+Aa-
    Zalo

    Nghệ sĩ Thanh Hằng: Kiếp "sống giả" nơi trời Tây đau đáu nỗi lòng nhớ nghiệp cầm ca

    • DSPL

    (ĐS&PL) - 15 năm trên đất khách, Thanh Hằng phải “sống giả” để chạy trốn những hoài niệm về một thời đã qua.

    15 năm trên đất khách, Thanh Hằng phải “sống giả” để chạy trốn những hoài niệm về một thời đã qua. Mỗi lần vô tình nghe điệu vọng cổ cảm xúc của bà lại dâng lên mãnh liệt, nhưng phải kìm lại nỗi nhớ, nỗi khao khát để lo chu toàn cho các con. Thế rồi, sau tất cả, tình yêu cải lương vẫn dẫn lối đưa bà trở về với khán giả và nghĩ đến lúc trở về cát bụi, bà vẫn mong được chết nơi thánh đường của những con người mang kiếp cầm ca.

    Tuổi thơ thiệt thòi, thiếu vắng cha mẹ

    Thanh Hằng là con của một gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Bà ngoại của Thanh Hằng là nghệ sĩ Tư Hélènne cùng thời với nghệ sĩ Phùng Há. Mẹ của bà là nghệ sĩ Kim Hoa, cha là nghệ sĩ Hương Huyền. Dòng máu nghệ thuật đã chảy trong huyết quản nên Thanh Hằng yêu nghệ thuật, đến với nghệ thuật khi còn là một cô bé.

    Tuổi thơ của Thanh Hằng không được may mắn như nhiều người khác. Khi bà ra đời cũng là lúc cha và mẹ chia tay. Mẹ là nghệ sĩ, đi diễn thường xuyên nên Thanh Hằng được mẹ gửi nuôi ở nhà ông bà ngoại. Vì vậy mà, thuở ấu thơ của Thanh Hằng thiếu vắng sự chăm sóc thường nhật của cha mẹ. Với một đứa trẻ, sự thiếu vắng ấy là nỗi buồn, dù được ông bà rất mực thương chiều nhưng cô bé Thanh Hằng rất nhớ cha, nhớ mẹ. Đôi lúc bà òa khóc vì tủi thân.

    Năm 9 tuổi, Thanh Hằng được bà ngoại hỏi về chuyện chọn nghề và sau khi suy nghĩ một đêm, bà quyết tâm theo nghề hát. Đến tận bây giờ, Thanh Hằng vẫn nhớ như in cuộc trò chuyện đó. “Ngoại là nghệ sĩ, mẹ con cũng là nghệ sĩ nhưng con có muốn theo nghề không là quyền ở con... Ngoại đã mua cho con chiếc bàn máy may. Nếu con học may, sau này dẫu lớn tuổi, phải đeo mắt kiếng người ta vẫn tìm tới con. Vì thợ may càng lớn tuổi càng nhiều kinh nghiệm, tay nghề càng giỏi. Còn nghệ sĩ lúc xuân sắc thì khán giả tới lui. Khi lớn tuổi thì có nhiều buồn tủi lắm. Người ta sẽ chê con già mà không tới. Đời nghệ sĩ là vậy...", nghệ sĩ Thanh Hằng chia sẻ.

    Một năm sau cuộc trò chuyện chọn nghề, Thanh Hằng được ngoại gửi đi học ca. Vì là con nhà nòi lại thông minh nên Thanh Hằng học ca, học diễn rất nhanh. Phách nhịp hay ngôn ngữ cơ thể đều được Thanh Hằng nhanh chóng lĩnh hội. Ca hay diễn giỏi là thế nhưng để chạm đến thành công Thanh Hằng cũng phải trải qua quá trình gian nan để khẳng định bản thân. Bà bước vào con đường nghệ thuật với tư cách là diễn viên múa ở đoàn hát Thanh Minh Thanh Nga.

    Sau một năm, Thanh Hằng theo đoàn hát Sao Ngàn Phương. Ở đây, bà bắt đầu với vai tỳ nữ đi thử hài. Dù vai không có nhiều đất diễn nhưng cô gái xinh đẹp, duyên dáng Thanh Hằng đã được “chấm”. Bà được giao đóng thế mỗi lúc nghệ sĩ Kiều Hoa bận. Từ những vai đóng thế trong Lê Lai cứu chúa, Hồn thiêng sông núi... Thanh Hằng được khán giả yêu mến và tạo được chỗ đứng riêng cho mình.

    Năm 1982, Thanh Hằng giành giải A1 liên hoan sân khấu toàn quốc với vai công chúa Quỳnh Dao vở Xuân Thăng Long do đạo diễn Điêu Huyền dàn dựng. Sau đó, Thanh Hằng liên tiếp giành được các giải thưởng danh giá như huy chương Vàng giải Trần Hữu Trang dành cho diễn viên xuất sắc nhất năm 1991 với vai nữ vương trong Truyền thuyết về tình yêu, giải Mai Vàng với vở Duyên kiếp của soạn giả Hoàng Song Việt năm 1997. Loạt giải thưởng này đã giúp con đường sự nghiệp của Thanh Hằng thênh thang, bà trở thành một trong những cô đào nức tiếng của giới cải lương khi ấy.

    Nhọc nhằn nơi trời Tây và nỗi nhớ sân khấu da diết

    Khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao Thanh Hằng bất ngờ buông bỏ công danh để sang Úc. Ở trời Tây, cuộc sống của bà nhiều vất vả, nhọc nhằn và nỗi nhớ sân khấu khiến Thanh Hằng chưa thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn.

    Những ngày đầu, Thanh Hằng phải làm các công việc tay chân để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nhờ có khả năng nấu nướng nên bà chọn công việc này. Mỗi ngày bà nấu ba món, để vào hộp rồi tự lái xe đi giao đến các gia đình, mỗi tuần 6 buổi. Với mỗi gia đình như vậy, bà kiếm được khoảng 70 USD. Tiền lãi không đáng bao nhiêu nhưng gia đình bà sẽ có thêm phần thức ăn nên đỡ tốn kém tiền đi chợ.

    Thế nhưng, bà chỉ làm công việc này được một thời gian thì phải đổi nghề vì căn bệnh đau lưng. Sau công việc nấu nướng, bà làm nail. Mặc dù được tín nhiệm giao vị trí quản lý, nhưng Thanh Hằng vẫn phải làm móng cho người khác, quét dọn cửa hàng và cả cọ toilet. Công việc vô cùng vất vả, nhưng nó mang lại thu nhập ổn định cho gia đình nên bà vẫn phải cố gắng. Nhưng rồi, Thanh Hằng cũng chỉ làm công việc này một thời gian thì phải bỏ vì bị bệnh.

    Cuộc sống của bà ở trời Tây vì thế mà khá vất vả, nhọc nhằn, nhưng với Thanh Hằng, những nỗi vất vả ấy chẳng đáng là bao so với nỗi nhớ sân khấu. Có những lúc bà đã bật khóc vì quá nhớ khán giả, nhớ ánh đèn sân khấu. Khi ấy để chồng và các con không nghe được tiếng khóc của mình bà phải âm thầm trốn vào một góc lặng lẽ lau nước mắt. Bà giấu nỗi buồn vào trong, kìm nén niềm đam mê vì các con. Bà cũng chẳng dám mở đài Việt Nam, không dám nghe cải lương dù nó tràn ngập trên mạng internet. Bà sợ nỗi nhớ quê hương, nhớ sân khấu lại trào lên. Nhiều khi nhớ nghề quá, bà hát nghêu ngao, vừa hát vừa khóc.

    Thế nên, ngày trở về được đứng trên sân khấu, bà đã khóc. Lần này, bà khóc không phải vì tủi, vì buồn mà là vì quá hạnh phúc. Bao năm kìm nén giờ đây bà đã được gặp lại khán giả, được ca những làn điệu quen thuộc, được trò chuyện với đồng nghiệp, bà thấy mình như sống lại.

    Cuộc hôn nhân nhiều đau đớn

    Một trong những nốt trầm trong cuộc đời của Thanh Hằng chính là cuộc hôn nhân năm 16 tuổi với người đàn ông làm nghề sắp ghế khán giả. Khi ấy Thanh Hằng chỉ là một cô bé nên lý do đến với hôn nhân cũng rất đơn giản, “thấy người ta thương mình thì lấy đại”. Vậy là Thanh Hằng trở thành vợ ở cái tuổi 16 và làm mẹ năm 17 tuổi. Cuộc hôn nhân ngày thơ dại đã hằn lên cuộc đời bà những vết bầm đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần.

    Trong một chương trình truyền hình Thanh Hằng kể: "Khi ấy, tôi và Ngân Quỳnh theo 2 đoàn hát khác nhau. Một lần gặp lại, Ngân Quỳnh tá hỏa khi tận mắt chứng kiến tôi bị chồng đánh mắt bầm tím, sưng to bằng cái chén”.

    Theo lời bà kể, người đàn ông ấy không chỉ vũ phu mà còn là người có máu đỏ đen. Trong suốt 5 năm hôn nhân, các trận đòn nhiều như cơm bữa và bà cũng thường xuyên phải lên sân khấu với cơ thể bị bầm giập. Mặc dù phải sống trong hoàn cảnh khốn cùng ấy nhưng Thanh Hằng chẳng dám ly hôn, bởi bà bị ám ảnh với sự chia tay của cha mẹ. Bà sợ sự đổ vỡ khiến những đứa con không có nơi nương tựa, sống thiếu thốn tình cảm. Bà cũng cố duy trì cuộc hôn nhân ấy vì không muốn chịu điều tiếng là “thứ nghệ sĩ lắm chồng”.

    Hiện tại, những nỗi đau đã không còn. Thanh Hằng của ngày hôm nay là một phụ nữ hạnh phúc. Bà không chỉ có một mái ấm trọn vẹn mà còn được thỏa sức cháy hết mình với niềm đam mê.

    Lê Anh

    Dẫn nguồn báo giấy Đời sống & Pháp luật số 48

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nghe-si-thanh-hang-kiep-song-gia-noi-troi-tay-dau-dau-noi-long-nho-nghiep-cam-ca-a227939.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan