+Aa-
    Zalo

    “Đất tặc” lộng hành tại Lạc Thủy, Hòa Bình: Dân sợ, Nhà nước thất thoát nguồn thu

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Những ngày này có mặt tại thôn Hồng Phong, Đồi Chùa, Quyết Tiến, xã Yên Bồng không khó bắt gặp hình ảnh “đất tặc” đang mặc sức lộng hành, đục khoét đất vườn đồi.

    Những ngày này có mặt tại thôn Hồng Phong, Đồi Chùa, Quyết Tiến, xã Yên Bồng không khó bắt gặp hình ảnh “đất tặc” đang mặc sức lộng hành, đục khoét đất vườn đồi.

    Tài nguyên đang “chảy máu”

    Những ngày này, có mặt tại các thôn Hồng Phong, Đồi Chùa, Quyết Tiến thuộc xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình không khó bắt gặp hình ảnh “đất tặc” đang mặc sức lộng hành, đục khoét đất vườn đồi. Điều đáng nói, việc làm trái pháp luật này lại được chính quyền huyện, xã “tạo điều kiện” dưới “vỏ bọc” hạ thấp vườn đồi của người dân. 

    Chỉ cách UBND xã Yên Bồng chừng 1km, có tới ba khu vực vườn đồi của dân quản lý đang có hoạt động khai thác đất.

    Người dân nơi đây cho biết, những khu vực đang khai thác đó là đất vườn gia đình ông Bùi Văn Huấn, hộ ông Nguyễn Minh Tân và ông Bùi Quí Ly. Thời điểm phóng viên có mặt, nhiều máy xúc, phương tiện vận chuyển đất ra vào tấp nập. Khi thấy sự xuất hiện của phóng viên, toàn bộ máy xúc, xe vận chuyển tắt máy và những người trên các phương tiện này nhanh chóng rời đi.

    Xe quá khổ tải vô tư vận chuyển tài nguyên không phép ra khỏi địa phận huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.

    Cũng theo người dân, khu vực khai thác đất tại các thôn này là do một số người từ địa phương khác khai thác khoảng hơn một năm nay. Đất khai thác tại đây được cung cấp cho việc san, lấp đê, một phần để bán cho các nhà máy xi măng trên địa bàn tỉnh Hà

    Nam
    mà không có hóa đơn chứng từ. Hoạt động này đang diễn biến phức tạp, làm thất thoát tài nguyên cũng như các loại thuế, phí của Nhà nước.

    Từng đoàn xe “hổ vồ” không che chắn nối đuôi nhau chạy trên tỉnh lộ đoạn qua 2 xã Yên Bồng và Khoan Dụ tỉnh Hòa Bình gây khói bụi mù mịt. Xe đi đến đâu, vết bánh in hằn trên từng mét đường. Dường như, tiếng “lọc xọc” của những chiếc xe tải trọng lớn chạy ngả nghiêng đã trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân.

    Còn tại khu vực sông Bôi của huyện Lạc Thủy các con tàu vận tải cỡ lớn nối đuôi nhau đợi sẵn ở các cầu cảng trái phép đợi “đất lậu” đổ xuống để vận chuyển đi các tỉnh thành làm nguyên liệu cho các nhà máy gạch và xi măng.

    trước đó, trao đổi với phóng viên Đời sống & Pháp luật, ông Nguyễn Công Tuân - Cán bộ địa chính xã Yên Bồng, huyện Lạc Thủy cho biết: Về việc khai thác đất trên địa bàn thôn Hồng Phong, Đồi Chùa, Quyết Tiến là do có ba hộ dân cần hạ thấp độ cao nên xã chấp thuận.

    Tuy nhiên, trong quá trình khai thác đơn vị thi công đã khai thác vượt mức được giao như hộ ông Bùi Quý Ly. Trong quá trình khai thác, vận chuyển đơn vị thi công đã làm mất mốc ranh giới được cấp phép và đã khai thác ra ngoài diện tích được cấp phép 500 m2.

    Tương tự, hộ ông Nguyễn Minh Tân thôn Đồi Chùa cũng khai thác vượt ranh giới cho phép 300 m2 gây ảnh hưởng đến hộ ông Phạm Quốc Việt. Mặc dù, UBND xã đã đình chỉ việc cải tạo, tuy nhiên đơn vị thi công vẫn tiến hành khai thác.

    Sự việc khai thác đất trái phép diễn ra trong thời gian dài, chính quyền phát hiện lập biên bản nhưng không tiến hành xử phạt theo quy định, sau đó các đối tượng vẫn ung dung khai thác bình thường thậm chí còn rầm rộ hơn trước.

    Cũng tại xã Yên Bồng, theo tìm hiểu của phóng viên thì tại diện tích  đồi nhà ông Hoan, Linh, Khang không có giấy phép nhưng đã ngang nhiên khai thác tạo hàm ếch rất nguy hiểm những chiếc máy cẩu lửng lơ lưng chừng đồi cao gầng chục mét. Khu vực này đồi thuộc Quốc phòng quản lý gần với cột viễn thông nhưng các đối tượng vẫn không tha, bất chấp nguy hiểm bất chấp quy định luật pháp , các xe ô tô hổ vồ vẫn ngày đêm ra vào vận chuyển đất ra khỏi khu vực để tiêu thụ và đổ xuống tàu thuỷ để trở ra khỏi khu vực huyện Lạc Thuỷ để tiêu thụ.

    Còn tại xã Khoan Dụ năm 2016, Chính quyền huyện Lạc Thủy đã phê duyệt dự án nuôi trồng thủy sản tại xã Khoan Dụ. Diện tích đất được khai thác, sử dụng thuộc khu vực đất lâm nghiệp của ông Bùi Văn Hội, chủ thầu khai thác là ông Vũ Thanh Đài.

    Trong quá trình khai thác, vận chuyển, san lấp phục vụ cho dự án nuôi trồng thủy sản, ông Đài đã có nhiều sai phạm, nhất là hoạt động múc, san gạt và vận chuyển đất ra khỏi khu vực cho phép nhằm thu lợi bất chính.

    Ngày 30/3/2018 UBND huyện Lạc Thủy  đã xuống kiểm tra và lập biên bản, yêu cầu di dời toàn bộ trang thiết bị, máy móc và dừng mọi hoạt động san lấp, vận chuyển đất khỏi khu vực khai thác. Đồng thời ông Vũ Thanh Đài phải xuất trình toàn bộ giấy tờ có liên quan.

    Tuy nhiên, bất chấp bị lập biên bản xử phạt, hoạt động khai thác đất đồi sai mục đích vẫn tiếp diễn thách thức các cấp chính quyền và cơ quan chức năng của huyện Lạc Thủy, những chiếc xe trọng tải lớn chạy rầm rập suốt ngày đêm là nỗi ám ảnh cho người dân.

    Hệ lụy khó lường...

    Do lợi nhuận từ việc bán đất san lấp cao nên nhiều chủ máy xúc đã bất chấp các quy định của nhà nước, tìm cách lách luật để khai thác tài nguyên trái phép trong đó rầm rộ nhất tại hai xã Yên Bồng và Khoan Dụ của huyện Lạc Thủy, Hòa Bình.

    Dọc tuyến tỉnh lộ 477, đoạn qua xã Yên Bồng có gần chục điểm khai thác đất, mới có, cũ có. Nguy hiểm hơn khi hầu hết các điểm khai thác trá hình này đều không được thực hiện đúng quy định về khai thác mỏ và thiết kế cắt tầng chống sạt trượt, bảo vệ môi trường, an toàn trong khai thác. Nhiều vị trí đã bị máy xúc khoét thành hàm ếch hoặc trở thành vách đất nguy cơ sạt lở mất an toàn cho người dân rất cao.

    “Đất tặc" khai thác rầm rộ mà không hề bị xử lý.

    Theo tìm hiểu của phóng viên, nếu máy cỡ lớn hoạt động hết công suất, mỗi ngày lượng đất được khai thác lên đến hàng trăm khối. Mỗi khối đất bán đến hộ dân san lấp từ 14 - 17.000 đồng/1 khối, sau đó số đất này được vận chuyển ra ngoài và bán với số tiền lên tới gần 90 nghìn đồng/ khối,  số tiền thu về không nhỏ. Đa phần các đầu lậu này đều không nộp thuế vì toàn bộ nguyên liệu đất mua bán ở đây đều không có hóa đơn chứng từ.

    Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Ngọc - Chi cục trưởng chi Cục thuế huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình cho biết: “Việc thu thuế nguồn nguyên liệu khoáng sản đặc biệt là đất ra khỏi địa phương là hết sức khó khăn. Đa số các doanh nghiệp này lợi dụng các dự án như: nuôi trồng thủy sản, cấp đất cho các hộ làm nhà mà UBND tỉnh cho phép để vận chuyển đất mang bán”.

    Cũng theo ông Ngọc, nguồn thuế từ nguồn nguyên liệu khoáng sản trên địa bàn từ nhiều năm qua là rất thấp, thậm chí là không có. Trong khi đó thì hệ lụy để lại vô cùng lớn do các xe quá tải vận chuyển gây ô nhiễm môi trường và tàn phá hệ thống giao thông của địa phương.

    Tài nguyên khoáng sản bị bào mòn, các con đường nứt gãy, vỡ vụn, khói bụi, tiếng ồn ngày càng nhiều, ảnh hường trực tiếp đến đời sống của người dân. Đoàn xe chở đất đồi ngang nhiên dạo qua cổng UBND xã đổ xuống bến cảng đem đi bán.

    Vậy tại sao tình trạng khai thác đất lậu ở đây lại diễn ra một cách công khai bất chấp các quy định của pháp luật. Ai là người “bảo kê”  hoạt động của nhóm “đất tặc” để các đối tượng này thỏa sức lộng hành.

    Phóng viên báo Đời sống và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin

                                                                                                            Nhóm phóng viên

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dat-tac-long-hanh-tai-lac-thuy-hoa-binh-dan-so-nha-nuoc-that-thoat-nguon-thu-a253589.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan