Bộ GTVT vừa có Văn bản số 3512/BGTVT-KHCN&MT gửi đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Vĩnh Long gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Theo đó, cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: “Cử tri đang băn khoăn về việc quy định tàu du lịch phải gắn thiết bị định vị nhưng kinh tế của các hộ kinh doanh còn thấp, bấp bênh không đảm bảo kinh phí để đầu tư thiết bị này. Do đó, cử tri kiến nghị cần xem xét bỏ quy định này hoặc có chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để đầu tư gắn thiết bị định vị trên tàu du lịch”.
Trả lời về nội dung nêu trên, Bộ GTVT cho biết, Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn về phát triển vận tải thủy nội địa. Vận tải thuỷ nội địa là phương thức vận tải hàng hoá có thị phần đứng thứ 2 trong các ngành vận tải. Tuy nhiên, nguy cơ mất an toàn giao thông đường thuỷ rất cao, thực tế đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông thuỷ nghiêm trọng. Việc quản lý và cung cấp, cập nhật thông tin an toàn thường xuyên về phương tiện thủy nội địa, thuyền viên người lái trong quá trình khai thác vận tải là vô cùng cần thiết.
Việc bắt buộc lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS (đã tích hợp tính năng định vị vệ tinh) trên các phương tiện thủy nội địa là nền tảng để tăng cường an toàn giao thông thuỷ nội địa. Tăng cường khả năng tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ hàng hải; là nền tảng để thực hiện hệ thống Thông tin Đường thuỷ (kết hợp Hải đồ điện tử, Thông tin dẫn đường, thông tin dịch vụ ...), thương mại điện tử, triển khai các dịch vụ hành chính công cấp độ 4 trong vận tải thuỷ (thủ tục điện tử bến/cảng, thủ tục xếp dỡ hàng hoá, hoá đơn, vận đơn điện tử, thủ tục xuất nhập khẩu điện tử, thu phí), là những công cụ cơ bản để hiện đại hoá vận tải thuỷ.
Là công cụ để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với phương tiện, thuyền viên người lái, hành khách, hàng hoá trong vận tải thuỷ (giám sát hành trình, điều động tàu ra vào cảng bến, tránh va, vượt khoang thông thuyền, vượt chướng ngại vật, hành trình đúng luồng tuyến, đúng tốc độ, đúng cảng bến được cấp phép, khai báo thuyền viên, hành khách, hàng hoá).
Với tôn chỉ “tính mạng con người là trên hết” và phù hợp với lộ trình thực hiện theo Quyết định số 666/QĐ-BGTVT ngày 04/4/2018, Bộ GTVT đã xây dựng, ban hành quy định bắt buộc phải lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS trên phương tiện chở khách, đặt biệt đối với tàu khách chở từ 20 hành khách trở lên.
Qua đó cho thấy việc lắp đặt thiết bị thiết bị AIS trên phương tiện thủy nội địa chở khách là rất cần thiết, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng cho người và phương tiện trong quá trình vận hành, khai thác.
Về quy định lắp đặt thiết bị, Bộ GTVT cho biết theo quy định về lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh (GPS) cho các tàu du lịch chỉ áp dụng đối với tàu có động cơ, cấp VR-SB (có chiều dài < 30 m và các tàu khác chạy chuyên tuyến từ bờ ra đảo hoặc giữa các đảo với khoảng cách giữa hai đầu tuyến hoặc cách bờ không quá 15 km, căn cứ vào tình hình cụ thể về điều kiện thông tin liên lạc và điều kiện ứng cứu hai đầu tuyến thì có thể được cơ quan Đăng kiểm xem xét miễn trang bị).
Đối với tàu khách chở trên 20 khách phải lắp thiết bị nhận dạng tự động AIS (được tích hợp thiết bị thu định vị vệ tinh (GPS), mục đích phục vụ cho công tác quản lý và an toàn hàng hải.
Về các trường hợp cần xem xét việc miễn trang bị thiết bị, theo quy định hiện hành, căn cứ tình hình cụ thể về điều kiện thông tin liên lạc và điều kiện ứng cứu hai đầu tuyến thì phương tiện có thể được cơ quan Đăng kiểm xem xét miễn trang bị thiết bị định vị.
Ngoài ra, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và trường hợp cụ thể, Bộ GTVT có thể miễn giảm hoặc gia hạn việc trang bị thiết bị AIS trên cơ sở đề xuất của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Do đó, trong quá trình thực hiện đã có những trường hợp cụ thể đã được miễn trang bị các thiết bị định vị và thiết bị nhận dạng tự động (AIS).
Đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Long về việc có chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để đầu tư gắn thiết bị định vị trên tàu du lịch. Bộ GTVT ủng hộ chủ trương có chính sách hỗ trợ cho các hộ kinh doanh được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp để đầu tư đóng mới tàu du lịch nói chung và trang bị thiết bị định vị trên tàu du lịch nói riêng theo quy định.
Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, chi phí để lắp đặt thiết bị định vị trên tàu du lịch là nhỏ (giá mỗi bộ thiết bị định vị, nhận dạng tự động dao động trong khoảng từ 8 - 30 triệu đồng/thiết bị tùy từng hãng và quốc gia sản xuất) so với việc đầu tư đóng mới một con tàu.
Mặt khác, theo quy định của pháp luật hiện hành, hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng và khách hàng được thực hiện trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Luật Các Tổ chức tín dụng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo đó, đối với nhu cầu vay vốn để đầu tư gắn thiết bị định vị trên tàu du lịch, Tổ chức tín dụng xem xét quyết định cho vay đối với khách hàng khi khách hàng đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (đã được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 06/2023/TTNHNN ngày 28/6/2023) quy định về hoạt động cho vay của Tổ chức tín dụng đối với khách hàng.
Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Long cần có đánh giá về thực trạng, khó khăn của các hộ kinh doanh, sự cần thiết thực hiện chính sách hỗ trợ và khả năng tiềm lực hỗ trợ của nhà nước để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.