+Aa-
    Zalo

    Cười ra nước mắt khi ly hôn chồng đòi vợ bồi thường “đời trai”

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Mới đây, một bản án xét xử ly hôn khiến các luật sư tranh cãi về việc chồng đòi vợ bồi thường “đời trai”.

    Mới đây, một bản án xét xử ly hôn khiến các luật sư tranh cãi về việc chồng đòi vợ bồi thường “đời trai”. Đây cũng không phải lần đầu xuất hiện những yêu cầu “đặc biệt” khiến quan tòa bối rối.

    Vợ đòi ly hôn, chồng yêu cầu bồi thường “đời trai”

    Theo một bản án ly hôn của TAND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, người chồng là bị đơn đã đưa ra yêu cầu mong muốn đoàn tụ, nếu người vợ nhất quyết muốn ly hôn thì phải bồi thường “đời trai” cho chồng.

    Cụ thể, theo bản án số 05/2018/HNGĐ- ST ngày 26/3/2019 về việc tranh chấp ly hôn, HĐXX xét thấy người chồng cũng không thiện chí đoàn tụ nên chấp nhận yêu cầu ly hôn của người vợ. Do hai bên không có con chung và yêu cầu chia tài sản nên tòa án không xem xét giải quyết.

    Được biết, người chồng (bị đơn) trong vụ án là anh Võ Chí L. (SN 1988) và người vợ (nguyên đơn) là chị Hoàng Thị Kim C. (SN 1992). Cả hai cùng ngụ tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

    Theo nội dung vụ án, chị C. và anh L. đăng ký kết hôn vào ngày 29/6/2017. Trong thời gian đầu hôn nhân, đời sống vợ chồng vẫn hạnh phúc và làm những công việc cũ trước khi đăng ký kết hôn. Nhưng được một thời gian, anh L. luôn nghi ngờ vợ nên đã sỉ nhục, xúc phạm, chửi bới thậm tệ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự cá nhân chị C.. Mặt khác, anh L. luôn có lời lẽ so sánh, miệt thị cách sống, xuất thân của bên nhà vợ. Do đó, từ ngày 1/1/2018, chị C đã về sống nhà bố, mẹ đẻ cho đến nay và vợ chồng không còn quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Nhận thấy tình cảm vợ chồng không thể hàn gắn, mâu thuẫn đến mức trầm trọng nên chị C. yêu cầu toà án giải quyết được ly hôn với anh L..

    Khi ly hôn chồng đòi vợ bồi thường “đời trai". Ảnh minh hoạ 

    Tại bản tự khai ngày 29/1/2018 và ý kiến trong các lần hoà giải, anh Võ Chí L. trình bày, về mâu thuẫn giữa vợ chồng thì việc cãi vã, xúc phạm nhau như chị C. trình bày là không đúng sự thật mà chỉ dừng lại ở mức tranh luận. Theo anh, vì mâu thuẫn giữa vợ chồng chưa đến mức trầm trọng nên anh không đồng ý ly hôn và mong muốn vợ chồng được đoàn tụ, cùng nhau xây dựng hạnh phúc gia đình. Tuy nhiên, tại buổi hoà giải lần thứ hai, ngày 6/3/2018, anh L. lại bổ sung ý kiến rằng nếu chị C. cương quyết ly hôn thì anh L. yêu cầu chị C. phải trả lại danh dự một “đời trai đã mất” cho anh. Lúc đó, anh mới đồng ý thuận tình ly hôn. Tại phiên toà, các bên đương sự vẫn giữ nguyên ý kiến, không thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và yêu cầu HĐXX giải quyết theo quy định của pháp luật.

    Nhận thấy anh L. cũng không thiện chí trong việc hàn gắn hạnh phúc gia đình, tình cảm của các bên thật sự không còn nên HĐXX căn cứ Điều 56 của luật Hôn nhân gia đình, chấp nhận yêu cầu ly hôn của chị C..

    Cụm từ “đời trai” có ảnh hưởng đến bản chất vụ án?

    Bình luận về vụ ly hôn “vô tiền khoáng hậu” này, luật sư Nguyễn Văn Quynh, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho rằng, việc yêu cầu bồi thường là bình thường và được pháp luật cho phép. Quan trọng là người yêu cầu có chứng minh được yêu cầu đòi bồi thường có hợp lý hay không.

    “Nguyên tắc pháp luật dân sự thể hiện rằng, ai cũng có quyền đòi bồi thường khi cảm thấy quyền và lợi ích của bản thân bị xâm phạm nhưng phải chứng minh mối quan hệ trực tiếp, đối phương là người có lỗi và có hành vi tổn hại, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình để yêu cầu bồi thường”, luật sư Quynh đánh giá.

    Chuyên gia pháp lý này cũng nhận xét, “đời trai” là cách nói nôm na trong đời sống, không có trong ngôn ngữ hành chính nhưng có thể hiểu đó là tổn thất về danh dự, tinh thần của người chồng.

    Đánh giá riêng về bản án của TAND huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, luật sư Nguyễn Văn Quynh bày tỏ: “Tôi cho rằng HĐXX vụ án này cần phải làm rõ “đời trai” là gì. Cách nói bình dân mà ghi vào bản án là không nên. Tuy nhiên, bản án đã có hiệu lực thì không thể chỉnh sửa và cụm từ “đời trai” cũng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”.

    Từ bản án này, nhiều người thắc mắc, trong vụ án lý hôn thì yêu cầu ly hôn bồi thường “tuổi xuân” hay “đời trai” có được không? Và dựa vào căn cứ nào để tòa án xem xét chấp nhận khoản bồi thường này?

    Một nữ thẩm phán của TAND huyện Củ Chi, TP.HCM nêu ý kiến: “Trong mối quan hệ hôn nhân, điều kiện quan trọng nhất để xác lập cuộc hôn nhân hợp pháp là hai bên nam và nữ phải có sự tự nguyện quyết định, không được ép buộc nhau, không bên nào được lừa dối bên nào, không ai được cưỡng ép hoặc cản trở. Như vậy, quan hệ hôn nhân là dựa trên sự tự nguyện của cả hai người, không có yếu tố lỗi nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường”.

    Vị thẩm phán còn cho rằng, luật pháp hiện nay chưa có văn bản nào quy định cụ thể về vấn đề này cũng như mức bồi thường. Do đó, trong vụ án ly hôn, số tiền bồi thường cho “đời trai” hay “tuổi thanh xuân” có được đưa ra hay không là vấn đề thoả thuận của hai bên và không có tính chất bắt buộc. Và cũng do việc áp dụng thoả thuận giúp cho vụ việc ly hôn được giải quyết nhanh chóng hơn nên các toà án thường khuyến khích các bên áp dụng, để giải quyết nhanh gọn trong trường hợp một trong hai bên còn chưa chấp nhận việc ly hôn.

    Các chuyên gia pháp lý phân tích thêm, về mặt nguyên tắc, nếu xác định đây là một khoản tiền bồi thường thì cần phải xác định được mức độ thiệt hại và hành vi trái pháp luật dẫn đến thiệt hại đó như thế nào. Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần hay ly hôn bồi thường “tuổi xuân”, “đời trai” sẽ chỉ được toà án công nhận trong bản án, quyết định của toà khi hai bên tiến hành tự thoả thuận với nhau. Chính vì vậy, nếu khoản tiền bồi thường này đã được quyết định rõ trong bản án của TAND thì các bên phải có trách nhiệm bắt buộc phải bồi thường cho người còn lại.

    Nhưng trong thực tế, tòa án vẫn tính toán đến công sức đóng góp và duy trì cuộc sống hôn nhân giải quyết hài hòa và nhân văn quyền lợi mọi mặt cho đương sự. Trong đó, tòa án sẽ ưu tiên bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Vì sau khi ly hôn, nữ giới thường sẽ là người chịu nhiều thiệt thòi và cơ hội tạo lập cuộc sống mới cũng như tìm một hạnh phúc mới sẽ khó khăn và hạn chế hơn nam giới.

    HÀ NHÂN
    Bài đăng trên ấn phẩm báo Đời Sống & Pháp Luật số 151
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoi-ra-nuoc-mat-khi-ly-hon-chong-doi-vo-boi-thuong-doi-trai-a293800.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan