Công ty TNHH một thành viên xây lắp điện 4 là doanh nghiệp nhà nước được thành lập ngày 28/12/1987 trên cơ sở sáp nhập công ty Xây lắp điện 1 và công ty Xây lắp Đường dây và Trạm 4. Đến năm 1988 theo QĐ số 63/1988/QĐ-BCN của Bộ Công Nghiệp, công ty trở thành 1 trong 4 công ty xây lắp điện chuyên ngành của Quốc gia trực thuộc Tổng công ty Xây dựng Công nghiệp Việt Nam.
Thực hiện tiến trình đổi mới doanh nghiệp theo QĐ số 35/2005/QĐ-BCN ngày 30/08/2005 của Bộ trưởng Bộ Công Nghiệp, Công ty Xây lắp điện 4 chuyển thành công ty TNHH một thành viên xây lắp điện 4 (PCC4).
Qua 37 năm xây dựng và phát triển, PCC4 đã thi công nhều công trình điện lớn trên toàn quốc, điển hình là gần 800km đường dây 500 KV, trong đó có đường dây 500 KV Bắc - Nam, Ô Môn - Nhà Bè, Cai Lậy - Long An, Thường Tín - Quảng Ninh...
Vốn điều lệ của công ty là 58.351.380.130 đồng, trong đó Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam có tỉ lệ góp vốn 100%.
Bên cạnh công tác chuyên môn, công ty TNHH một thành viên xây lắp điện 4 còn được biết đến với tư cách nhà thầu, có quan hệ với 42 bên mời thầu, chủ yếu là các đơn vị thuộc ngành điện lực.
Thống kê từ mạng đấu thầu Quốc gia cho thấy, PCC4 đã trúng 79 gói, tổng giá trị trúng thầu là 4.834.322.133.983 đồng (hơn 4,8 nghìn tỷ đồng), trong đó tổng giá trị trúng thầu với vai trò độc lập khoảng 3.036.953.337.011 đồng (hơn 3 nghìn tỷ đồng).
Nghiên cứu ngẫu nhiên 10 gói thầu mà PCC4 từng trúng, giá trị lên tới 1,3 nghìn tỷ đồng, chỉ tiết kiệm được cho các chủ đầu tư khoảng 1,3 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ 0,1%. Đa số các gói thầu này được thực hiện từ vốn vay và vốn EVNNPT.
Có thể kể đến nhiều gói thầu thực hiện tại Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia do Tổng Giám đốc Phạm Lê Phú ký phê duyệt vào các thời điểm khác nhau, giá trị hàng trăm tỷ đồng nhưng tiền tiết kiệm cho chủ đầu tư chỉ vài chục triệu đồng, tính ra tỉ lệ tiết kiệm bằng 0%.
Cụ thể là 4 gói thầu số 12, 8, 13 và 7: Gói số 12 gần 200 tỷ đồng, tiết kiệm hơn 9 triệu đồng; gói số 8 hơn 294 triệu đồng tiết kiệm 55 triệu đồng; gói số 13 hơn 133 triệu đồng tiết kiệm 22 triệu đồng; đặc biệt gói số 7 giá trúng thầu bằng giá dự toán, tiết kiệm 0 đồng.
Ở Ban QLDA các công trình điện miền Trung, công ty TNHH một thành viên xây lắp điện 4 cũng trúng nhiều gói thầu giá trị trăm tỷ nhưng tiết kiệm 0 – 0,2%. Ví dụ 5 gói thầu do Giám đốc Vũ Trần Nguyễn ký phê duyệt có giá từ 88 đến 102 tỷ đồng, tiết kiệm tương ứng khoảng từ 34 triệu đồng đến 256 triệu đồng. Đây đều là những gói thầu xây lắp.
Hay tại Ban QLDA các công trình điện miền Bắc, PCC4 trúng gói thầu 83,8 tỷ đồng do Giám đốc Hoàng Văn Tuyên phê duyệt, chỉ tiết kiệm được hơn 94 triệu đồng cho chủ đầu tư, đạt tỉ lệ 0,1%.
Từng đưa quan điểm về thực trạng đấu thầu có tỉ lệ tiết kiệm thấp, luật sư Nguyễn Cao Đạt (Giám đốc công ty Luật Nguyên Khang và Cộng sự) cho rằng: “Tỉ lệ tiết kiệm rất thấp thì rõ ràng là chưa đạt được mục tiêu là hiệu quả kinh tế trong công tác đấu thầu theo quy định của luật Đấu thầu”.
Còn luật sư Dương Văn Phúc (công ty Luật TNHH MTV FDVN) bình luận: “Hiện tượng nhiều gói thầu tỉ lệ tiết kiệm rất thấp, rất có khả năng tồn tại các dấu hiệu vi phạm pháp luật, đặc biệt là trong quá trình mời thầu và lựa chọn nhà thầu. Việc đấu thầu tỉ lệ tiết kiệm thấp sẽ gây thất thoát rất lớn cho ngân sách”.