Với kỳ vọng biến những thành phần từ tự nhiên trở thành một “cuộc cách mạng” dược liệu, góp phần “tiêu diệt” tế bào ung thư và điều trị xơ vữa động mạch, nhóm học sinh THPT ở Hà Nội đã dành sự đam mê cho nghiên cứu sản phẩm NanoRes, trở thành quán quân khởi nghiệp năm 2019.
Các bạn trẻ giới thiệu sản phẩm của mình tới những người quan tâm. |
“Cuộc cách mạng” NanoRes
Xuất phát từ sự đồng điệu của niềm đam mê nghiên cứu khoa học, 4 học sinh ở 3 ngôi trường THPT đã tìm đến nhau, cùng thống nhất sẽ phát triển một dự án vừa là cơ hội để trải nghiệm, trau dồi, tích lũy cho bản thân, vừa đóng góp những giá trị “trong tầm tay” cho cuộc sống.
Sau nhiều tháng nghiên cứu kỹ lưỡng nguồn tài liệu nước ngoài về công nghệ nano và thành phần resveratrol, các thành viên gồm Lưu Hải Lân, Vũ Đức Minh (trường THCS&THPT Quốc tế Thăng Long), Nguyễn Mai Tùng Lâm (THPT Phan Đình Phùng), Nguyễn Hà Quỳnh Anh (THPT Việt Đức) mới bắt tay tiến hành.
Chia sẻ về ý tưởng ban đầu, nhóm phó Nguyễn Mai Tùng Lâm cho biết: “Qua tìm hiểu, nhóm nhận thấy xơ vữa động mạch là một bệnh khá phổ biến, khoảng 46% người Việt Nam đang mắc. Ngay trong gia đình em cũng có một người bác bị xơ vữa động mạch, đã phải chạy chữa rất tốn kém thời gian, của cải nhưng tình trạng chưa được cải thiện tốt. Chính vì vậy, nhóm mong muốn thực hiện dự án này cũng như một cách để giúp đỡ chính những người thân trong gia đình.
Đặc biệt, sau khi học những bài học lịch sử về Thế chiến thứ II với quy mô tầm cỡ và nhiều phát minh vĩ đại, chúng em bỗng nảy ra ý tưởng, muốn thực hiện một “cuộc cách mạng” mang sức ảnh hưởng giống như cuộc cách mạng chống phát xít ở châu Âu vậy. Nhưng tại Việt Nam thì sẽ là trên lĩnh vực công nghệ, để có thể tìm dược liệu cho ung thư và xơ vữa động mạch, đồng thời, phát triển công nghệ nano ở Việt Nam và vươn tầm ra thế giới”.
Mặc dù mới chỉ hội ngộ hơn một năm và bàn bạc, thảo luận các ý tưởng qua mạng xã hội, nhưng dường như cả 4 thành viên đều thể hiện được thế mạnh của bản thân để đẩy nhanh tiến trình nghiên cứu. Sau khi đã nắm vững những kiến thức, cả nhóm quyết định gặp gỡ để hiện thực hóa ý tưởng. Dự án mới chỉ chính thức được khởi động cách đây hơn 5 tháng, nghiên cứu thử nghiệm điều chế sản phẩm.
Nam sinh Phan Đình Phùng nhớ lại: “Chúng em đến từ 3 ngôi trường khác nhau, nên lịch học khác nhau, dẫn đến hạn chế về mặt thời gian trao đổi, tương tác và cùng nhau nghiên cứu. Khi dự án còn đang manh mún, các thành viên chỉ liên lạc trao đổi với nhau qua video call, những cuộc gọi có khi kéo dài cả mấy tiếng đồng hồ chỉ để thống nhất một ý tưởng. Đam mê nghiên cứu và tinh thần làm việc nhóm đã đưa chúng em đến gần nhau hơn, thấu hiểu nhau hơn, khắc phục những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh”.
Vốn có tố chất thủ lĩnh và ưu thế nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, học sinh Lưu Hải Lân trở thành trưởng nhóm dự án, cùng với 3 thành viên còn lại say mê tìm tòi qua hàng trăm cuộc thử nghiệm khác nhau để đạt được sản phẩm ưng ý và đảm bảo tiêu chuẩn. Hải Lân cho biết, thực hiện dự án cũng là cách để cậu thử thách bản thân, trưởng thành hơn.
Những “nhà nghiên cứu” 17 tuổi phải tìm hiểu kiến thức “vượt tầm” so với chương trình học phổ thông hiện tại, lại vừa phải cân bằng việc học vừa tập trung nghiên cứu, nhưng không vì vậy mà chùn bước trước khó khăn. NanoRes đã phải trải qua hàng trăm thử nghiệm, sau mỗi lần thất bại, lại tiếp tục đứng lên, kiên trì làm ra sản phẩm.
Cô nữ sinh duy nhất trong nhóm Nguyễn Hà Quỳnh Anh bộc bạch: “Em rất tâm đắc với một câu nói của tỷ phú Jack Ma: “Thất bại thực sự là khi dừng tiến bước phía trước”. Đúng vậy, khi vấp ngã 7 lần thì phải biết đứng dậy 8 lần mới có thể thành công. Và chúng em cũng có hàng trăm lần thất bại, thậm chí thất bại đến mức muốn từ bỏ”.
Tính đến nay, dự án NanoRes trải qua nhiều đợt thử nghiệm nghiên cứu, sản phẩm chất lượng được kiểm định tại viện Vệ sinh an toàn thực phẩm và viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
Nhóm học sinh THPT ở Hà Nội giành quán quân khởi nghiệp năm 2019 |
Mượn phòng thí nghiệm để nghiên cứu
Chặng đường tìm ra được công thức đúng cho sản phẩm NanoRes cũng không tránh khỏi những mâu thuẫn về ý tưởng, và gặp trở ngại về điều kiện, thời gian, cơ sở vật chất... Chàng nhóm phó năng động Tùng Lâm chia sẻ: “Căng thẳng nhất là khi tất cả các thành viên của nhóm mâu thuẫn, vì không tìm được tiếng nói chung, thậm chí, đã có lúc, chúng em tưởng như không thể hòa hợp được mà phải từ bỏ. Những lúc như vậy, là nhóm phó, em cố gắng tạo sự gắn kết cho tất cả các thành viên thành một khối. Bởi vì, chúng em hiểu được rằng, mối liên kết đó sẽ giúp chúng em chạm tay đến thành công đầu tiên, là trở thành quán quân như ngày hôm nay và còn có thể tiến xa hơn nữa”.
Nửa đầu thời gian của dự án, các thành viên chỉ tập trung 3 buổi sáng/tuần, thời gian nghiên cứu khá ít nên hiệu quả công việc không cao. Tuy nhiên, bước vào giai đoạn sau, cả nhóm đã quyết định dành toàn phần quỹ thời gian cho dự án, để nghiên cứu đưa ra sản phẩm, có những khi nghiên cứu từ 8h-22h, thậm chí, có những buổi mải mê nghiên cứu đến tận 2h sáng hôm sau.
“Trong qua trình thực hiện, chúng em cũng phát hiện ra được nhiều điều bất ngờ mới. Những sản phẩm từ resveratrol đã được nhiều trường đại học nổi tiếng như Havard nghiên cứu từ rất lâu, đã đưa ứng dụng trên thị trường nên không quá khó khăn. Tuy nhiên, phần “khoai” nhất của chúng em là phải tìm hiểu làm sao áp dụng công nghệ nano vào sản phẩm này”, Tùng Lâm tiết lộ.
Với thế mạnh marketing, nam sinh Vũ Đức Minh dành nhiều thời gian hơn cho việc phát triển tính thương mại của sản phẩm: “Để hoàn thành dự án, em phải bắt tay nghiên cứu những tài liệu không có sẵn trên Google, chỉ có ở những nguồn tài liệu đặc biệt. Chỉ mình em phụ trách nên không biết chia sẻ với ai, gần như phải tự lực hoàn toàn. Vì dự án, em cũng đã phải thay đổi nếp sinh hoạt của mình.
Trước đây, em vốn sinh hoạt giờ giấc rất quy củ, chỉ cần chệch giờ một chút đã không chịu được, nhưng khi thực hiện dự án, có những buổi nghiên cứu say mê đến nỗi em “phá lệ” thức khuya hơn mà vẫn tập trung chăm chú. Bởi vì, nhìn các bạn cật lực làm việc mình cũng không đành nghỉ ngơi”.
Điểm lại những khó khăn, chị Trịnh Thị Hải Lý (SN 1996), một trong những người đồng hành cùng dự án NanoRes từ những ngày đầu tiên cho biết: “Thử thách lớn nhất dành cho những “nhà nghiên cứu” 17 tuổi này có lẽ đến từ cơ sở vật chất kỹ thuật. Việc các bạn ấy phải tích lũy những kiến thức cao hơn so với các kiến thức được học trên lớp; hay việc tìm ra công nghệ nano và quy trình tạo hạt... cũng chưa thách thức lớn bằng hạn chế máy móc và các trang thiết bị. Không có phòng thí nghiệm, NanoRes đã phải ròng rã suốt gần 4 tháng đi xin mượn phòng nghiên cứu tại trường đại học Bách khoa Hà Nội và viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam”.
Sẵn sàng cho cuộc chiến ung thư
Nhóm phó Tùng Lâm bật mí: “Hiện tại, dự án NanoRes đã bước đầu nhận được tín hiệu đáng mừng, những sản phẩm đầu tay đã được phân phối trên thị trường, đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, gần đây, chúng em nghiên cứu thử nghiệm trên mô hình in vitro IC50 với 2 dòng tế bào ung thư vú, để mở ra một con đường mới về cách chữa bệnh ung thư, mở ra một cơ hội sống khác cho những bệnh nhân ung thư”.
Bên cạnh sản phẩm dược liệu, những nhà quán quân khởi nghiệp năm nay còn xây dựng một phần mềm ứng dụng mang tên NanoRes trên nền tảng Android, là mô hình tiếp thị liên kết. Trong đó, NanoRes đóng vai trò là nhà cung cấp sẽ trả “hoa hồng” cho CTV với mỗi khách hàng thực có đơn hàng mà CTV mang lại.
Hệ thống CTV mà NanoRes muốn hướng đến là các tài xế taxi, người sử dụng smartphone muốn kiếm thu nhập thụ động, những người kinh doanh online có thể tiếp thị các sản phẩm Nano Resveratrol.
Chia sẻ về những kế hoạch tiếp theo, cô gái duy nhất trong nhóm khẳng định: “Chúng em luôn mong muốn sản phẩm của mình có thể giúp phòng và chữa bệnh xơ vữa động mạch cho nhiều người sử dụng hơn trong tương lai. Với phương châm: Làm ra một sản phẩm thì không chỉ nên giữ giá trị của nó mà phải luôn tìm tòi, học hỏi đưa nó lên tầm cao mới, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm Nano Resveratrol để cải thiện về mặt chất lượng, cũng như bao bì, nhãn mác phù hợp với yêu cầu và thị hiếu của khách hàng. Và chắc chắn, hệ sinh thái NanoRes sẽ không dừng lại ở một sản phẩm mà còn mở rộng hơn nữa bằng các sản phẩm từ dược liệu thiên nhiên ứng dụng công nghệ nano”.
Cẩm Mịch