+Aa-
    Zalo

    Cuộc sống nhiều người Lạng Sơn sẽ có gì thay đổi?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Đến năm 2020, cuộc sống của hơn 100 nghìn người Lạng Sơn sẽ được cải thiện. Đặc biệt, đối với những người dân ở vùng sâu vùng xa của Lạng Sơn.

    Đến năm 2020, cuộc sống của hơn 100 nghìn người Lạng Sơn sẽ được cải thiện. Đặc biệt, đối với những người dân ở vùng sâu vùng xa của Lạng Sơn.

    Theo thông tin từ UBND tỉnh Lạng Sơn, ước đến hết năm 2016 trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 355 công trình cấp nước tập trung; trên 30.150 giếng đào; 4.800 giếng khoan; 2.700 bể chứa nước mưa và trên 4.730 ống dẫn nước riêng hộ gia đình đạt 85% dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; 66.821 hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 45% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.

    Tại trường học các cấp gồm 733 trường (các điểm trường chính) trong đó có 594 trường có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 81% các trường học nông thôn có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh (các điểm trường chính). 207 trạm y tế xã cuối năm 2016 ước đạt 60% số trạm y tế có nước và nhà tiêu hợp vệ sinh.

    Vấn đề cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (VSMTNT) tại Lạng Sơn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và xác định là một bộ phận trong chính sách phát triển khu vực nông thôn; Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung đầu tư để thực hiện. Được sự nỗ lực của các sở, ban, ngành và sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân trên địa bàn, hiện đang triển khai sâu rộng Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, trong đó có cả mục tiêu về cấp nước sạch và VSMTNT.

    Ảnh minh họa: Đến năm 2020, Lạng Sơn phấn đấu có: 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh

    Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua là nền tảng vững chắc, tạo môi trường thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế - xã hội và nguồn lực cho thực hiện Chương trình MTQG nước sạch và VSMTNT.

    Kinh tế nông thôn miền núi từng bước ổn định, tạo điều kiện cho dân cư nông thôn tiếp cận và sử dụng nước sạch, cải thiện VSMTNT.

    Tuy nhiên, Lạng Sơn có điều kiện địa hình miền núi, bị chia cắt; lượng mưa ít và phân bố không đồng đều, mạng lưới sông, suối trung bình. Mật độ dân cư thấp, phân bố không tập trung, dân trí thấp, phong tục tập quán ở nhiều nơi còn lạc hậu; việc xây dựng các công trình cấp nước nông thôn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.

    Cơ sở hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển tích cực, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế và đời sống của người dân. Các nguồn lực đầu tư còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của tỉnh.

    Từ năm 2016, Lạng Sơn là 1 trong 21 tỉnh trong cả nước thực hiện Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả  vay vốn Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016 – 2020. Chương trình gồm 3 hợp phần: cấp nước nông thôn; vệ sinh môi trường nông thôn; nâng cao năng lực truyền thông, giám sát và đánh giá.

    Trên cơ sở của chương trình, Lạng Sơn cam kết thực hiện đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 25 xã được công nhận “vệ sinh toàn xã”, gồm 22.670 hộ với 101.498 người được hưởng lợi; 3.650 nhà tiêu hợp vệ sinh hộ gia đình được cải tạo, xây mới.

    56 công trình nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế xã được xây mới hoặc cải tạo với tổng nguồn vốn của 3 hợp phần là 10.287.120 USD. Để đạt được mục tiêu đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai các hoạt động như: mở lớp tập huấn cho cán bộ tuyến huyện về vệ sinh nông thôn, tổ chức mít tinh ngày Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân (2/7) nhằm kêu gọi sự hưởng ứng của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, người dân trên địa bàn tỉnh.

    Vệ sinh nông thôn Lạng Sơn được cải thiện.

    Năm 2016 và 2017, trung tâm đã triển khai chương trình tại 7 xã đạt vệ sinh toàn xã, gồm các xã: Vân Nham (Hữu Lũng), Hữu Vĩnh (Bắc Sơn), Gia Cát (Cao Lộc), Đình Lập (Đình Lập) và các xã Hữu Khánh, Đồng Bục, Yên Khoái, huyện Lộc Bình. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã xây mới, cải tạo 730 nhà tiêu hợp vệ sinh; đầu tư xây dựng, cải tạo 12 công trình cấp nước và nhà tiêu hợp vệ sinh trạm y tế xã. Riêng trong năm 2018, tỉnh đang chỉ đạo, triển khai, thực hiện thêm 8 xã thuộc các huyện: Cao Lộc, Văn Quan, Bình Gia, Bắc Sơn đạt vệ sinh toàn xã; hỗ trợ 470 hộ xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh và cải tạo, xây mới 15 công trình nước, nhà tiêu trạm y tế…. với tổng vốn đầu tư 1.070 triệu đồng.

    Từ khi triển khai chương trình, bằng nhiều nguồn vốn huy động, hỗ trợ, hiện trên địa bàn nông thôn trong tỉnh có 37.240 giếng đào, 5.100 giếng khoan, 5.050 bể chứa nước mưa, trên 5.300 ống dẫn nước riêng hộ gia đình và 362 công trình cấp nước tập trung.

    Đến nay, toàn tỉnh có 87% số hộ nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, trong đó, 47% sử dụng nước đạt Quy chuẩn 02: 2009/BYT. Các chỉ tiêu về vệ sinh môi trường nông thôn như: tỷ lệ hộ dân nông thôn có nhà tiêu, có chuồng trại chăn nuôi gia súc hợp vệ sinh; trường học và trạm y tế xã có nước, nhà tiêu hợp vệ sinh đều đạt cao. Kết quả đó đã góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện điều kiện sống, nâng cao sức khỏe của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các chỉ tiêu về tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.

    Đến năm 2020, Lạng Sơn phấn đấu có: 95% hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 75% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 100% trạm y tế xã và 100% điểm trường chính trường học nông thôn có nước, nhà tiêu hợp vệ sinh.

    Chính vì vậy, việc triển khai chương trình có ý nghĩa rất lớn về kinh tế – xã hội, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân. Cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành liên quan, rất cần sự chung tay của cả cộng đồng trong triển khai, thực hiện, cũng như quản lý tốt công trình sau đầu tư, đảm bảo hiệu quả sử dụng lâu dài cho người dân.

    Hữu Nguyện (T/h)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/cuoc-song-nhieu-nguoi-lang-son-se-co-gi-thay-doi-a256563.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan