Đại diện bảo hiểm xã hội Việt Nam cảnh báo tình trạng mất cân đối, tăng chi đột biến quỹ BHYT sau do lạm dụng, trục lợi trong khám chữa bệnh.
Tại Hội nghị giải quyết vướng mắc trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế được Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, ông Dương Tuấn Đức - Giám đốc Trung tâm Giám định bảo hiểm y tế và thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc, BHXH Việt Nam chia sẻ, mới đây, BHXH đã đi kiểm tra tại 5 bệnh viện ở Hà Nội (Việt Đức, Xanh pôn, Đại học Y, Phụ sản T.Ư, Phụ sản Hà Nội), ở một số chuyên khoa đã có 5,33 tỷ đồng các bệnh viện chia nhỏ các dịch vụ để thu thêm viện phí.
Chi phí khám chữa bệnh BHYT xuất hiện nhiều bất thường. (Ảnh minh họa) |
Dẫn chứng cụ thể, ông Đức cho biết, như bệnh nhân Tạ Thị Thúy vừa phẫu thuật lấy thai lần đầu, vừa phẫu thuật lấy thai có kèm các thuật cầm máu (thắt động mạch tử cung, mũi khâu B-lynch…). Tổng tiền hai dịch vụ này là gần 6,3 triệu đồng. Hay bệnh nhân Nguyễn Văn Hợp được kê 2 lần cắt hẹp bao quy đầu. Bệnh nhân Lê Thị Liên có 1,5 lần đóng mở thông ruột non.
“Như vậy, theo thống kê của bệnh viện thì bệnh nhân phải có 2 thai, có 2 bao quy đầu và 1,5 lần ruột non nên mới cùng lúc chịu nhiều lần phẫu thuật như vậy” - ông Đức nói.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy chỉ trong 9 tháng đầu năm, đã có 122,9 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT với tổng chi 71,325 tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 9/2017, đã có nhiều tỉnh chi trên 170% quỹ BHYT, điển hình như tỉnh Quảng Nam đã chi 202% quỹ. Ngoài ra còn có 33 tỉnh, thành phố đã chi trên 100% quỹ BHYT.
Ông Đức cho hay, trong 9 tháng đầu năm đã cho thấy có sự gia tăng lượt khám bệnh bất thường, nhiều cơ sở y tế tránh vượt trần bằng chia nhỏ ngày điều trị, tính ngày giường bệnh nhân ra viện; thống kê thanh toán dịch vụ kỹ thuật còn nhiều bất cập; tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm; tăng số lượng khám, chữa bệnh ngoại trú và điều trị nội trú bất hợp lý, kéo dài ngày điều trị; Mua sắm sử dụng thuốc vật tư y tế chưa hợp lý; đặc biệt là trục lợi BHYT.
Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế lại bức xúc vì việc khoảng 50% giám định viên BHYT không có trình độ chuyên môn y dược nhưng lại giám định hồ sơ bệnh án. “Bên BHXH yêu cầu bác sĩ phải có chứng chỉ hành nghề y thì các giám định viên BHXH cũng cần phải có chứng chỉ hành nghề giám định” - ông Đặng Hồng Nam, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) chia sẻ.
Theo ông Nam đã đến lúc cần phải thành lập cơ quan giám định độc lập với cơ quan BHXH để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” như hiện nay.
Về điều này, ông Đức cho rằng, giám định viên sẽ căn cứ vào các “thước đo” là các quy định về dịch vụ kỹ thuật để làm chuẩn, không nhất định phải giỏi chuyên môn y dược ngang ngửa với các y bác sĩ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã nêu ra vướng mắc mà hai ngành đang đối mặt như: Việc các cơ sở y tế thực hiện chỉ định các dịch vụ kỹ thuật, thuốc... vượt quá khả năng chi trả của quỹ khám chữa bệnh BHYT; việc giám định, xuất toán những chi phí KCB BHYT không hợp lý; kê thêm giường bệnh; số ngày nằm viện của bệnh nhân tăng; bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc và xét nghiệm cao hơn bình thường… đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân.
“Đối với các bệnh viện, chúng ta không thể tiêu thoải mái quỹ BHYT được, nhưng với BHXH cũng không được gây cản trở khó khăn để các cơ sở khám chữa bệnh căng thẳng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Nguyễn Hà(T/h)