Cựu bộ trưởng Tài chính Khalid Payenda, người đã từ chức vào giữa tháng 8 vừa qua sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul (Afghanistan), cho biết khoảng 300.000 "lính ma" là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền dân cử Afghanistan.
Cụ thể, ông Payenda nói rằng khoảng 300.000 người này là do các quan chức tham nhũng tự "sáng tạo" ra và thêm vào danh sách để "bỏ túi" thêm tiền. Ông nói rằng những người "lính ma" này chỉ tồn tại trên giấy tờ chứ không hề có thật.
Theo đó, ông chỉ ra, những hồ sơ dự đoán về khả năng trụ vững của chỉnh phủ Afghanistan khi Mỹ rút quân sau 20 năm là hoàn toàn không chính xác.
Trao đối với hãng tin BBC, cựu bộ trưởng Afghanistan cho biết: "Về cách thống kê binh lính, chúng tôi hỏi người đứng đầu ở tỉnh đó rằng họ có bao nhiêu người và dựa vào đó có thể tính toán tiền lương và chi phí khẩu phần ăn".
Payenda tiết lộ rằng một số chỉ huy đã giữ thẻ ngân hàng của những cá nhân không bao giờ được hạch toán để lấy tiền lương của họ. Ông cho rằng các con số có thể đã bị thổi phồng lên gấp 6 lần so với thực tế.
Được biết, ông Payenda trước đây cũng từng đưa ra tuyên bố về việc có "lính ma" trong lực lượng chính phủ cũ của Afghansitan vào hồi tháng 9. Khi ấy, trao đổi với Afghanistan Analysts Network, ông nói rằng quân số chỉ là "lừa dối". Trên thực tế, số binh lính thực sự của Afghansitan chỉ khoảng 40.000 đến 50.000 người.
Ông chia sẻ: "Những còn số còn lại đều là lính ma. Có những nơi đáng lẽ phải có tới 1.000 binh lính thì thực tế chỉ có 35 người. Họ đã thông đồng với các căn cứ quân sự khai khống để nhận thêm khoản tiền lương thực và các thứ khác rồi chia nhau số tiền tăng thêm đó".
Tổng thanh tra đặc biệt Mỹ về vấn đề Tái thiết Afghanistan (SIGAR) trong một báo cáo năm 2016 cũng từng cho biết "cả Mỹ và Afghanistan đều không biết có bao nhiêu binh lính và cảnh sát tại Afghanistan thực sự tồn tại, có bao nhiêu người sẵn sàng làm nhiệm vụ cũng như khả năng hoạt động thật sự của họ".
Báo cáo hàng quý của SIGAR năm 2021 đã được Quốc hội Mỹ phân tích để tìm ra nguyên nhân Lực lượng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Afghanistan (ANDSF) thể tan rã chỉ trong 11 ngày. Trong đó, báo cáo liệt kê "các vấn đề về tính hợp pháp được của chính phủ Afghanistan" cùng "sự lãnh đạo kém và nạn tham nhũng tràn lan" là hai yếu tố chính.
Ngoài ra, ông Payenda nói thêm rằng những binh lính thực sự của lực lượng thường bị trả lương muộn hơn trong khi các nhà lãnh đạo của họ tham nhũng vào tiền lương của chính phủ và các khoản hối lộ từ Taliban để dễ dàng từ bỏ chiến đấu.
Minh Hạnh (Theo New York Post)