Theo thông tin từ Báo Pháp luật TP.HCM, sáng 15/3, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tuyển sinh năm 2024. Tại đây, Bộ GD&ĐT đã có những báo cáo chi tiết về kết quả tuyển sinh đại học (ĐH) và tuyển sinh cao đẳng giáo dục mầm non giai đoạn từ năm 2015-2023.
Theo đánh giá của Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Thu Thủy, công tác tuyển sinh thời gian qua có nhiều đổi mới, đa dạng phương thức xét tuyển, ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình tuyển sinh giúp thí sinh thuận lợi hơn, điều chỉnh cách tính điểm ưu tiên…
Chỉ tiêu tuyển sinh và tỉ lệ thí sinh trúng tuyển nhập học ngày càng tăng qua các năm, cho thấy việc tiếp cận giáo dục ĐH ngày càng lớn, quy mô đào tạo ĐH mở rộng.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm 2023, cả nước có 1.022.063 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng là 663.063 thí sinh nhưng chỉ có 546.686 em trúng tuyển đại học nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu là 82,455%; tỷ lệ nhập học/dự thi là 53,12% nhập học.
Con số này tăng so với năm 2022 khi có 1.011.589 số thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng là 625.096 thí sinh, trong đó, 521.263 thí sinh nhập học. Tỷ lệ nhập học/chỉ tiêu đạt 83,39%. Tỷ lệ nhập học/số thí sinh dự thi là 51,35%.
Đại diện Bộ GD&ĐT nhìn nhận, tỷ lệ nhập học năm 2023 có giảm hơn năm trước nhưng tỷ số thí sinh trúng tuyển đã tăng.
Cả nước có 203/322 cơ sở đào tạo có tỷ lệ nhập học trên 80%. Số thí sinh nhập học tại các cơ sở này chiếm 78,24% tổng số nhập học cả nước. Việc tuyển sinh tốt diễn ra ở những trường lớn, có đủ uy tín, chất lượng, theo Vietnamnet.
Đặc biệt, Bộ đã có phân tích kết quả tuyển sinh ở hai phương thức là xét tuyển bằng học bạ và xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Kết quả cho thấy, nếu tính về điểm thi tốt nghiệp THPT ở hai nhóm thí sinh trúng tuyển bằng điểm học bạ và bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có sự chênh lệch lớn, đến 3 điểm thi. Còn đối sánh kết quả học tập THPT ở hai nhóm thí sinh này, tỉ lệ chênh lệch khoảng 1 điểm. Trong đó, thí sinh trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT có kết quả cao hơn.
Từ đây, theo bà Thủy, điểm thi tốt nghiệp THPT vẫn có phân loại tốt hơn. Do đó, theo bà Thủy, Bộ GD&ĐT khuyến cáo những trường nào xét tuyển bằng học bạ nên sử dụng thêm ngưỡng đầu vào bằng điểm thi tốt nghiệp THPT để có chất lượng đầu vào tốt hơn.
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, trong quá trình xét tuyển vẫn còn một số vấn đề sai sót ưu tiên của thí sinh, cụ thể là ưu tiên khu vực và đối tượng. Nguyên nhân dẫn tới sai sót là do thí sinh khai sai thông tin, điểm tiếp nhận rà soát chưa ký, thí sinh không đăng ký xét tuyển đúng thời gian quy định, thí sinh chọn không đúng nguồn dữ liệu xét tuyển hay không đăng ký xét tuyển đúng thời gian quy định.
Trong khi đó, các trường đại học sử dụng quá nhiều phương thức xét tuyển, điều này gây nhiễu thông tin, mặt khác nhiều phương thức xét tuyển không có hoặc có rất ít thí sinh đăng ký xét tuyển nên kém hiệu quả.
Một số cơ sở đào tạo cũng chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Ngoài ra, nhiều cơ sở đào tạo chưa phân tích tương quan, đánh giá đối sánh kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển.
Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học cần lưu ý việc gọi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT nhập học sớm. Bộ cũng lưu ý, một số trường không cập nhật dữ liệu, báo cáo không đầy đủ kịp thời, không chính xác; Không tham gia vào hệ thống xét tuyển.
Một số cơ sở đào tạo không đưa việc đăng ký xét tuyển các chương trình liên kết đào tạo nước ngoài, từ xa và kết quả xét tuyển các chương trình này lên hệ thống hay xét tuyển vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu.
Như Quỳnh(T/h)