(ĐSPL) - Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo giảm giá cước vận tải vì giá nhiên liệu đã giảm liên tục trong thời gian qua.
Ngày 26/8, Bộ Tài chính cho biết đã có công văn gửi Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố về việc tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.
Theo Bộ Tài chính, vừa qua giá xăng dầu có xu hướng giảm rõ rệt và sẽ tác động tích cực đến thị trường nói chung, trong đó có thị trường vận tải bằng xe ô tô nói riêng.
Do đó, Bộ GTVT với chức năng quản lý giá chuyên ngành chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan yêu cầu các doanh nghiệp vận tải thực hiện kê khai lại giá cước phù hợp với biến động giảm của chi phí nhiên liệu đến giá cước; đồng thời thực hiện rà soát chặt chẽ so với mức giá nhiên liệu của kỳ kê khai liền kề trước để hướng dẫn và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện kê khai giá phù hợp.
Bộ Tài chính vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo giảm giá cước vận tải vì giá nhiên liệu đã giảm liên tục trong thời gian qua. |
Trong thời gian vừa qua, tính từ 4/6 đến nay, giá mặt hàng dầu diesel là nhiên liệu chủ yếu của các loại xe khách, xe tải, xe container… đã liên tục giảm. Tổng mức giảm qua năm lần là 2.940 đồng/lít (từ 16.360 đồng/lít xuống mức 13.420 đồng/lít). Tương tự, mặt hàng xăng A92, nhiên liệu của xe taxi, đã giảm liên tục bốn lần tính từ 19-6 đến nay, với tổng mức giảm là 2.180 đồng/lít (từ 20.710 đồng/lít còn 18.530 đồng/lít).
Trong khi đó, sau khi giá xăng tăng 1.950 đồng/lít hôm 5-5 và tăng 1.610 đồng/lít hôm 11/3, các hãng taxi đã tăng giá cước thêm 500 đồng/km hồi giữa tháng 5.
Và trước đó, khi giá xăng dầu liên tục giảm từ 7/7/2014 đến 21/1/2015 với tổng mức giảm là 9.970 đồng/lít (xăng) và 7.550 đồng/lít (dầu diesel), nhiều doanh nghiệp vận tải không hề giảm giá. Phải đến khi các cơ quan chức năng kiểm tra thì một số đơn vị mới thực hiện.
Cũng theo công văn này, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan (Công Thương, Giáo dục, Y tế, Quản lý thị trường, Thuế, Công an, Hải quan...) tiếp tục tham mưu và triển khai tăng cường công tác quản lý, bình ổn giá trên địa bàn, trong đó có việc yêu cầu và giám sát chặt chẽ việc kê khai giảm giá cước đối với dịch vụ vận tải bằng xe ô tô theo công văn của Bộ Tài chính về việc tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn.
Việc Bộ Tài chính ra công văn về việc tiếp tục tăng cường quản lý, bình ổn giá trên địa bàn được thực hiện, sau khi giá xăng dầu trong nước liên tục giảm sâu.
Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 6 lần giảm giá và 4 lần tăng giá (trong đó, tổng mức giảm là 4.390 đồng và tổng mức tăng là 5.040 đồng). Còn đối với giá dầu diezen đã có 8 lần giảm với tổng mức giảm giá là 4.680 đồng và 2 lần tăng giá với tổng mức tăng là 1.210 đồng. Giá dầu hoả có đến 10 lần giảm với tổng mức giảm là 5.610 đồng và 1 lần tăng giá ở mức 710 đồng. Madut có 7 lần giảm với tổng giảm là 4.410 đồng và 2 lần tăng giá có tổng mức tăng là 1.410 đồng.
Ngọc Anh(Tổng hợp)
[mecloud]AZRlA83v24[/mecloud]