dọc thì tỉ lệ sập bẫy rất cao. Một cán bộ của hợp tác xã Phú Hòa, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền thông tin, nhằm động viên những cao thủ diệt chuột như anh Cạn... ngoài số tiền hỗ trợ 1.000 đồng/đuôi chuột, làng cũng trích kinh phí hỗ trợ thêm 1.000 đồng/đuôi cho bà con. Như vậy mỗi đuôi chuột nộp lên hợp tác xã, người dân sẽ được 2.000 đồng.

    Nhờ những nông dân tiên phong đi đầu trong công tác diệt chuột, bảo vệ mùa màng, phong trào diệt chuột được triển khai nhiều nơi, với hiệu quả cao, khiến mùa màng trên đồng ruộng đỡ thiệt hại vì chuột cắn phá. Trở lại buổi trò chuyện với lão nông Trần Văn Cạn, khi trời bắt đầu nhá nhem tối, lão lục đục xuống bếp để nấu ăn. Hóa ra, vợ lão không ở nhà mà đã vào Nam làm công việc nấu nướng, dọn dẹp nhà hàng cho người quen. Ba đứa con trai của lão, một lập gia đình ở tít mãi trên cầu Tuần, 2 cậu con trai còn lại, mỗi đứa một nơi đi lái máy cẩu cho các công trình trong Nam.

    “Tôi có nói chúng ở nhà nếu chịu khó đi diệt chuột nộp hợp tác xã cũng có tiền tiêu nhưng chúng không nghe. Cũng vì công việc đồng áng nặng nhọc, ngày đêm lăn lộn giữa đồng. Tôi tuổi cũng đã già, giờ cũng không đi bắt được nhiều chuột mà kiếm thêm nữa...”, lão Cạn thở dài.

    Chia tay lão, hình ảnh lão nông được mệnh danh là “Đệ nhất cao thủ” diệt chuột một thời cô đơn đứng đầu ngõ, dưới chân chỉ là 2 chú chó làm bầu bạn thi thoảng có con cất tiếng sủa gằn hơi lạc giữa xóm nghèo chập choạng tối, suốt quãng về tâm trạng người viết là cả một mớ hỗn độn cảm xúc khó tả về một kiếp người...

    Lê Công Thành

    Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống&Pháp luật số 15+16+17+số 4(Tháng)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dau-nam-gap-de-nhat-cao-thu-diet-chuot-xu-hue-a308790.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
     Khám phá nơi chuột có uy quyền bậc nhất

    Khám phá nơi chuột có uy quyền bậc nhất

    Đền Karni Mata ở Deshnoke, bang Rajasthan (miền Tây Bắc Ấn Độ) có lẽ là một trong những ngôi đền kỳ lạ nhất trên thế giới bởi đây là nơi trú ngụ của hơn 20.000 con chuột.