+Aa-
    Zalo

    "Trùm cờ bạc" Nguyễn Văn Dương sa lưới, BOT Bắc Giang - Lạng Sơn bây giờ ra sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Sau 3 năm đình trệ, dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn mới thay đổi liên danh nhà đầu tư mới, song đứng đầu vẫn là doanh nghiệp “trùm cờ bạc” Nguyễn Văn Dương.

    Sau 3 năm đình trệ vì chủ đầu tư cũ không đảm bảo tài chính, dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn mới thay đổi liên danh nhà đầu tư mới, song đứng đầu vẫn là doanh nghiệp “trùm cờ bạc” Nguyễn Văn Dương.

    Bóng dáng Nguyễn Văn Dương tại BOT Bắc Giang - Lạng Sơn

    Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - TP.Lạng Sơn (gọi tắt là BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) được khởi công ngày 5/7/2015, do liên danh nhà đầu tư gồm: Công ty CP Đầu tư UDIC (UDIC Invest), công ty CP Đầu tư 468, công ty CP Giao thông Xây dựng số 1, công ty TNHH Mỹ Đà, công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành.

    Dự án có tổng vốn đầu tư là 12.188,66 tỷ đồng; sử dụng 100% vốn của nhà đầu tư tư nhân, trong đó UDIC Invest góp cổ phần nhiều nhất, hơn 491 tỷ đồng (chiếm 38% vốn chủ sở hữu).

    Về UDIC Invest, doanh nghiệp này được thành lập vào cuối tháng 1/2010 với vốn điều lệ 45 tỷ đồng. Cổ đông sáng lập gồm tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí Việt Nam (do ông Vũ Quang Hải làm đại diện) nắm giữ 5%, tổng công ty Đầu tư Phát triển hạ tầng đô thị (UDIC, do ông Hoàng Đức Nhuận đại diện) sở hữu 10%, công ty CP Thương mại Việt Hồng (do ông Nguyễn Văn Dương đại diện) nắm giữ 20%, cổ đông cuối cùng chính là ông Dương với tỷ lệ nắm giữ là 45%.

    "Trùm cờ bạc" Nguyễn Văn Dương từng thực hiện việc rửa tiền tại dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

    Như vậy là “trùm cờ bạc” Dương nắm giữ cả trực tiếp lẫn gián tiếp lên tới 65% cổ phần của doanh nghiệp đứng đầu liên doanh nhà đầu tư BOT Bắc Giang - Lạng Sơn này.

    Đến ngày 20/4/2017, ông Dương đã nâng tỷ lệ nắm giữ tại UDIC Invest lên 99,5%, tương đương gần 78 triệu cổ phần. Nhưng thực tế tại thời điểm đó, Dương chỉ có 33 triệu cổ phần có giá trị thực, tương ứng số tiền gần 330 tỷ đồng mà UDIC Invest đã chuyển vào công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, số cổ phần còn lại là không có thực do việc nâng khống vốn điều lệ.

    Theo dự kiến ban đầu, dự án sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong năm 2018, với thời gian thu phí hoàn vốn đầu tư là 21 năm 5 tháng.

    Tuy nhiên, sau khi ký hợp đồng với bộ Giao thông Vận tải (GTVT), liên danh nhà đầu tư đã không thể thu xếp được vốn chủ sở hữu và ký được hợp đồng tín dụng vay vốn với ngân hàng, khiến dự án BOT này rơi vào bế tắc và “giậm chân tại chỗ” trong gần 2 năm.

    Vào tháng 3/2017, bộ GTVT đã phải ra văn bản dự kiến phương án chấm dứt hợp đồng với liên danh nhà đầu tư BOT.

    Đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền từ bộ GTVT về tỉnh Lạng Sơn đối với dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn. Như vậy tỉnh này sẽ là cơ quan đại diện ký hợp đồng BOT với nhà đầu tư. Đây cũng là trường hợp đầu tiên trong lịch sử ngành giao thông có một dự án từ bộ GTVT chuyển về cho tỉnh làm đại diện.

    Theo báo Đấu Thầu, mới đây ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho biết, dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng vốn đầu tư tăng hơn 8.300 tỷ đồng so với con số công khai trước đây, lên gần 21.000 tỷ đồng. Tổng mức vốn đầu tư của dự án tăng là do UBND tỉnh Lạng Sơn đã bổ sung thêm tuyến đường Hữu Nghị - Chi Lăng dài 43 km.

    Cũng theo ban Quản lý Dự án này, hợp đồng BOT mới được ký ngày 26/5/2018 giữa liên danh 4 nhà đầu tư với UBND tỉnh Lạng Sơn, gồm: công ty CP Đầu tư UDIC, công ty CP Licogi 16, công ty TNHH Hòa Hiệp và công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà. Doanh nghiệp dự án thành phần 1 là công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn; Doanh nghiệp dự án thành phần 2 là công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị.

    Như vậy, đứng đầu liên danh vẫn là UDIC Invest, nhưng bên trong “ruột” của doanh nghiệp này đã được thay thế bởi một cái tên khác là Deoca Group.

    Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả (Deoca Group) là cái tên mới đổi từ tháng 5/2018 của công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn (SBRC), hiện là công ty mẹ của UDIC Invest.

    “Trùm cờ bạc” Nguyễn Văn Dương rửa tiền tại UDIC Invest thế nào?

    Ngày 31/8, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định truy tố đối với 92 bị can trong dường dây đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh.

    Hai đối tượng cầm đầu trong đường dây này cùng bị truy tố về 2 tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền là Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Đầu tư Phát triển an ninh công nghệ cao - CNC) và Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc công ty VTC online).

    Cáo trạng nêu rõ, sau khi thành lập công ty CNC, được cựu Trung tướng bộ Công an Phan Văn Vĩnh và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa tạo điều kiện hoạt động, Dương đã cùng với Phan Sào Nam đã ký hợp đồng hợp tác phát triển sòng bạc trực tuyến RikVip/Tip.Club, thuê tên miền, đăng ký tin nhắn thương hiệu, xây dựng các cổng thanh toán trực tuyến…

    Nội dung truy tố cho thấy, đường dây đánh bạc nghìn tỷ bằng hình thức game bài Rikvip/Tip.Club do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam cầm đầu với 25 đại lý cấp 1, 5.877 đại lý cấp 2 và hơn 42 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến khác nhau. Tổng thu lời bất chính qua hoạt động nạp tiền, thẻ, dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép là hơn 9.000 tỷ đồng.

    Trong đó, số tiền doanh thu tổ chức đánh bạc trực tuyến Nguyễn Văn Dương - CNC hưởng lợi hơn 1.655 tỷ đồng.

    Từ trái qua phải: Cựu Trung tướng bộ Công an Phan Văn Vĩnh, cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa và "trùm cờ bạc" Nguyễn Văn Dương.

    Sau khi thu lời bất chính, để rửa tiền, Nguyễn Văn Dương đã chuyển hơn 576 tỷ đồng vào công ty cổ phần đầu tư UDIC, góp vốn 330 tỷ đồng vào dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.

    Khi tiền chuyển qua Công ty UDIC, ngày 17/4/2017, Dương tách công ty này thành hai công ty (công ty Cổ phần đầu tư UDIC và công ty Cổ phần Đầu tư CNC), rồi bán cổ phần sở hữu tại công ty UDIC cho các công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng cầu đường Sài Gòn, công ty Cổ phần quản lý và khai thác hầm đường bộ Hải Vân, công ty Cổ phần tập đoàn Hải Thạch, thu về số tiền 270 tỷ đồng.

    Bên cạnh đó, Dương lấy 150 tỷ đồng từ số tiền bán cổ phần nêu trên để mở 2 sổ tiết kiệm, mua 2 căn hộ trị giá hợp đồng 61 tỷ đồng và chi tiêu cá nhân.

    Số tài sản này đã bị cơ quan điều tra tịch thu nhằm khắc phục thiệt hại. Dương bị đề nghị mức án tổng hợp 11-13 năm tù, hình phạt cao nhất trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ.

    Sau 10 ngày thẩm vấn và 3 ngày tranh tụng, chủ tọa thông báo HĐXX sẽ công bố bản án vào sáng 30/11 sắp tới.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/trum-co-bac-nguyen-van-duong-sa-luoi-bot-bac-giang---lang-son-bay-gio-ra-sao-a252905.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan