+Aa-
    Zalo

    Đại biểu lo ngại người nước ngoài núp bóng, thâu tóm đất đai ở Việt Nam

    (ĐS&PL) - Trước dư luận lo ngại người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai, đại biểu Quốc hội đề xuất quy định người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, có quốc tịch Việt Nam thì được sở hữu nhà, đất, giới hạn thời gian sử dụng...

    Theo báo Tuổi trẻ, sáng 19/6, nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại biểu Trần Chí Cường (Đà Nẵng) đã góp ý về nội dung tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

    dai bieu lo ngai nguoi nuoc ngoai nup bong thau tom dat dai o viet nam1
    Đại biểu Trần Chí Cường. Ảnh: Vietnamnet

    Theo ông Cường, mặc dù dự thảo luật chưa quy định rõ việc tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sở hữu đất hay không, nhưng có thể thấy nội dung này chưa được làm rõ và có thể chưa phù hợp với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về người sử dụng đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân người nước ngoài.

    Thêm vào đó, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định trường hợp cá nhân người nước ngoài mua nhà ở của chủ đầu tư bất động sản theo quy định của Luật Nhà ở; tổ chức, cá nhân nước ngoài mua công trình theo quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản thì các nội dung liên quan về quyền sử dụng đất gắn với nhà ở, công trình xây dựng thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, Luật Nhà ở.

    Bên cạnh đó, liên quan nội dung này, dự thảo luật quy định cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam và dự thảo cũng quy định điều kiện cá nhân người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

    "Quy định như vậy là quá rộng và cần nghiên cứu, cân nhắc. Đặc biệt lưu ý việc người nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam nhưng với mục đích đi du lịch có được phép sở hữu nhà ở hay không?

    Ông nhấn mạnh vấn đề người nước ngoài được mua, sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề lớn, hệ trọng, nhạy cảm, liên quan nhiều vấn đề an ninh, quốc phòng. Do đó cần phải được giải trình cụ thể, đánh giá tác động rõ ràng hơn.

    dai bieu lo ngai nguoi nuoc ngoai nup bong thau tom dat dai o viet nam3
    Đại biểu Phạm Văn Hòa. Ảnh: GIA HÂN

    Nêu quan điểm tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) cho rằng các quy định liên quan đến cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam là vấn đề nhạy cảm, cần cân nhắc kỹ lưỡng.

    Tri thức trực tuyến dẫn nhận định của ông Hòa về quy định cá nhân, người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã được phép mua nhà đất, cho rằng quy định như dự thảo luật là chưa rõ ràng, vì người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam hàng năm số lượng rất nhiều, do vậy vấn đề này cũng cần phải cân nhắc thận trọng.

    "Nên chăng chỉ quy định tổ chức, cá nhân người nước ngoài có vốn đầu tư vào Việt Nam, người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam được sở hữu nhà, đất tại Việt Nam", ông Hòa kiến nghị.

    Vị đại biểu Quốc hội cũng cho biết dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Thời gian qua, dư luận phản ứng rất mạnh đối với việc không ít người nước ngoài núp bóng cá nhân, tổ chức của Việt Nam thâu tóm nhiều đất đai, đặc biệt tại các thành phố lớn, thành phố du lịch.

    "Nếu có quy định trong luật nên có giới hạn về thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, đề nghị dự thảo luật cần rà soát các quy định để tránh trùng lặp, chồng chéo với các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp", đại biểu tỉnh Đồng Tháp đề xuất.

    dai bieu lo ngai nguoi nuoc ngoai nup bong thau tom dat dai o viet nam2
    Đại biểu Bế Minh Đức. Ảnh: Vietnamnet

    Vietnamnet đưa tin, đại biểu Bế Minh Đức (tỉnh Cao Bằng) cũng băn khoăn về nội dung này. Ông nói dự thảo quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư hoặc sở hữu 250 căn nhà ở riêng lẻ là quá lớn.

    Ông cho rằng việc này dễ dẫn đến tổ chức, cá nhân nước ngoài có điều kiện kinh tế đầu cơ, tích tụ nhà ở tại Việt Nam, lũng đoạn thị trường, làm giá...

    Trong khi người Việt Nam có nhu cầu lại khó tiếp cận nhà ở. Ông đề nghị tách quyền sở hữu, số lượng sở hữu nhà ở của tổ chức và cá nhân vì nhu cầu khác nhau, đồng thời, phải đánh giá cụ thể với cá nhân.

    Vân Anh(T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/dai-bieu-lo-ngai-nguoi-nuoc-ngoai-nup-bong-thau-tom-dat-dai-o-viet-nam-a579468.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan