Ngày 6/9, sau cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống lâu năm Alpha Condé, Đại tá Mamady Doumbouya đã lên tiếng về tương lai và một chính phủ "liên hiệp" tại Guinea. Theo đó, ông Doumbouya cam kế với những bộ trưởng từng làm việc dưới thời Tổng thống Condé rằng lực lượng của ông sẽ không tiến hành các cuộc "săn phù thuỷ" nhằm vào những thành viên chính phủ cũ.
Ông Doumbouya cho biết chính phủ mới sẽ được thành lập trong vài tuần tới nhưng không tiết lộ thời gian cụ thể. Trong tuyên bố về vấn đề này, ông cho biết: "Một cuộc tham vấn sẽ được tổ chức để thiết lập các thông số chung của quá trình chuyển giao quyền lực, sau đó một chính phủ liên hiệp quốc gia sẽ được thành lập để chỉ đạo quá trình chuyển giao này".
Ông Doumbouya nói rằng các bộ trưởng không thể rời đất nước và đề nghị họ bàn giao lại các phương tiện công cho quân đội. Bên cạnh đó, chỉ huy phe đảo chính cũng đã tuyên bố mở cửa lại biên giới trên bộ và trên không của Guinea.
Ông Doumbouya kêu gọi các công ty khai khoáng ở Guinea tiếp tục hoạt động, đồng thời cho biết các công ty này sẽ được miễn lệnh giới nghiêm đang được áp dụng trên toàn quốc. Ông khẳng định: "Guinea sẽ duy trì mọi cam kết và thỏa thuận khai khoáng".
Trong ngày 6/9, Đại tá Doumbouya đã lái xe quanh thủ đô Conakry, nơi đã trở nên căng thẳng kể từ ngày 5/9 khi cuộc đấu súng xảy ra gần dinh thự tổng thống. Theo BBC, người dân tại thủ đô đã hô vang tên chỉ huy lực lượng quân đội. Cụ thể, phóng viên Alhassan Sillah của hãng tin chia sẻ: "Họ đang hạnh phúc. Nhiều người đã hô vang tên ông Doumbouya và reo mừng sự tự do".
Tuy nhiên, thế giới đã lên án cuộc đảo chính lật đổ chính phủ tại Guinea. Trong đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh ông cực lực lên án "bất kỳ sự tiếp quản nào của chính phủ bằng vũ lực" và kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Tổng thống Condé.
Cộng đồng Kinh tế của các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt sau khi Chủ tịch ECOWAS, ông Ghana Nana Akuffo-Addo gọi đây là cuộc đảo chính có mục đích. Liên minh châu Phi cho biết họ sẽ họp khẩn cấp và thực hiện "các biện pháp thích hợp" trong khi Bộ Ngoại giao Nigeria kêu gọi lực lượng đặc nhiệm tuân thủ, trả lại trật tự hiến pháp.
Phía Mỹ cũng đã lên tiếng về vấn đề này. Trong đó, Washington nhận định bạo lực và bất kỳ biện pháp ngoài hiến pháp nào sẽ chỉ làm xói mòn triển vọng của Guinea về hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Cụ thể, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố: "Mỹ lên án sự kiện tại thủ đô Conakry. Những hành động này có thể hạn chế khả năng của Mỹ và các đối tác quốc tế khác với Guinea trong việc hỗ trợ đất nước theo con đường hướng tới đoàn kết dân tộc và một tương lai tươi sáng hơn cho người dân".
Minh Hạnh (Theo BBC)