Theo tạp chí Tri Thức, bé chào đời ngày 22/3 ở tuần thai thứ 35, chỉ nặng 2,4 kg tại bệnh viện huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Các bác sĩ phát hiện trẻ không có cân cơ, da thành bụng, có biểu hiện thoát vị khe thành bụng với toàn bộ ruột nằm ngoài ổ bụng nên lập tức chuyển bé đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An.
Được biết, bé là con thứ hai của sản phụ T.N.Q.N. Trong suốt quá trình mang thai, mẹ bé không đi khám hay siêu âm sàng lọc thai kỳ thường xuyên.
Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An với thể trạng suy dinh dưỡng, non yếu, hạ thân nhiệt, có dấu hiệu thiếu dịch, suy hô hấp, tiên lượng nặng.
Dị tật khe hở thành bụng khiến dạ dày, toàn bộ ruột non và đại tràng của trẻ thoát vị ra ngoài ổ bụng. Dạ dày, các quai ruột non của bé bị giãn, dị tật bất thường. Phần lớn ống tiêu hoá từ tá tràng đến trực tràng không rõ hình dạng, các quai ruột có cấu trúc bất thường.
Ngay sau khi vào viện, trẻ được chỉ định chăm sóc toàn diện, sưởi ấm, hồi sức tích cực, thở máy, nuôi dưỡng đường tĩnh mạch và thực hiện những cận lâm sàng cần thiết.
Sau 2 giờ hồi sức tích cực, nhận thấy tình trạng của bé ổn định, các bác sĩ quyết định thực hiện ca phẫu thuật khâu treo túi vô khuẩn cho trẻ.
10 ngày sau mổ, toàn bộ ruột của bé đã nằm gọn trong ổ bụng. Bệnh nhi được lên chương trình mổ lần 2 để đóng lại thành bụng.
Theo đánh giá của các bác sĩ, đây là ca phẫu thuật đặc biệt vì bệnh nhi sinh non tháng, nhẹ cân nên chức năng các cơ quan (tim, phổi, gan, thận,...) thường chưa tốt, chưa hoàn thiện...
Áp lực đối với ê-kíp phẫu thuật vì thế cũng rất lớn, đòi hỏi độ chính xác rất cao. Các loại thuốc gây mê, dịch truyền… khi đưa vào cơ thể non yếu của bé phải chính xác từng ml do nguy cơ ngừng tim, ngừng thở ngay trên bàn mổ là rất lớn.
Sau phẫu thuật, dù đã được chăm sóc đặc biệt tại khoa Hồi sức tích cực ngoại khoa, bệnh nhi vẫn liên tục chuyển biến nặng do vết mổ căng, khó liền kèm theo tình trạng viêm phổi nặng. Nhiều đêm, các bác sĩ, điều dưỡng phải thức trắng điều chỉnh huyết động để giành giật sự sống cho trẻ.
May mắn, sau 2 tháng chăm sóc tích cực và điều trị, bệnh nhi đã hồi phục tốt, thông đường tiêu hóa, toàn trạng ổn định. Bé được các bác sĩ cho ra viện, hẹn tái khám sau một tháng.
Đây không phải trường hợp đầu tiên mắc tình trạng nội tạng nằm ngoài ổ bụng, trước đó một sản phụ ở Nghệ An mang thai lần ba, quá trình mang thai không sàng lọc. Tháng 7, qua thăm khám, bác sĩ phát hiện thai bị khe hở thành bụng - một trong những khiếm khuyết có tỷ lệ tử vong sau sinh rất cao.
Đến tuần 36, sản phụ chuyển dạ, phải mổ cấp cứu lấy thai. Bé gái chào đời nặng 2,2 kg, suy dinh dưỡng, suy hô hấp. Ngoài ra, dị tật khe hở thành bụng khiến dạ dày toàn bộ ruột non và đại tràng, túi mật, buồng trứng phải thoát vị ra ngoài ổ bụng. Bé được chuyển về Khoa Hồi sức tích cực ngoại khoa để điều trị.
Sau hội chẩn, bác sĩ phẫu thuật đưa cơ quan nội tạng trở lại ổ bụng cho bệnh nhi.
Thoát vị hoành bẩm sinh ở trẻ sơ sinh là hiện tượng các tạng từ ổ bụng chui lên lồng ngực qua lỗ khuyết bẩm sinh, thường ở vị trí lỗ sau và bên trái của cơ hoành. Tùy thuộc vào lỗ thoát vị to hay nhỏ mà các phủ tạng có thể chui lên lồng ngực như dạ dày, ruột non, lách.
Những trẻ bị thoát vị cơ hoành bẩm sinh thường có tổn thương phổi nặng nề. Bệnh thường gặp với tỷ lệ 1/12.500 trẻ mới sinh ra, tỷ lệ tử vong 30 đến 50%. Trẻ có triệu chứng suy hô hấp ngay sau sinh, khó thở, tím tái, thường thấy ngay từ nhịp thở đầu tiên, bụng lõm, ngực phồng...
"Trường hợp trẻ sơ sinh bị thoát vị rất hiếm gặp, phải chăm sóc và điều trị toàn diện, đánh giá sát sao", bác sĩ nói.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, trẻ đã được cai thở máy, ghép mẹ, tập bú mẹ và xuất viện sau đó, thông tin trên báo Vnexpress.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo thai phụ mang thai cần được khám thai định kỳ và làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh giúp phát hiện sớm và xử trí kịp thời dị tật thai nhi. Việc này giúp góp phần giảm thiểu tỷ lệ tử vong do dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh hoặc có phương pháp can thiệp phù hợp sau khi trẻ chào đời.