Thông tin từ các bác sĩ khoa Hô hấp và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, bệnh nhân nam N.K.T (75 tuổi, phường Hà Cầu, quận Hà Đông) vào viện trong tình trạng sốt cao, ho khạc ra đờm đục và máu.
Trước đó bệnh nhân đã đi khám tại bệnh viện khác với triệu chứng ho kéo dài, khó thở và được chẩn đoán viêm phổi phải nhập viện điều trị 1 tuần, sau đó bệnh nhân được xuất viện theo đơn ngoại trú về nhà.
Tuy nhiên sau 2 tuần ra viện bệnh nhân khó thở, ho nhiều hơn và kèm ra máu. Bệnh nhân được người nhà đưa vào viện thăm khám. Tại đây bác sĩ chỉ định làm các xét nghiệm chẩn đoán trong đó có chỉ định nội soi phế quản.
Trong quá trình nội soi các bác sĩ phát hiện trong phế quản thùy dưới phổi trái của bệnh nhân có dị vật màu đen, các tổ chức xung quanh che lấp, lòng phế quản phù nề nên rất khó khăn để nội soi gắp lấy dị vật ra do bệnh nhân bị hóc khá lâu.
Sau một giờ căng thẳng các bác sĩ đã gắp thành công dị vật ra khỏi phổi cho bệnh nhân, đó là hạt hồng xiêm dài 2cm x1cm. Sau một ngày gắp dị vật sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Văn Giang, Phó Trưởng khoa Hô hấp và Bệnh phổi, hạt hồng xiêm là một trong những loại dị vật khó gắp nhất vì hình dạng trơn, cạnh sắc nhọn. Trong trường hợp này bệnh nhân đến muộn nên việc thực hiện thủ thuật khó khăn, nếu không phát hiện kịp thời, bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng như viêm phổi kéo dài, nặng có thể gây xẹp phổi hoặc áp xe phổi. Bệnh nhân thường đi khám, được chẩn đoán và điều trị viêm phổi nhưng ít khi nghĩ đến viêm phổi do dị vật, nên hầu hết các trường hợp dị vật ở phế quản thường được chẩn đoán và xác định muộn.
Dị vật đường thở có thể gặp nhiều như hạt lạc, hạt ngô, hạt dưa, hạt hồng xiêm, mẩu xương, vỏ tôm, cua, đốt xương cá, mảnh đồ nhựa, kim, cặp tóc... Đây là một cấp cứu nội - ngoại khoa, tiên lượng điều trị phụ thuộc vào bản chất dị vật và quá trình điều trị sớm hay muộn. Cho đến hiện nay nội soi là phương pháp điều trị an toàn và cơ bản nhất.
Việc xử trí dị vật đường thở đòi hỏi phải nhanh chóng và chính xác vì nhiều khi có thể ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị dị vật đường thở như: cười đùa trong khi ăn; thói quen ngậm đồ vật khi chơi, khi làm việc; do rối loạn phản xạ họng, thanh quản ở trẻ em và người già, có thể do bệnh nhân bị hôn mê hoặc tâm thần...