Khi bị bắt, Giảng và Thi đều khai nhận biết rõ đồng tiền ảo AOC là không có thật, không được Nhà nước Việt Nam cho phép lưu thông trên thị trường, không được giao dịch trong hệ thống Ngân hàng mà do các đối tượng tự tạo ra để lừa người dân...
Vừa qua, Công an tỉnh Bắc Giang đã bắt giữ 3 đối tượng trong đường dây lừa đảo với thủ đoạn kêu gọi đầu tư đồng tiền ảo Aloscoin (AOC). Cơ quan Công an hiện đang làm rõ nhánh bị hại thuộc các huyện, thành phố của tỉnh Bắc Giang. Tuy nhiên, với thủ đoạn tinh vi và cái mác tập đoàn tài chính quốc tế, còn rất nhiều bị hại thuộc các địa bàn Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên… sập bẫy đường dây lừa đảo này.
Vụ việc bắt đầu được phát giác từ đơn tố cáo của chị Đỗ Thị Nh., ở TP Bắc Giang và một số người khác cùng nội dung đề nghị xem xét, xử lý đối với Thân Thị Toan, 50 tuổi, trú tại xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang) về hành vi lừa đảo trong việc huy động mọi người tham gia đầu tư tiền ảo AOC.
Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Bắc Giang đấu tranh với đối tượng Giảng. |
Chị Nh. cho biết, các đối tượng kêu gọi đầu tư vào đồng tiền ảo AOC với lãi suất 0,5%/ngày (tương đương 15%/tháng), mỗi tháng nhận tiền lãi 2 lần vào ngày 15 và 30 hàng tháng, sau 180 ngày tham gia đầu tư sẽ được rút toàn bộ vốn đầu tư ban đầu về nếu không tham gia nữa. Thế nhưng, khi tham gia, chị Nh. thấy việc trả lãi lúc có, lúc không, sau 6 tháng chị đòi tiền vốn về thì đối tượng Toan tìm cách khất lần, không trả.
Đây là việc kinh doanh tiền ảo lần đầu tiên xảy ra ở địa bàn tỉnh Bắc Giang. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Đại tá Phạm Mạnh Thường, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Giang đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho Phòng An ninh điều tra tiến hành điều tra, xác minh và khẩn trương bắt giữ các đối tượng nếu xác định có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản để ngăn chặn vòi bạch tuộc của đường dây này tiếp tục lôi kéo, làm hại nhiều người dân khác.
Tiến hành điều tra, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang xác định, Thân Thị Toan chỉ là trưởng đại diện chi nhánh AOC ở Bắc Giang, là chân rết bị điều hành của các đối tượng đầu trên.
Căn cứ vào lời khai của những người liên quan và lời khai của Thân Thị Toan, cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Bắc Giang đã ra lệnh bắt khẩn cấp đối với Thân Thị Toan về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bắt khẩn cấp 2 đối tượng cấp trên của Toan là Nguyễn Tuấn Giảng, 63 tuổi, HKTT tại số 8 đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) và Nguyễn Thị Thi, 54 tuổi, hiện ở tòa nhà Ruby2, phường Giang Biên, quận Long Biên (Hà Nội) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đồng thời, cơ quan Công an đang xác minh và truy tìm đối tượng tên Tuấn, theo Giảng khai là gã trùm của đường dây này. Từ lời khai của các đối tượng, thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng núp dưới danh nghĩa Tập đoàn tài chính quốc tế AOC đã lộ rõ.
Tháng 1-2017, Giảng được một đối tượng tên Tuấn (thường gọi là Phan Anh) nói cho biết về đồng tiền ảo AOC, đồng thời cho biết lãi suất 0,5%/ngày, mỗi tháng nhận tiền lãi 2 lần, sau 180 ngày có thể rút vốn đầu tư nếu muốn, nếu giới thiệu được thêm người tham gia sẽ được hưởng thêm hoa hồng từ 6 đến 10% số tiền các nhà đầu tư tham gia.
Tuấn đã lập cho Giảng một tài khoản mang tên “Candy” với 400 AOC để Giảng kêu gọi các nhà đầu tư và phát triển lan rộng. Sau khi Giảng mời được 2 người tại Hà Nội tham gia với số tiền đầu tư là 496 triệu đồng và 15 nghìn USD, Tuấn đã tạo cho Giảng và những nhà đầu tư mã khác có tên gọi là “AOC Miền Bắc” với số lượng 100.000 AOC bằng 50.000 USD. Từ mã “AOC Miền Bắc”, Giảng đã dụ dỗ, phát triển ra các chân rết tiếp theo.
Cùng với nhánh AOC Miền Bắc, Giảng đã tạo ra mã “Hạ Long”, đứng tên Nguyễn Thị Thi, người đàn bà đã có chồng và 3 con, nhưng hiện đang sống với Giảng như vợ chồng. Mã “Hạ Long” sau này được Giảng chuyển cho một số người ở Bắc Giang để lập ID cho các nhà đầu tư tại địa bàn này tham gia mua đồng tiền ảo AOC.
Thân Thị Toan và Nguyễn Thị Thi. |
Tháng 4-2017, nhóm Bắc Giang có 6 người chung nhau gồm: Nguyễn Văn Tuyến, Nguyễn Như Đề, Nguyễn Văn Hà, Thân Thị Toan, Ngô Thị Liên, Nguyễn Khắc Bảo. Họ đã thành lập Văn phòng AOC Bắc Giang do Hà làm đại diện, Toan và Liên được giao làm thủ quỹ. Liên, Hà có nhiệm vụ thu tiền của các nhà đầu tư rồi chuyển cho Giảng qua Nguyễn Thị Thi bằng cách đưa tiền mặt hoặc chuyển khoản Ngân hàng.
Đối với chi nhánh Bắc Giang, Giảng đặt ra một quy chế làm việc: Đó là trong một tháng, mỗi nhà đầu tư phải có F1 (nghĩa là phải giới thiệu được nhà đầu tư mới- PV); nếu không có F1 thì chỉ được nhận lãi tĩnh (không được nhận doanh số hệ thống).
Trong 3 tháng không có doanh số F1 thì nhà đầu tư phải tự nguyện rời khỏi nhóm…Chính vì quy tắc này mà khi tham gia đầu tư, các nhà đầu tư đã cố gắng hết sức để rủ rê những người khác tham gia vừa được lợi nhuận vừa không bị ra khỏi nhóm như lời dọa của bọn Giảng.
Tháng 6-2017, xảy ra mâu thuẫn giữa Toan và Liên trong việc chia phần trăm, đồng thời Tuyến phát hiện đây là một trang web có dấu hiệu lừa đảo nên không tham gia nữa và bảo mọi người dừng.
Cuối cùng, chỉ còn Thân Thị Toan và Nguyễn Như Đề tham gia đường dây cùng Giảng và Toan được gã trùm lừa này đề bạt lên làm đại diện trưởng chi nhánh Bắc Giang. Toan thu tiền của các nhà đầu tư sau đó nộp cho Thi; khi đến kỳ lãi, Thi, Giảng đem một phần tiền trong tổng số tiền mà các nhà đầu tư đã nộp vào về đưa cho Toan trả lãi cho các nhà đầu tư.
Đến giữa tháng 10-2017, Thi- Giảng nói với Toan không còn tiền trả lãi cho các nhà đầu tư nên bảo Toan tự thu của các nhà đầu tư mới trả lãi cho các nhà đầu tư trước. Lúc này, Toan đã biết việc mình đang thực hiện là lừa đảo nhưng vẫn nhắm mắt làm liều theo cách của Thi- Giảng chỉ đạo vì không còn cách nào khác, chỉ dừng thanh toán lãi cho các nhà đầu tư là họ nghi ngờ.
Từ tháng 10-2017 đến khi bị bắt, Toan đã thu của 24 nhà đầu tư mới được hơn 3,2 tỷ đồng nhưng trả lãi cho các nhà đầu tư cũ vẫn không đủ, chưa kể một số nhà đầu tư cũ nghi ngờ, đến hạn 180 ngày thì đòi thu về tiền gốc. Thế là vỡ trận, một số nhà đầu tư đã làm đơn tố cáo với cơ quan Công an…
Khi bị bắt, Giảng và Thi đều khai nhận biết rõ đồng tiền ảo AOC là không có thật, không được Nhà nước Việt Nam cho phép lưu thông trên thị trường, không được giao dịch trong hệ thống Ngân hàng mà do các đối tượng tự tạo ra để lừa người dân, cũng chẳng kinh doanh hay đầu tư gì mà bản chất là thu tiền nhà đầu tư sau trả lãi nhà đầu tư trước, tiền còn lại chia nhau sử dụng.
Mặc dù vậy, cặp đôi này luôn dắt nhau đi các cuộc hội thảo do các chi nhánh tổ chức để nói về đồng tiền AOC, chém gió đây là Tập đoàn tài chính quốc tế AOC và khả năng sinh lãi của đồng tiền AOC…. Ngoài việc được tiền hoa hồng của các nhà đầu tư, theo Giảng và Thi khai, mỗi tháng còn được đối tượng Tuấn trả lương cho 20 triệu đồng/ người.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bản chất Giảng trước đây cũng từng là giảng viên một trường Cao đẳng, nhưng sau đó có một tiền án về hành vi giao cấu với người chưa thành niên. Có vợ con ở Lục Nam (Bắc Giang) nhưng Giảng lại về Hà Nội, cặp đôi với Nguyễn Thị Thi. Để tạo vỏ bọc hoành tráng cho dễ bề lừa đảo, Giảng luôn đi ôtô sang, cắp cặp xịn đến các buổi nói chuyện với các nhà đầu tư về đồng tiền AOC.
Trong các buổi nói chuyện, Giảng tự xưng mình là Trưởng khoa của một trường Đại học, người con của quê hương Bắc Giang nên muốn đem lợi nhuận về cho người dân nghèo quê mình. Thậm chí, có buổi, Giảng mặc quân phục Quân đội, cũng có sao hàm lừa gạt mọi người.
Nguồn: Công an nhân dân