Quyết định ngày 7/11 là đợt bổ nhiệm quy mô lớn đầu tiên của Taliban sau khi lực lượng này thành lập chính phủ lâm thời Afghanistan hồi tháng 9. Trong số 44 quan chức mới có Qari Baryal, tỉnh trưởng Kabul, và Wali Jan Hamza, cảnh sát trưởng Kabul.
Chỉ huy an ninh trước đây của Kabul là Hamdullah Mokhlis, thiệt mạng trong vụ đụng độ với các tay súng IS tấn công bệnh viện Sardar Daud Khan hôm 2/11. Mokhlis, thành viên của mạng lưới Haqqani, là thành viên cao cấp nhất của Taliban thiệt mạng sau khi lực lượng này tiếp quản thủ đô Kabul.
Một số chuyên gia cho biết thêm những nhân vật được Taliban chọn bổ nhiệm vào các chức vụ trong chính phủ mới hầu hết là các thủ lĩnh của lực lượng này, vốn hoạt động tại các tỉnh Helmand và Kandahar ở miền Nam Afghanistan.
Đây được xem như một động thái nhằm tiếp tục củng cố quyền hành của lực lượng này, trong bối cảnh Afghanistan đang phải vật lộn với những khó khăn đang tăng cao về an ninh và kinh tế.
Taliban đã giành quyền lực tại Afghanistan vào ngày 15/8, song phải đối mặt với trận chiến khó khăn với lời cam kết khôi phục trật tự và an ninh sau nhiều thập kỷ chiến tranh.
Tổ chức Khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã tiến hành hàng loạt các vụ tấn công trên khắp đất nước, trong khi nền kinh tế rơi vào khủng hoảng. Đã xuất hiện những lời kêu gọi quốc tế yêu cầu Taliban đàm phán với các tổ chức chính trị khác để thành lập một chính phủ toàn diện, bao gồm cả dân tộc thiểu số và phụ nữ, mặc dù vậy đến nay vẫn chưa có tiến triển đáng kể trong vấn đề này.
Tuần trước, Taliban đã cấm người dân sử dụng ngoại tệ tại Afghanistan. “Tình hình kinh tế và lợi ích quốc gia đòi hỏi mọi người dân phải sử dụng đồng tiền Afghanistan trong mọi giao dịch”, Taliban nói.
Trước đó, người dân sống dọc biên giới Afghanistan vẫn dùng tiền của các nước láng giềng như Pakistan để mua bán, trao đổi. Đồng USD cũng được sử dụng rộng rãi trong các khu chợ Afghanistan.
Mộc Miên (Theo euronews.com)