Đàm Vĩnh Hưng từng lên tiếng trên fanpage của mình về việc bị lấy danh nghĩa để chiếm lòng tin của các nhà đầu tư và lôi kéo người dân vào hệ thống lừa đảo.
Rất đông người dân kéo đến biểu tình tại công ty Modern Tech. |
Sáng ngày 8/4, rất đông người dân đã kéo đến trụ sở Công ty Cổ phần Modern Tech tại đường Nguyễn Huệ, quận 1 để biểu tình với những băng rôn, khẩu ngữ và hình ảnh nhằm tố cáo bị công ty chiếm đoạt lừa đảo "hơn 15 nghìn tỷ đồng" từ tiền ảo.
Trước đó, công ty Modern Tech đã tổ chức rất nhiều sự kiện ở Hà Nội và TP.HCM để huy động vốn đầu tư của người dân. Được biết, công ty này được thành lập trên cơ sở được ủy quyền bởi Ifan và Pincoin. Trong đó, đội ngũ Ifan được thành lập bởi 7 người Việt Nam. Tuy nhiên, trong những lần hoạt động truyền thông, công ty đều giới thiệu tập đoàn Ifan đến từ Singapore, Pincoin đến từ Ấn Độ với 2 mục đích là tạo uy tín với các nhà đầu tư và qua mặt cơ quan chức năng.
Theo người dân, Ifan cam kết khi tham gia quỹ tiền ảo, nhà đầu tư sẽ được hưởng lợi nhuận thấp nhất 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu lôi kéo được người vào hệ thống khách hàng sẽ được hưởng thêm 8% số tiền người mới tham gia.
Hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu được người dân treo khắp con đường vào công ty. |
Tuy nhiên, Modern Tech bất ngờ thay đổi phương thức trả thưởng bằng cách quy đổi qua các đồng tiền số ngay sau khi đã thu được một số lượng đầu tư lớn. Các đồng tiền số ảo có giá 5USD/đồng. Giá trị của đồng tiền ảo này nhanh chóng giảm mạnh xuống còn 0,01USD/đồng khiến nhiều người dân bỗng chốc trở lên “trắng tay”.
Người đứng ra chỉ đạo kêu gọi huy động vốn là ông Lê Ngọc Tuấn, sinh năm 1983, người đồng sáng lập kiêm Giám đốc đào tạo và phát triển Marketing quốc tế của Ifan. Công ty này đã huy động vốn bằng việc tổ chức các hội thảo quy mô lớn với hàng nghìn người tham gia và vạch ra những lợi nhuận “siêu khủng” người dân sẽ thu được từ đồng tiền ảo Ifan.
Để có được lòng tin của người dân, công ty còn đưa ra rất nhiều hình ảnh những người nổi tiếng tham gia vào mô hình này như ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Lệ Quyên, Sơn Tùng M-TP...
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng lật tẩy hành vi lừa đảo của tổ chức này. |
Mọi việc bắt đầu vỡ lở khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng lên tiếng đính chính trên fanpage của mình về việc bị lấy danh nghĩa để chiếm lòng tin của các nhà đầu tư và lôi kéo người dân vào hệ thống lừa đảo.
Trong vòng nửa năm, công ty này đã thu hút được 32.000 người đầu tư. Nhiều người đã dốc toàn bộ vốn của mình để kinh doanh tiền ảo. Lúc đầu họ liên tục bị choáng ngợp bởi những khoản thu từ nó nhưng sau đó lại vỡ mộng khi chẳng thể nhận nổi bất kì lợi ích gì từ việc đầu tư của mình.
Trên mạng xã hội Facebook đã có rất nhiều nhóm được lập ra để tẩy chay, tố cáo đồng thời để cảnh báo đến những người dân về tập đoàn lừa đảo này. Những nhóm này đã nhận được rất nhiều phản hồi của các nạn nhân ở rất nhiều khu vực.
Những nhóm này đã nhận được khá nhiều các phản hồi, tố giác của người dân. |
Trước iFan, Pincoin... giới đầu tư từng chứng kiến sự sụp đổ của Bitconnect - được biết tới như vụ lừa đảo lớn nhất trong thị trường tiền ảo trong đó có nhiều nạn nhân là người Việt Nam. Bitconnect đã bị Ủy ban chứng khoán Mỹ điều tra, phát hiện và tố giác hành vi gian lận trong nhiều lĩnh vực, bao gồm các chương trình cho vay và lấy lãi.
Sự việc lần này đã cho chúng ta thấy được những bất cập xung quanh việc đầu tư kinh doanh của dân, những thiếu sót và lòng tin của người dân chính là cơ sở để các tổ chức như Ifan, Pincoin có thể lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.
Từ ngày 1/1/2018, việc hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác đã có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc này có thể khắc phục được phần nào những yếu điểm trong công tác quản lí của pháp luật Việt Nam đồng thời hạn chế tối đa những vụ việc lừa đảo tiền ảo xảy ra.
HUYỀN TRANG(T/h)